Tầm nhìn mới về “sức mạnh mềm” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc
Ngày đăng:30-09-2015
QĐND – Văn hóa là một trong những yếu tố trụ cột làm nên “sức mạnh mềm” của mỗi quốc gia, dân tộc. Càng tiến sâu vào quá trình hội nhập quốc tế, Đảng ta càng có nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng, yếu tố văn hóa đã được nhấn mạnh ở nhiều điểm then chốt. Trong 12 nhiệm vụ tổng quát 5 năm tới (2016-2020), ở nhiệm vụ thứ 4 nêu rõ: “Xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Trong mục X “Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới”, Đảng ta đã xác định: “Mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh là: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”; đồng thời nêu ra nhiệm vụ mới là: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội”.
Ảnh minh họa
Như vậy, vai trò của văn hóa đã được nhìn nhận ở góc độ mới, với nhận thức mới, tư duy mới. Điều đó được thể hiện ở những khía cạnh cụ thể sau:
Một là: Đây là lần đầu tiên, Đảng ta xác định “Xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đất nước trong những năm tới.
So với các văn kiện Đại hội và Nghị quyết của Đảng trước đây, nhiệm vụ văn hóa chưa được khẳng định một cách cụ thể như vậy. Gần đây nhất, Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, vấn đề này đã được nêu ra, nhưng chỉ được xác định ở phần mục tiêu chung, đó là: “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Mục tiêu là cái đích hướng tới, đi tới để phấn đấu thực hiện. Còn nhiệm vụ là cụ thể hóa của mục tiêu, là công việc phải làm thường xuyên, liên tục với sự tham gia của tất cả các ngành, các cấp và toàn xã hội.
Hai là: Cũng lần đầu tiên, Dự thảo báo cáo chính trị của Đảng đã đề cập đến nội dung “bảo vệ nền văn hóa dân tộc” trong mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh”.
Trước đó, Đại hội XI của Đảng chưa đặt ra nhiệm vụ “bảo vệ nền văn hóa dân tộc” trong mục tiêu của quốc phòng, an ninh. Cương lĩnh Xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 2011) cũng chỉ xác định: “Mục tiêu, nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”.
Việc bổ sung nhiệm vụ “bảo vệ nền văn hóa dân tộc” vào dự thảo lần này là hết sức cần thiết, vì thực tế đã chứng minh, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần xã hội, là động lực và mục tiêu của sự phát triển kinh tế-xã hội, mà còn là sức mạnh nội sinh quan trọng để vừa bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước, vừa là một trong những nhân tố then chốt làm nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã để lại một bài học kinh nghiệm vô giá: Ở vương triều, chế độ nào và thời điểm, giai đoạn lịch sử nào mà khơi dậy, phát huy được lòng yêu nước, sức mạnh quật cường và tinh thần đại đoàn kết của toàn dân tộc-với tư cách là giá trị nền tảng của văn hóa dân tộc-thì ở đó, nơi đó, chúng ta sẽ đẩy lùi được mọi nguy cơ xâm lược, đánh tan mọi kẻ thù để giữ vững và bảo toàn được giang sơn gấm vóc. Trong lịch sử, dân tộc Việt từng có gần một nghìn năm bị phương Bắc đô hộ, nhưng chúng ta vẫn giữ được cốt cách, bản sắc văn hóa của dân tộc mình, nên không bị đồng hóa. Đặc biệt, chiến thắng vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc ở thế kỷ 20 bắt nguồn sâu xa từ truyền thống văn hóa giữ nước được kết tinh, bồi tụ qua mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, lịch sử thế giới cũng từng chỉ ra: Mất lãnh thổ, chủ quyền có thể đấu tranh lấy lại, giành lại được; nhưng mất văn hóa là mất tất cả, mất vĩnh viễn. Chính vì vậy, “bảo vệ nền văn hóa dân tộc” thực chất là bảo vệ những giá trị gốc gác, cốt lõi nhất để bảo đảm cho dân tộc ấy trường tồn, phát triển bền vững; nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, thì nhiệm vụ này càng trở nên cấp bách, quan trọng.
Ba là: Một trong những điểm mới nhất, đáng chú ý nhất trong Dự thảo lần này là Đảng ta đã xác định: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”.
So với các văn kiện của Đảng khoảng mười năm trở lại đây, nội dung văn hóa chưa được đề cập trong sự kết hợp này. Văn kiện Đại hội XI và Cương lĩnh (2011) của Đảng chỉ nêu: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh; quốc phòng, an ninh với kinh tế trong từng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”. Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” dù đã nêu ra, song cũng chỉ dừng lại: “Gắn các hoạt động văn hóa với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Tại sao phải “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội”? Bởi vì, như Đảng ta từng khẳng định, văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển kinh tế- xã hội, đồng thời là “sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển”. Là một trong những yếu tố vừa bền vững, vừa năng động, văn hóa sẽ góp phần khai thác, nhân lên “sức mạnh mềm” của quốc gia để tạo ra sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Hơn nữa, “sức mạnh nội sinh” của văn hóa là sức mạnh sinh sôi, nảy nở từ bên trong, do đó trong chiến lược kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh không thể không coi trọng sức mạnh đặc biệt này. Nói đến văn hóa là nói đến con người, vì vậy, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa thực chất là chú trọng quan tâm chăm lo xây dựng con người có đủ bản lĩnh, niềm tin và sức mạnh tinh thần, năng lực, sức khỏe nhằm đáp ứng, thực hiện thắng lợi một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam.
Cũng phải nói thêm rằng, việc đưa yếu tố văn hóa vào sự kết hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh còn nhằm khắc phục tình trạng coi nhẹ văn hóa trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” đã xác định 6 giải pháp lớn, trong đó có giải pháp về xây dựng, bảo vệ và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đi đôi với phòng, chống, đẩy lùi văn hóa độc hại và nguy cơ “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài vào. Thực tế cho thấy ở một số địa phương thời gian qua cũng chưa nhận thức thấu đáo về tầm quan trọng của yếu tố văn hóa trong chiến lược quốc phòng, an ninh, mà nếu không được thường xuyên quan tâm, xử lý thấu đáo thì có thể dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Năm 2014, việc một tỉnh miền Trung “bật đèn xanh” cho công ty tư nhân nước ngoài triển khai một dự án lớn về du lịch, vui chơi, giải trí tại vị trí rất trọng yếu, nhạy cảm về quốc phòng, an ninh trên đỉnh đèo Hải Vân, là một ví dụ.
Từ những phân tích trên, có thể khẳng định rằng, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng đã có tầm nhìn mới về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Hay nói cách khác, nội hàm của văn hóa trong Dự thảo lần này đã có sự phát triển vượt bậc so với các văn kiện trước đây của Đảng. Điều đó được khái quát ở ba điểm cơ bản:
Thứ nhất: Việc chăm lo xây dựng văn hóa, con người Việt Nam không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, mà còn góp phần tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
Thứ hai: Bảo vệ nền văn hóa dân tộc là một trong những nội dung nhiệm vụ chủ yếu của quốc phòng, an ninh; là nghĩa vụ, trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Thứ ba: Phải có sự kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Như vậy, các yếu tố “kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh” là một thể thống nhất, có mối quan hệ mật thiết đến sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Có nhận thức đúng mới có cơ sở để hành động đúng. Việc Đảng ta có nhìn nhận mới về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong tiến trình bảo vệ Tổ quốc, không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận-khoa học, mà còn góp phần tạo ra một “nguồn lực mới” thúc đẩy sự nghiệp quốc phòng-an ninh phát triển trong thời gian tới. Đó là tiền đề để chúng ta không ngừng bổ sung, tăng cường “sức mạnh mềm” nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.