Trong suốt cuộc đời mình, Bác Hồ luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Trong đó, Bác dành tình thương yêu đặc biệt đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng - thế hệ tương lai của đất nước. Tình thương yêu bao la của Người được thể hiện ở cả lời nói và việc làm, nhất là ở những lá thư Bác gửi cho các cháu vào dịp Tết Trung thu hằng năm. Đó là những câu văn, vần thơ rất đỗi giản dị và dễ hiểu, dễ thuộc mà luôn chan chứa tình yêu thương.
Thư của Bác gửi tặng các cháu thiếu nhi bao giờ cũng đầy yêu thương và cả những lời căn dặn nhẹ nhàng. Năm 1941, sau những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước Bác trở về để trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Nhân dịp Tết Trung thu năm đó, Người viết bài thơ thể hiện sự quan tâm của mình dành cho các cháu, lại vừa kêu gọi thiếu nhi cháu thiếu nhi:
“ Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan
Chẳng may vận nước gian nan
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng
Học hành, giáo dục đã thông
Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa...”
Nhớ ngày Tết Trung thu năm 1945, một mùa trung thu lịch sử, vì khi ấy nước nhà đã được tự do. Trong thư gửi các cháu thiếu nhi Bác viết: “Các em vui cười hớn hở, già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em. Đố các em biết vì sao? Một là vì già Hồ rất yêu mến các em; hai là vì Trung thu năm ngoái nước ta còn bị áp bức, các em còn là một bầy nô lệ trẻ con, mà Trung thu năm nay, nước ta đã tự do, các em đã trở thành những tiểu chủ nhân của một nước độc lập". Trong lá thư lịch sử này, Bác đã khéo léo gắn kết tình thương yêu con trẻ với niềm tự hào lớn lao khi đất nước giành lại được độc lập, tự do.
Tết Trung thu năm sau 1946, mặc dù bận rộn với những công việc quan trọng của đất nước nhưng Bác Hồ vẫn không quên làm thơ gửi cho các cháu:
“Bác mong các cháu chăm ngoan
Mai sau gìn giữ giang sơn Lạc Hồng
Sao cho nổi tiếng Tiên Rồng
Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam
Vẫn là sự quan tâm và niềm mong mỏi các cháu thiếu nhi chăm học và làm được nhiều việc tốt góp phần xây dựng và giữ gìn nền độc lập còn rất non trẻ của đất nước. Bác nhắc đến những danh từ thiêng liêng như: Lạc Hồng, Tiên Rồng, Việt Nam như muốn gợi lại truyền thống yêu nước bốn nghìn năm của dân tộc gắn liền với tên tuổi của những người anh hùng nhỏ tuổi như: Thánh Gióng, Trần Quốc Toản... Đây là những tấm gương sáng trong lịch sử dân tộc đáng để các cháu noi theo.
Hay Tết Trung thu năm 1951, mở đầu thư Bác viết:
"Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy giòng
Gửi cho các cháu, tỏ lòng nhớ nhung"
Lời thư như một lời tâm sự, không phải của một vị chủ tịch dành cho các nháu thiếu nhi mà bác với các cháu như những người bạn thân thương, gần gũi. Đó cũng là nét đặc sắc trong tư tưởng nhân văn của Người.
Trung thu năm 1952, Vẫn với những những dòng tình cảm thiết tha, chân thành Bác tâm tình:
"Ai yêu các nhi đồng
Bằng Bác Hồ Chí Minh
Tính các cháu ngoan ngoãn
Mặt các cháu xinh xinh
Mong các cháu cố gắng
Thi đua học và hành"
Một lần nữa Bác lại khẳng định tình cảm tình “không ai sánh bằng” của Bác dành cho các cháu thiếu nhi. Bác còn vui mừng, tự hào về lớp lớp măng non Việt Nam sống trong chế độ mới luôn xinh xắn, ngoan ngoãn, giỏi giang. Chính tình thương yêu bao la đó đã nâng tầm sự “vĩ đại” của Người, làm cho mỗi cháu nhỏ, mỗi chúng ta ngày càng kính yêu Bác nhiều hơn.
Năm 1953, cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn cuối, quân - dân ta trên khắp các chiến trường liên tiếp giành được những thắng lợi quan trọng. Tết Trung thu năm đó Bác phấn khởi gửi thư kể tin chiến thắng, chia vui với các cháu thiếu nhi. Trong những chiến thắng đó có sự đóng góp không nhỏ của các cháu:
“…Khắp nơi Nam, Bắc, Tây, Đông
Được tin thắng trận cờ hồng tung bay
Các cháu vui thay
Bác cũng vui thay
Thu sau so với thu này vui hơn”.
Một mùa trung thu đặc biệt, ấy là Tết Trung thu năm 1956. Khi đế quốc Mỹ và các thế lực tay sai đã lậtlọng không thực hiện đúng Hiệp định Giơnevơ về việc hiệp thương thống nhất đất nước - niềm mong ước lớn nhất của Bác, của nhân dân ta lúc bấy giờ. Miền Nam ruột thịt vẫn đang trong hoàn cảnh kháng chiến cam go, ác liệt. Bác thương thiếu nhi miền Nam phải chịu bao đau thương, tang tóc dưới ách xâm lược của đế quốc Mỹ. Nhưng Bác luôn lạc quan, tin tưởng sắt đá nhân dân ta nhất định thắng, Nam - Bắc nhất định thống nhất và Bác nhất định sẽ được gặp các cháu thiếu nhi miền Nam vô cùng yêu quý của mình. Để khẳng định điều này, trong thư Bác viết:
"Bắc Nam sẽ xum họp một nhà
Bác cháu ta họp mặt, trẻ già vui chung
Nhớ thương các cháu vô cùng
Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi"
Có thể nói, những năm cuối đời, Bác luôn da diết nhớ tới đồng bào miền Nam ruột thịt, trong đó có nỗi nhớ vô hạn đối với thiếu niên, nhi đồng miền Nam.
Mặc dù điều mong ước được gặp thiếu nhi miền Nam của Bác không trở thành hiện thực, song nhân dân ta đã hoàn toàn chiến thắng; Tổ quốc ta đã độc lập, tự do, thống nhất; các thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam đã được sống trong hòa bình, hạnh phúc, tương lai tươi sáng hơn…
Gần 50 năm trôi qua (kể từ ngày Quốc tế Thiếu nhi năm 1969), thiếu nhi Việt Nam không còn được Bác gửi thư. Nhưng tấm lòng yêu thương và những lời dạy của Người vẫn luôn đồng hành cùng thiếu niên, nhi đồng cả nước và trở thành di sản văn hóa vô giá của toàn Đảng, toàn dân và của thế hệ trẻ nước ta. Đền đáp công ơn trời biển và tình thương yêu lớn lao, cao quý của Bác, toàn thể thiếu niên, nhi đồng hôm nay phải luôn cố gắng, nỗ lực thực hiện thật tốt 5 điều Bác Hồ dạy, luôn chăm học, chăm làm “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, tích cực công tác Đội, góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam./.