Cần giải pháp thúc đẩy dịch vụ du lịch ở Bắc Giang
Ngày đăng:07-05-2023
Toàn tỉnh Bắc Giang có 13 khu, điểm du lịch đã được công nhận song việc đầu tư, khai thác dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí ở những nơi này còn hạn chế, cần có giải pháp đồng bộ để tháo gỡ.
Thiếu các dịch vụ ở khu du lịch
Đơn cử như Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam) mặc dù đã được công nhận là khu du lịch từ lâu song đơn vị quản lý chỉ thu được phí tham quan 30 nghìn đồng/lượt và phí trông xe. Các nhà hàng, quán xá, dịch vụ ăn uống do người dân đầu tư, kinh doanh ở gần khu du lịch tuy có song chỉ đếm trên đầu ngón tay, quy mô nhỏ. Khu vực bán đồ lưu niệm, sản vật địa phương chưa hình thành.
Khách tham quan Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam).
Điểm du lịch chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (Việt Yên), Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang) cũng chưa có dịch vụ vui chơi, trải nghiệm hấp dẫn du khách. Khách đến những nơi này chỉ thắp nhang, vãn cảnh trong chốc lát rồi rời đi.
Thực tế, nhu cầu chi tiêu, mua sắm, vui chơi, giải trí của du khách ở các khu, điểm du lịch rất lớn. Dịp nghỉ lễ kéo dài 5 ngày vừa qua, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đón hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, dịch vụ ở những nơi này chưa đáp ứng nhu cầu khách tham quan, thậm chí ngay cả đối với những điểm du lịch được cho là có sự đầu tư lớn.
Đơn cử ở bản Ven (Yên Thế), trung bình mỗi ngày đón 2,5-3 nghìn khách song lều, bạt, bàn, ghế do đơn vị làm du lịch đầu tư cho thuê và phục vụ miễn phí đều chật cứng chỗ, nhiều người phải trải áo mưa, giấy, báo ra ngồi, thậm chí không có chỗ để dừng chân nghỉ ngơi. Các nhà sàn phục vụ ăn uống quá tải. Hay như ở Đồng Cao (Sơn Động) dù chưa được công nhận là điểm du lịch, chưa được đầu tư dịch vụ nghỉ dưỡng, giải trí song dịp nghỉ lễ vừa qua có khoảng 5 nghìn khách đổ về đây. Kết thúc kỳ nghỉ, người dân và thanh niên tình nguyện phải tổ chức dọn dẹp rác thải của khách vứt lại bừa bãi.
Do các khu, điểm du lịch không có nhiều dịch vụ nên hầu hết du khách đi du lịch trong ngày, không lưu trú, doanh thu từ các dịch vụ thấp, nhiều người nói vui "có tiền mang theo nhưng không biết tiêu gì". Toàn tỉnh có hơn 440 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch; 13 khu, điểm du lịch được công nhận. Năm 2022, doanh thu từ các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt khoảng 650 tỷ đồng.
Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp
Theo Nghị quyết số 112-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu phấn đấu năm 2025 thu hút 3 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch đạt 3 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho 6 nghìn lao động.
Du khách sử dụng dịch vụ xe điện tại Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động).
Nghị quyết cũng xác định tập trung xây dựng 4 sản phẩm du lịch chính của tỉnh: Du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf); du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận.
Để đạt mục tiêu đề ra đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cấp ủy, chính quyền, ngành liên quan, ban chỉ đạo phát triển du lịch các huyện, TP, cộng đồng doanh nghiệp và người dân làm du lịch. Một trong những nhóm giải pháp quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ ở các khu, điểm du lịch đó là công tác quy hoạch; có các cơ chế, chính sách ưu đãi, hấp dẫn, hợp lý liên quan đến phát triển du lịch. Đây là yếu tố cơ bản, làm cơ sở để các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ.
Theo một số chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành, trong lúc chờ các nhà đầu tư có tiềm lực; các khu, điểm du lịch vẫn có thể "tự làm mới mình", tạo sức hấp dẫn, tăng thu từ các dịch vụ. Bà Trần Thị Thảo, Giám đốc Công ty cổ phần Giáo dục, Thương mại và Du lịch Việt Hưng Tourist gợi mở: Đối với du lịch cộng đồng, các dịch vụ nên gắn với bản sắc văn hóa độc đáo ở mỗi vùng miền.
Chẳng hạn, ở Khu du lịch sinh thái suối Mỡ (Lục Nam), điểm du lịch Khe Rỗ (Sơn Động) có thể thiết kế các mô hình, tiểu cảnh phù hợp với cảnh quan thiên nhiên để khách chụp ảnh, cắm trại, tổ chức dịch vụ xe điện; dịch vụ chăm sóc sức khỏe (ngâm chân, tắm thuốc). Đối với du lịch vườn quả ở Lục Ngạn, các hợp tác xã du lịch cộng đồng có thể liên kết với người dân làm các sản phẩm chế biến từ vải thiều (bánh, mứt, đồ uống), đưa những câu chuyện mang yếu tố văn hóa liên quan đến vải thiều. Các nhà vườn làm dịch vụ lưu trú theo mô hình home-stay đáp ứng nhu cầu vui chơi thư giãn, ăn nghỉ của khách tham quan.
Hay như làng cổ Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên), nơi có nhiều di tích nổi tiếng như đình, chùa Thổ Hà, cổng làng, nhà cổ, ngoài tổ chức tour đưa khách tham quan, có thể tổ chức canh hát quan họ, giao lưu hát trên thuyền ở sông Cầu vào buổi tối (có bán vé). Từ chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) sử dụng dịch vụ đường thủy đến các điểm di tích dọc sông Thương, sông Lục Nam qua địa bàn các huyện Lục Nam, Lục Ngạn. Khách đến chùa tự tay trải nghiệm in mộc bản, thưởng thức đồ ăn chay, nghe pháp thoại, tìm hiểu về thiền...
Ở điểm du lịch Địa điểm chiến thắng Xương Giang nghiên cứu tổ chức mô hình đánh trận giả, như cưỡi ngựa, bắn cung, tái hiện trận chiến Xương Giang, tạo sự hấp dẫn cho du khách, vừa giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ (có bán vé tham quan).
"Bắc Giang nên hỗ trợ vốn, chuyển giao công nghệ nhằm khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp đầu tư vận hành các cơ sở lưu trú, ăn uống, dịch vụ tham quan, tìm hiểu truyền thống văn hóa và cuộc sống của người dân bản địa".
PGS. TS Bùi Thanh Thủy, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Theo PGS. TS Bùi Thanh Thủy, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội-chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, Bắc Giang nên hỗ trợ vốn, chuyển giao công nghệ nhằm khuyến khích người dân địa phương tham gia trực tiếp đầu tư vận hành các cơ sở lưu trú, ăn uống, dịch vụ tham quan, tìm hiểu truyền thống văn hóa và cuộc sống của người dân bản địa.
Xây dựng chính sách đặc thù cho từng điểm, khu vực phát triển; chính sách thu hút đầu tư du lịch; chính sách khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống.
Ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang (VHTTDL) cho biết, Sở VHTTDL Bắc Giang tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, cung cấp các hoạt động phục vụ phát triển du lịch.
Mới đây, Sở VHTTDL tham mưu xây dựng dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2030 trình HĐND tỉnh trong kỳ họp tới. Theo đó, các đối tượng liên quan sẽ được hỗ trợ kinh phí để đầu tư nhà đón khách, trưng bày sản phẩm du lịch, xây nhà có phòng cho khách du lịch thuê, mua hoặc đóng thuyền, xe điện vận chuyển khách du lịch. Cùng đó, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng; tăng cường truyền thông, quảng bá; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm du lịch.