Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ: Góp vui hội xuân, quảng bá di sản
Ngày đăng:19-02-2023
Dịp này, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang diễn ra các lễ hội với những trò chơi dân gian; hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, hấp dẫn. Góp vui vào hội xuân có vai trò quan trọng của các câu lạc bộ (CLB) ở nhiều xã, phường, thôn, xóm.
Chung sức "gánh" việc
Đến hẹn lại lên, vào ngày 20 tháng Giêng hằng năm, hàng nghìn khách thập phương lại có mặt tại đình Vĩnh Ninh, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) dự lễ hội truyền thống. Sau 3 năm phải tạm dừng do dịch Covid-19; năm nay, lễ hội được tổ chức trở lại. Khách đến đây, ngoài thắp hương, vãn cảnh còn được thưởng thức chương trình văn nghệ đặc sắc do các CLB văn nghệ tổ dân phố Vĩnh Ninh 1, Vĩnh Ninh 2, Vĩnh Ninh 3 cùng 2 CLB dân ca và hát chèo tự dàn dựng, biểu diễn.
Hạt nhân của CLB đủ thành phần nghề nghiệp (cán bộ hưu, tiểu thương, công nhân, lao động tự do). Dù ai cũng bận song mọi người đều bố trí thời gian, tranh thủ tập luyện. Các tiết mục hát quan họ trên thuyền, hát văn, hát chèo, dân vũ thu hút đông đảo người dân đến xem, cổ vũ. Ông Nguyễn Thế Hùng, Tổ trưởng Tổ dân phố Vĩnh Ninh 1 cho biết: "Trước kia, hầu hết chương trình văn hóa, văn nghệ tại lễ hội đều phải thuê nhạc công, ca sĩ về biểu diễn, chi phí tốn kém. Giờ đây, các CLB quy tụ rất nhiều người có năng khiếu văn nghệ tham gia, âm nhạc cũng được tải từ Internet, tiết kiệm đáng kể chi phí".
Hát quan họ trên thuyền của CLB văn nghệ Vĩnh Ninh, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang).
Những ngày này, các "anh hai, chị hai" của CLB quan họ xã Minh Đức (Việt Yên) thường xuyên đi biểu diễn tại các lễ hội trong và ngoài xã. Những câu quan họ lời cổ mượt mà, trữ tình ngân vang như muốn níu kéo, giữ chân khách ở lại. CLB có gần 20 thành viên, trong đó có cả học sinh tiểu học. Rất nhiều người thuộc và hát từ 200 - 300 bài (câu) quan họ lời cổ. Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm CLB quan họ xã Minh Đức chia sẻ: "Để hát mộc (không nhạc đệm) những bài quan họ lời cổ và "có hồn" không hề đơn giản. Đó là cả quá trình tìm hiểu, học hỏi, rèn luyện của các thành viên. Từ mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão đến nay, CLB biểu diễn gần 10 buổi quan họ tại nhiều hội làng ở các xã, giao lưu với người dân, du khách".
Mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hơn 500 lễ hội được tổ chức, tập trung chủ yếu vào mùa xuân. Đóng góp vào thành công của những lễ hội có vai trò rất lớn của CLB văn hóa, văn nghệ ở các xã, thị trấn, thôn, xóm khắp vùng, miền trong tỉnh. Toàn tỉnh hiện có gần 2,5 nghìn CLB văn hóa, văn nghệ có quyết định thành lập. Hầu hết các CLB tự sắm trang phục, dụng cụ biểu diễn; xây dựng kịch bản, nội dung chương trình, tiết mục...
Lan tỏa giá trị di sản
Tỉnh Bắc Giang sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể như: Then, dân ca quan họ, chèo, chầu văn. Các CLB chính là nhịp cầu đưa di sản quý giá ấy tới người dân thông qua biểu diễn tại lễ hội. Đây là hình thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản hiệu quả, thiết thực, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Năm nay, các lễ hội được tổ chức trở lại sau nhiều năm phải tạm dừng do dịch Covid-19, các CLB hoạt động sôi nổi hơn, góp vui vào hội xuân. Ngoài các chương trình văn nghệ, không ít trò chơi dân gian được khôi phục, trong đó có sự tham gia tích cực của các CLB.
Mỗi năm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có hơn 500 lễ hội được tổ chức, tập trung chủ yếu vào mùa xuân. Góp phần lớn vào không khí tươi vui của lễ hội có vai trò của CLB văn hóa, văn nghệ ở các xã, thị trấn, thôn, xóm khắp vùng, miền trong tỉnh.
Tại xã Việt Lập (Tân Yên), trước đây, nghi lễ và trò chơi móc cầu - một trò chơi độc đáo, hấp dẫn tại lễ hội đình Nội bị mai một thời gian dài. Từ năm 2015 đến nay, trò chơi này được khôi phục. Ngày 10 và 11 tháng Giêng vừa qua, lễ hội Đình Nội được tổ chức, 5 đội cầu của 5 thôn thực hiện nghi lễ và thi trò chơi móc cầu, thu hút đông đảo khách thập phương. Đây cũng là hoạt động tín ngưỡng độc đáo trong nghi thức cầu mùa của cư dân nông nghiệp, thể hiện sự tôn kính đối với thế giới tự nhiên.
Ở huyện Lục Ngạn có 34 CLB hát dân ca các dân tộc. Dịp này, trên địa bàn huyện có nhiều lễ hội, các CLB lại mang lời ca, tiếng đàn đến biểu diễn, giao lưu. Những điệu then, sloong hao, soọng cô, sình ca có sức cuốn hút mạnh mẽ với người xem. Đơn cử như Lễ hội hát sloong hao, xã Tân Sơn và Phong Vân (Lục Ngạn) vừa diễn ra trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2023 có sự góp mặt của hàng chục CLB dân ca các dân tộc. Hay như ở Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam), trong Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2023, Liên hoan hát Văn, Chầu văn tỉnh Bắc Giang có sự tham gia của 10 CLB hát văn ở các huyện, TP trong tỉnh, góp phần lan tỏa giá trị di sản.
Ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá: "Việc tham gia của các CLB vào hoạt động lễ hội làm cho không khí lễ hội thêm sôi động, rộn ràng, tươi vui, mang đậm bản sắc văn hóa, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa văn hóa và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa từ cộng đồng, để văn hóa trường tồn cùng dân tộc".
Để các CLB hoạt động hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng các địa phương cần quan tâm hỗ trợ nguồn lực mua sắm trang phục, dụng cụ biểu diễn; tổ chức các lớp bồi dưỡng về chuyên môn; thu hút, tập hợp lực lượng trẻ tham gia các CLB để có sự kế thừa, nối tiếp. Nhân rộng mô hình CLB tiêu biểu, đồng thời tăng cường quảng bá các di sản văn hóa đặc sắc, độc đáo tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.