Cuốn sách “Lễ hội Làng Thổ Hà” là một công trình sưu tầm, nghiên cứu có giá trị của Thạc sĩ Nguyễn Minh Bắc, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Giang. Xưa nay nhắc đến lễ hội vùng Kinh Bắc, nhiều người nhắc ngay đến lễ hội Thổ Hà, đọc cuốn sách “Lễ Hội Thổ Hà” ta như thấy nét nguyên vẹn của văn hóa hội làng xưa và hội tụ được nhiều yếu tố văn hóa dân gian vô cùng đặc sắc. Tác giả cũng đã công phu sưu tầm, lựa chọn nhiều bài hát, điệu hát tiêu biểu, cùng với những lời dẫn, lời bình sâu sắc và những kiến giải, trăn trở với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội Thổ Hà trong giai đoạn hiện nay.
Cuốn sách “Lễ hội Làng Thổ Hà” gồm có 03 chương và các phần phụ lục (có kèm theo một số ảnh tư liệu, một số bài thơ về làng Thổ Hà). Chương 1 “Thổ Hà - nơi lưu giữ không gian văn hóa và lễ hội”, Chương 2 “Lễ hội Làng Thổ Hà”, Chương 3 “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội làng Thổ Hà gắn với phát triển du lịch”.
Mở đầu cuốn sách là giới thiệu khái quát của tác giả về lễ hội làng cổ Thổ Hà, nét đặc trưng của ngôi làng cổ Thổ Hà, thuộc huyện Việt Yên, Tỉnh Bắc Giang, nơi làng cổ vẫn còn lưu giữ được những nét nguyên sơ của làng quê Bắc bộ với những cảnh quan thiên nhiên hữu tình, cây đa, bến nước, sân đình, chùa làng, đường ngõ, cổng làng, những nếp nhà cổ san sát, nằm sâu trong ngõ hẻm, hun hút, về khúc sông Cầu thơ mộng chảy qua làng Thổ Hà: “Nước Thổ Hà vừa trong vừa mát. Đường Thổ Hà lắm cát dễ đi”. Cùng với đó là những phong tục tập quán tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa đặc sắc của những người dân nơi đây. Thổ Hà được ví như còn sở hữu cả quần thể di sản về kiến trúc, văn hóa của một làng cổ rất đặc trưng vùng Kinh Bắc.
Chương 2, Tác giả đã ghi chép, mô tả khá tường tận, sinh động và ấn tượng về nét văn hóa đặc sắc của lễ hội Thổ Hà từ lễ hội xuân, hội đình, hội chùa, hội thu đến lễ hội Thổ Hà ngày nay với những nghi lễ, trò chơi dân gian, hát tuồng, hát quan họ trên thuyền và hai di sản văn hóa phí vật thể được Unessco vinh danh là Ca trù và Quan họ, các lễ rước, múa sênh tiền, chơi trống rồng… ta như có cảm giác làng cổ Thổ Hà và lễ hội Thổ Hà là mảnh đất nuôi dưỡng nhiều thể loại sân khấu và giữ gìn những giá trị văn hóa cổ truyền đặc sắc, đầy quyến rũ và lưu luyến.
Chương 3, là những trăn trở của Tác giả từ những rào cản ảnh hưởng của những mặt trái của cơ thế thị trường, xu thế thương mại hóa về văn hóa đến việc gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của lễ hội Thổ Hà; về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lễ hội Thổ Hà gắn với phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay.
Cuốn sách lan tỏa được nhiều thông điệp tích cực tới đời sống cộng đồng về việc gìn giữ bản sắc văn hóa lễ hội truyền thống và phát huy giá trị tích cực của lễ hội gắn với phát triển du lịch tạo ra nguồn lợi ích về kinh tế cho người dân Thổ Hà. Đây cũng là nguồn tư liệu quí cho những nhà nghiên cứu văn hóa, những cán bộ quản lý văn hóa, cán bộ lãnh đạo các cấp của chính quyền địa phương.