Phát huy vai trò của Tạp Chí Sông Thương trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Ngày đăng:22-11-2022
Đảng ta luôn khẳng định: "Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam".
Là một lĩnh vực quan trọng trên mặt trận tư tưởng-lý luận của Đảng, vì thế, văn học, nghệ thuật cũng là mục tiêu chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động trong chiến lược “diễn biến hòa bình”.
Nhận thức sâu sắc điều đó nên trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển văn học, nghệ thuật và luôn giành cho văn hóa, văn nghệ những chỉ đạo từ tầm vĩ mô đến cụ thể trong từng bối cảnh, từng giai đoạn. Điều đó thể hiện ở hệ thống các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ về văn hóa trong từng kỳ Đại hội, trong các nghị quyết chuyên đề về văn hóa hay nghị quyết dành riêng cho văn nghệ. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã xác định văn học nghệ thuật là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm. Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới xác định: “Văn học nghệ thuật là một lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện sự khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động cơ to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. Văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII, để "Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam" đã xác định phương hướng cụ thể, trong đó ghi rõ: “Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, đồng thời đảm bảo tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học nghệ thuật; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam; hạn chế các lệch lạc, biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường. Nâng cao vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ”.
Có thể khẳng định rằng: Một trong những mục tiêu quan trọng của văn học nghệ thuật là đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác trong xã hội. Bác Hồ đã dạy: "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà mà anh em văn hoá và trí thức phải làm". Điều đó có nghĩa là, đấu tranh bảo vệ, nuôi dưỡng, khẳng định cái mới, cái tích cực, cái tốt đẹp và chống cái ác, cái xấu xa, thấp hèn là chức năng, nhiệm vụ tự thân của văn học, nghệ thuật.
Ra đời hơn 20 năm qua, Tạp chí Sông Thương của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bắc Giang, tiếng nói của các chi hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ chính trị được giao, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; có nhiều đổi mới về nội dung cũng như hình thức trình bày các ấn phẩm và đã đạt được nhiều kết quả tích cực; truyền tải tới độc giả trong và ngoài tỉnh nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật giá trị giới thiệu về mảnh đất con người Bắc Giang; phát hiện bồi dưỡng những tài năng văn nghệ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Tạp chí Sông Thương ra 2 tháng/ kỳ, một năm ra 6 số với số lượng trên dưới 1000 cuốn, phát hành tới các ban, ngành trong tỉnh, UBND các huyện, thành phố, xã, phường, một số thư viện trường học, trao đổi với các Hội tỉnh thành trong cả nước và các báo chí trung ương... Tạp chí gồm các chuyên mục truyền thống như: Văn, Thơ, Nhạc, Mỹ thuật, Văn nghệ thế giới, Nghiên cứu - Trao đổi, Chân dung văn nghệ sỹ, Sáng tác thiếu nhi... Đặc biệt, hưởng ứng và phát động cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học về đề tài Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bắc Giang, Tạp chí đã nhận tuyển chọn, đăng tải nhiều tác phẩm hay viết về nhiều tấm gương xuất sắc trong lao động sản xuất, làm giàu, về nhiều vùng quê đổi mới dưới góc phản ánh văn học, nghệ thuật. Những tác phẩm đăng trên Tạp chí Sông Thương phù hợp với hơi thở cuộc sống mang đậm tính chân - thiện - mỹ, góp phần quảng bá hình ảnh Bắc Giang, con người và đất nước Việt Nam tới mọi đối tượng độc giả, góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hướng con người tới giá trị chân - thiện - mỹ, tuyên truyền thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển bùng nổ của internet, văn học, nghệ thuật cũng phải đối mặt với những chiêu thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, phức tạp. Chúng đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” đặc biệt là lợi dụng mạng xã hội để truyền bá quan điểm sai trái, tung tin bịa đặt, xuyên tạc với quy mô ngày càng rộng, mức độ ngày càng mạnh nhằm tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Văn học - Nghệ thuật là một lĩnh vực quan trọng trên mặt trận tư tưởng - lý luận của Đảng, vì thế, văn học, nghệ thuật cũng là mục tiêu chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Trong những năm gần đây, đã xuất hiện một bộ phận văn nghệ sĩ, thậm chí những người trước đây đã từng giữ vị trí cao, có những tác phẩm văn học nghệ thuật ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử văn chương, nay lại có những hoạt động thể hiện quan điểm lệch lạc; tình trạng một số văn nghệ sĩ tuy chưa thể hiện rõ tư tưởng chống đối nhưng thường xuyên có những bài viết, chia sẻ, bình luận “phản cảm” về các vấn đề xã hội trên trang cá nhân với thái độ chính trị mơ hồ, lưng chừng… đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị, uy tín, niềm tin vào đội ngũ văn nghệ sĩ. Các thế lực thù địch, phản động đã và đang ráo riết lợi dụng, lôi kéo một số văn nghệ sĩ tham gia vào cái gọi là “những tổ chức dân sự” trá hình để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Công tác nhận diện và xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên mạng xã hội còn hạn chế và gặp phải nhiều khó khăn.
Trước những thời cơ, thách thức mới, cũng theo đó hoạt động của văn học nghệ thuật theo đường lối của Đảng cũng cũng được đặt vào trong thời kỳ mới, bối cảnh hoạt động mới. Vấn đề đặt ra và yêu cầu đối với công tác văn học - nghệ thuật ngoài việc “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” còn là tích cực đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây tác hại đến văn hóa, lối sống, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”; vạch trần, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch lợi dụng vấn đề xã hội nhạy cảm chống Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn học nghệ thuật; chủ động đấu tranh với những biểu hiện sai trái, lệch lạc trong sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật nhằm bảo vệ giá trị đích thực của văn học, nghệ thuật.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói “Việt Nam là đất nước có hơn 4 nghìn năm lịch sử, trải qua không biết bao nhiêu sự biến đổi, thăng trầm do thiên nhiên và con người gây ra, đã tích lũy, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng của dân tộc, làm nên hồn cốt dân tộc”. Nói điều đó, để cho chúng ta thấy vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa nói chung và văn học - nghệ thuật nói riêng trong xây dựng văn hóa, phát triển con người.
Trong thời gian tới, để thực sự có những tác phẩm hay, mang đậm tính Chân - Thiện - Mỹ và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, Tạp chí Sông Thương cần thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về sứ mệnh, chức năng, vai trò của văn học, nghệ thuật, đó là: “Trực tiếp tham gia vào sự nghiệp đổi mới đất nước, miêu tả cho hay, cho chân thật, sinh động và có sức thuyết phục sự nảy sinh và phát triển cái mới, cái tốt đẹp, cao cả trong đời sống; dũng cảm, nghiêm khắc lên án, phê phán những cái xấu xa, thấp hèn, sự thoái hoá, biến chất, tham nhũng, thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, qua đó góp phần tích cực vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng con người, đổi mới và phát triển đất nước, đó chính là nhiệm vụ chủ yếu của văn học, nghệ thuật Việt Nam hôm nay và nhiều năm tới. Đó cũng chính là sức mạnh chiến đấu đặc biệt của văn học, nghệ thuật thời kỳ mới”. Theo đó, cũng cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp, cụ thể sau:
Một là, bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo, định hướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để Tạp chí Sông Thương tiếp tục đáp ứng yêu cầu phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới là yếu tố quan trọng, tiên quyết; đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng tác phẩm thuộc các chuyên ngành trên Tạp chí, tạo dấu ấn, bản sắc riêng về văn hóa, vùng đất, con người Bắc Giang. Chú trọng các bài viết về vùng đất, con người Bắc Giang xưa và nay, tạo bản sắc riêng, thu hút rộng rãi người đọc.
Hai là, tiếp tục nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục phù hợp với yêu cầu, đặc trưng của Tạp chí Sông Thương. Nâng cao chất lượng chuyên mục nghiên cứu - trao đổi, xem đây là đòn bẩy, thúc đẩy phong trào sáng tác văn học nghệ thuật của tỉnh. Phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc biểu dương, lan tỏa những hoạt động văn học, nghệ thuật có giá trị tích cực, có tính định hướng theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, đồng thời, lên tiếng phê phán những hoạt động văn học, nghệ thuật phản cảm, đi ngược lại quy định của Đảng, Nhà nước và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Ba là, bản thân những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cộng đồng và xã hội; chấp hành nghiêm chỉnh những quy tắc đạo đức nghề nghiệp và quy định về văn hóa ứng xử; nêu cao tinh thần dân tộc, ý thức bảo vệ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, biết tận dụng lợi thế, uy tín của người nổi tiếng để tuyên truyền, quảng bá những giá trị tích cực; lên án, bài xích những biểu hiện sai trái, lệch lạc.
Bốn là, không ai có thể phủ nhận vai trò to lớn của tạp chí Sông Thương trong xu thế phát triển chung của văn học nghệ thuật đương đại. Là nơi giữ gìn bản sắc văn hóa văn nghệ của từng địa phương và là nơi khơi nguồn những khuynh hướng sáng tạo mới. Tuy nhiên, trong dòng chảy của thời đại kỷ nguyên số, Tạp chí Sông Thương cũng cần phải tự đổi mới, nâng cao vị thế của mình, bắt kịp với xu thế phát triển. Trước xu thế truyền thông mới cần nghiên cứu phát triển thêm Tạp chí Sông Thương điện tử để cập nhật nhanh thông tin, bắt kịp xu thế phát triển cũng như theo kịp nhu cầu hưởng thụ, thị hiếu về văn hóa tinh thần của công chúng.