Bắc Giang: Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và Người làm báo văn hóa
Ngày đăng:28-10-2022
Việc triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” trong thời điểm hiện nay có thể nói là một cách thức nhằm “chấn chỉnh”, siết chặt kỷ cương và góp phần giúp mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong sứ mệnh của người cầm bút.
Quang cảnh hội thảo
Gần một thế kỷ qua, báo chí cách mạng do Chủ tịch Hồ chí Minh sáng lập và rèn luyện đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và đổi mới và phát triển đất nước. Lớp lớp các thế hệ nhà báo không ngại khó khăn gian khổ, thậm chí hy sinh cả máu xương, dấn thân với nghề đã làm sáng ngời danh hiệu “chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng”. Hiện nay chúng ta đang sống trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin, lực lượng báo chí cách mạng Việt Nam đông đảo hơn bao giờ hết, từng cơ quan báo chí đều phát triển đa dạng các loại hình báo chí với cách thức làm báo hiện đại…
Tuy nhiên, báo chí cách mạng Việt Nam cũng đang đối diện với những thách thức, hệ lụy, mặt trái của sự phát triển. Với sự xuất hiện của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới, thị phần của nhiều cơ quan báo chí suy giảm, một số tờ báo bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh, theo đuổi mọi cách để tìm kiếm nguồn thu, kể cả những cách thức làm suy giảm chức năng tư tưởng - văn hóa cốt lõi. Một bộ phận báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thờ ơ với nhóm công chúng đối tượng của mình, tìm đến những thị hiếu tầm thường, chọn lựa đề tài, sản xuất nội dung chủ yếu nhằm tăng số lượng truy cập, thỏa hiệp tính trung thực, khách quan để đạt được mục đích kinh tế. Bản sắc của tờ báo bị bỏ quên, yếu tố văn hóa, nhân văn trong tác phẩm báo chí không được coi trọng, hình ảnh của tờ báo mờ nhạt, có biểu hiện “lệch chuẩn” văn hóa. Một số nhà báo coi nhẹ lao động nghề nghiệp, bỏ qua nguyên tắc tác nghiệp cơ bản, thông tin thiếu khách quan, thiếu xác thực. Tình trạng nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, thậm chí doạ nạt, tống tiền, vi phạm pháp luật, có chiều hướng gia tăng…
Nhằm mục đích xây dựng nền Báo chí Cách mạng Việt Nam “Hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn”, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí” và ban hành tiêu chí cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá của người làm báo Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc; hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Để phong trào thi đua lan toả sâu rộng và đạt hiệu quả thiết thực, ngày 27/10/2022, Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo báo chí với chủ đề “Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và Người làm báo văn hóa”.
Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; các đồng chí đại diện cho Hội Nhà báo một số tỉnh khu vực phía bắc; đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đồng chí Nguyễn Văn Hạnh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại Hội thảo.
Thay mặt Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Hạnh dự và phát biểu chào mừng các đại biểu Trung ương và đại biểu khách mời của Hội Nhà báo một số tỉnh phía Bắc. Đồng chí khẳng định: “Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác báo chí, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm không ngừng phát triển báo chí cũng như xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí. Báo chí là một thành phần của văn hóa, đồng thời là một trong những phương tiện chủ lực phổ biến các loại hình văn hóa đến toàn xã hội. Mỗi cơ quan báo chí phải là một cơ quan văn hóa, mỗi người làm báo luôn có ý thức nâng cao văn hóa bản thân, đề cao thành tố văn hóa trong sáng tạo tác phẩm báo chí. Nhà báo là những chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa thì không chỉ có trách nhiệm tuyên truyền, lan tỏa những giá trị tốt đẹp mà tự thân phải phấn đấu là những người xây dựng và thực thi văn hóa. Đặc biệt, phong trào này là lấy văn hóa làm nền tảng, động lực thúc đẩy sự phát triển của cơ quan báo chí, góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đề nghị Hội Nhà báo tỉnh tiếp tục triển khai phong trào thi đua xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và Người làm báo văn hóa nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị của các tác phẩm báo chí, danh dự và uy tín của người làm báo. Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa. Đồng thời, lan tỏa sự hưởng ứng, tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên các cơ quan báo chí; tạo phong trào thi đua thiết thực, ý nghĩa để các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng”.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trịnh Văn Ánh, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Bắc giang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh nhấn mạnh: “việc triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” trong thời điểm hiện nay có thể nói là một cách thức nhằm “chấn chỉnh”, siết chặt kỷ cương và góp phần giúp mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong sứ mệnh của người cầm bút.
Để phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” đi vào chiều sâu, hiệu quả thực chất, các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo cần thiết thực hưởng ứng, thực hiện, chúng ta cùng nhau “thổi bùng” lên ngọn lửa thi đua này trước những đổi thay của thời cuộc và thách thức của nghề nghiệp trong thời đại số hóa…”
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo động viên, khích lệ kịp thời của các đồng chí lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, sự giúp đỡ, chia sẻ, phối hợp của các cơ quan báo chí, hội nhà báo các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, có nhiều bài tham luận tâm huyết phản ánh nhiều góc nhìn khác nhau về chủ đề Hội thảo.
Thông qua Hội thảo xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, phóng viên, hội viên các cơ quan báo chí thiết thực hưởng ứng, thực hiện, lan tỏa phong trào ra xã hội; duy trì thường xuyên, liên tục, tạo thành nền nếp, từ đó tạo nên nhiều những sản phẩm báo chí có chất lượng, giàu giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần khơi dậy, định hướng những dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống xã hội.