Chị Phạm Thị Thịnh sinh năm 1976, là hội viên phụ nữ Công giáo thôn Châu Sơn, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Gia đình chị luôn “Sống tốt đời đẹp đạo”, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Với tinh thần cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo, làm giầu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình.
Chị Phạm Thị Thịnh đang phơi mỳ
Cũng như bao người phụ nữ thôn quê khác, mới tròn 20 tuổi chị kết hôn với anh Nguyễn Văn Trình, sinh năm 1973, cũng là người Công giáo cùng thôn. Sau khi lập gia đình được 05 năm, vợ chồng chị chuyển ra ở riêng, do hoàn cảnh kinh tế gia đình chồng khó khăn, lại đông anh, chị em, nên vợ chồng chị phải ở trong căn nhà nhỏ làm bằng cay. Cuộc sống quanh năm trông chờ vào mấy sào ruộng, lại không có vốn để đầu tư sản xuất, cuộc sống đã nghèo, nay ở riêng còn nghèo hơn, thời gian đó gia đình chị nằm trong diện hộ nghèo của thôn. Trước sự đeo bám của cái đói, cái nghèo, chị đã trăn trở rất nhiều để làm sao vượt qua khó khăn, vươn lên làm giầu chính đáng, con cái sinh ra được chăm sóc một cách tốt nhất. Chính vì lẽ đó đã thôi thúc chị tìm hướng đi để ổn định cuộc sống, vươn lên làm giầu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Cuối năm 2000, gia đình chị được Hội Phụ nữ xã giúp vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang với số tiền 15 triệu đồng và 02 triệu đồng từ “Quỹ vì phụ nữ nghèo” của Chi hội phụ nữ thôn Châu Sơn. Với số vốn ban đầu đó, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư vào phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, bên cạnh đó, gia đình chị chuyển đổi đất canh tác, chuyển 2 sào đất cấy lúa hiệu quả kinh tế thấp sang đào ao nuôi trồng thủy sản.
Ban đầu, khi mới bắt tay vào phát triển sản xuất kinh tế, do không có kiến thức kỹ thuật, cũng như kinh nghiệm về chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn. Song với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, anh chị đã tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản do Hội Phụ nữ xã phối hợp tổ chức. Bên cạnh đó, vợ chồng chị còn đi học tập kinh nghiệm từ các hộ gia đình có mô hình chăn nuôi giỏi trên địa bàn tỉnh để áp dụng vào thực tế gia đình mình. Sau 02 năm triển khai mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, gia đình chị cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm. Với mức thu nhập đó, năm 2005 gia đình chị đã thoát nghèo.
Không dừng lại ở việc thoát nghèo, với mong muốn vươn lên làm giầu, năm 2010 sau khi tham gia lớp tập huấn về mô hình làm mỳ gạo do Hội Phụ nữ xã tổ chức, chị đã mạnh dạn bàn với chồng thế chấp Ngân hàng vay vốn 50 triệu đồng để đầu tư mua máy làm mỳ gạo. Với những kiến thức đã học, cùng với nỗ lực của bản thân, vợ chồng chị đã thành công trong việc phát triển kinh tế bằng nghề làm mỳ gạo. Đến nay, mỗi ngày anh chị làm 2-3 tạ gạo, ra khoảng 160 kg-180kg mỳ/ngày, lợi nhuận trung bình khoảng hơn 01 triệu đồng/ ngày. Cùng với chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản và phát triển nghề làm mỳ gạo, bình quân mỗi năm trừ chi phí gia đình chị thu nhập gần 500 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập như vậy, gia đình chị đã xây dựng được căn nhà hai tầng kiên cố, khang trang, mua sắm được nhiều vật dụng và tiện nghi phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, anh chị không quên chăm lo nuôi dạy con cái và thực hiện tốt trách nhiệm của một tín đồ với Thiên Chúa, cũng như một công dân với quê hương, đất nước. Hai con của anh chị đều ngoan, học giỏi, thành đạt. Cháu thứ nhất sinh năm 1996, đã tốt nghiệp Đại học và có việc làm ổn định, cháu thứ hai sinh năm 2002, hiện đang học Đại học.
Không những giỏi làm kinh tế, nuôi con ngoan, chị Thịnh còn tích cực tham gia các phong trào hoạt động của Hội phụ nữ. Bản thân và gia đình chị luôn chấp hành tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, tích cực ủng hộ các phong trào quyên góp ở địa phương. Chị luôn sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm phát triển kinh tế và hỗ trợ vốn cho một số chị em trong chi hội phụ nữ để phát triển kinh tế, thoát nghèo, cùng nhau phát triển thương hiệu “Làng mỳ Châu Sơn”, cải thiện đời sống gia đình góp phần phát triển quê hương. Nhiều năm liền gia đình chị đạt gia đình văn hóa, bản thân chị liên tục đạt 3 tiêu chuẩn của phong trào thi đua, danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu”, đặc biệt năm 2014, gia đình chị là một trong hai gia đình Công giáo tiêu biểu được Ủy ban Mặt trân Tổ quốc tỉnh tôn vinh tại hội nghị tôn vinh hộ gia đình thoát nghèo, làm kinh tế giỏi.
Có thể nói, chị Phạm Thị Thịnh là tấm gương về sự cần cù, sáng tạo trong làm kinh tế, biết vươn lên thoát nghèo, làm giầu chính đáng. Chị đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ Công giáo nông thôn, sống tốt đời đẹp đạo, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo.