Cựu chiến binh Cao Việt Đức - Hơn 20 năm kiếm tìm hài cốt đồng đội
Ngày đăng:13-05-2022
Tôi biết ông vài năm trở lại đây từ sự giới thiệu của cán bộ phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Thế. Gặp ông Cao Việt Đức, thôn Trại Đảng, xã Đồng Kỳ, tôi ấn tượng ngay bởi ánh mắt tinh anh, giọng nói ấm áp. Những cử chỉ, hành động của ông đều toát lên sự thân tình, tin tưởng. Vóc người nhỏ thó, nhưng kết quả công việc thì đồ sộ, lớn lao. Hơn 20 năm, bằng phương pháp giải mã anh đã tìm được 1646 mộ liệt sỹ.
Triệu bước chân không nghỉ
Khi được sống trong hoà bình, no ấm, thì mỗi gia đình đều mong ước sự đoàn tụ của các thành viên. Với người còn sống thì dễ, nhưng với những liệt sĩ chưa có mộ phần thì thật gian nan. Làm sao tìm được phần mộ, tìm được hài cốt của liệt sỹ là điều mà không phải cứ muốn là được. Là người lính một thời đã sinh tử ở trận mạc, nên cựu chiến binh Cao Việt Đức hiểu thấu được nỗi khát khao, mong đợi của gia đình, người thân với các liệt sĩ. Ông thấy mình phải có trách nhiệm với đồng đội, với gia đình họ và với cấp uỷ, chính quyền các địa phương.
Thời kỳ trong quân ngũ, ông được huấn luyện, đào tạo kiến thức của lính trinh sát, đặc công, tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Nam và nước bạn Cam- Pu- Chia. Ông thấu hiểu các ký tự, sơ đồ đã được mã hoá của các lực lượng vụ trang trong các chiến dịch, trận đánh. Điều này giúp ông rất nhiều khi giải mã thông tin để tìm chính xác nơi chôn cất đồng đội. Ông nhớ nhất chuyến khởi đầu cũng là động lực để sau này ông theo được cả một chặng đường dài đến tận hôm nay. Đó là vào năm 2000, vào địa bàn Xa Mát (Tây Ninh) thăm chiến trường xưa cũng là thắp nén hương cho 17 người đồng chí đã từng vào sinh ra tử với ông đang nằm lại nơi này. Đến nơi, ông biết được các đồng chí đã được quy tập về nghĩa trang Châu Thành (cùng tỉnh Tây Ninh). Tìm mãi cũng chỉ thấy 12 cái tên trên 12 ngôi mộ. Còn ngôi mộ chung chưa xác định danh tính từng người. Trong ông một cảm giác day dứt không nguôi và chính điều đó đã thôi thúc ông thực hiện sứ mệnh giải mã tìm cho được các đồng đội đang còn nằm rải rác ở các chiến trường. Ông ở lại Châu Thành hơn chục ngày lần lượt ghi tên, địa chỉ và những thông tin của hàng nghìn mộ tại đây rồi liên lạc với thân nhân của các liệt sĩ.
Các chuyến đi tiếp nối nhau, bàn chân của ông theo đó trải dài, rộng mãi tới các địa bàn. Khi ở Thừa Thiên Huế, lúc lại Tây Ninh rồi Kon Tum, Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Nhiều thời điểm còn mem dọc trục biên giới giữa nước ta và các nước láng giềng Lào, Cam- Pu- Chia. Do công việc tìm kiếm hài cốt rất đặc thù nên đa phần là đi bộ. Đôi chân ông dẻo dai, bền bỉ qua từng chặng đường. Khi trèo đèo, lúc lội suối. Mệt thì nghỉ, khoẻ lại tiếp tục đi, cứ thế miệt mài như người lính hành quân ra trận. Có người nhẩm tính với thời gian, địa bàn ông đã đi thì đến thời điểm này phải tới vài triệu bước chân kiếm tìm đồng đội. “Mỗi lần tìm được một ngôi mộ liệt sĩ trả lại đúng danh tính cho họ, tôi thấy lòng mình thật thanh thản, bồi hồi và xúc động”- ông Đức bày tỏ. Tôi cảm nhận được điều này từ ông. Bản thân tôi cũng từng đón bác trai là liệt sĩ Ngô Văn Phi từ nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị) về nghĩa trang quê nhà, thật cảm động, vinh dự và tự hào.
Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm không thể nào quên với ông. Điển hình như trường hợp liệt sĩ Dương Xuân Hỷ quê ở Thiệu Dương, Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Gia đình đến nhờ ông trong sự tuyệt vọng vì cũng đã bỏ công sức tìm kiếm nhiều năm mà không thấy. Họ cũng đã đi tìm bằng con đường tâm linh, nhưng kết quả cũng không chính xác nên rất hoang mang. Kiểm tra, ông thấy giấy báo tử ghi liệt sĩ hy sinh tại bến sông Lò So - Sơn Lập - Sơn Tây - Quảng Ngãi. Căn cứ vào thông tin này, ông đã cùng gia đình trở lại chiến trường nơi liệt sĩ từng chiến đấu. Tìm gặp được những người đã chôn cất liệt sĩ từ năm 1973 và biết thêm thông tin, liệt sĩ được gói trong manh áo mưa chôn dưới một gốc cây to, đầu mộ có đặt một hòn đá lớn. Theo chỉ dẫn đó, ông và gia đình cùng đội quy tập đã tìm ra mộ liệt sĩ Dương Xuân Hỷ. Xét nghiệm AND cho kết quả chính xác. Gia đình liệt sĩ mừng vui khôn tả và coi ông như người thân trong nhà.
Gần đây nhất, thông qua giải mã, ông đã tìm ra hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Mạnh Luân (SN 1946), quê ở xã Đông Sơn (Yên Thế), hy sinh tháng 5-1969, đang nằm ở nghĩa trang xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện thân nhân của liệt sĩ đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ để đón liệt sĩ đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà.
Giữ vững truyền thống bộ đội cụ Hồ
Tôi đã dành nhiều thời gian nghe ông kể về việc giải mã các thông tin thì thấy thật không đơn giản chút nào mà đó là sự xâu chuỗi của tổng thể các thông tin có được của liệt sĩ. Bắt đầu từ phiên hiệu, mã hiệu ghi ở giấy báo tử đến thông tin từ hồ sơ của các đơn vị chức năng từ Bộ chỉ huy quân sự; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Quốc phòng; thông tin từ đơn vị mà liệt sĩ đóng quân; từ đơn vị quy tập liệt sĩ; chiến trường đơn vị liệt sĩ tham gia bảo vệ, chiến đấu; thời gian hy sinh; thông tin từ những đồng đội còn sống. Đặc biệt, là việc quy tập hay thay đổi về địa hình, địa vật của địa bàn mà liệt sĩ được chôn cất… Tất cả đều phải làm một cách cặn kẽ, chi tiết và khoa học. Chính điều đó khâu “giải mã” mất rất nhiều thời gian, công sức. Nhiều trường hợp, ông nhận được thông tin của thân nhân liệt sĩ, tìm hiểu rồi lập hồ sơ gửi vào các quân khu, quân đoàn, sư đoàn các bộ tư lệnh, quân binh chủng... để họ cung cấp thêm thông tin. Khi giả mã xong rồi, ông phối hợp cùng thân nhân các liệt sĩ tổ chức tìm kiếm. Với những liệt sĩ có các thông tin được ghi chính xác và địa bàn còn nguyên trạng thì việc tìm kiếm khá thuận lợi, dễ thấy. Nhưng có những liệt sỹ thông tin bị nhầm lẫn hay địa bàn đã thay đổi… thì việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn, không ít trường hợp phải bỏ cuộc. “Mỗi lần không tìm thấy do nhiều nguyên nhân thì trong ông cùng đều chung nỗi buồn và như thấy có lỗi với liệt sĩ”- vợ ông, bà Nguyễn Thị Lan thổ lộ. Những lúc đó những người thân trong gia đình lại phải xúm vào động viên để ông nguôi ngoai.
Ngoài những thông tin có được của thân nhân các liệt sĩ, ông còn phối hợp với Cục Người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) để giải mã thông tin về hài cốt liệt sĩ đã quy tập vào các nghĩa trang. Khi có đủ căn cứ hồ sơ ông trình lại Cục Người có công để tiến hành lấy mẫu ADN tổng thể ở nghĩa trang đó, xác định danh tính, tìm lại tên tuổi, quê quán các liệt sĩ diện vô danh. Sáng kiến này của ông đã góp phần giúp nhiều gia đình tìm được hài cốt liệt sĩ. Hơn 20 năm qua ông đã phối hợp tổ chức xét nghiệm tổng thể ở 5 nghĩa trang lớn đó là: Việt - Lào, A Lưới, Phong Điền, Hương Thủy, Lộc Hà (cùng tỉnh Thừa Thiên Huế). Sau khi có thông tin chính xác, ông báo cho thân nhân liệt sĩ biết, thoả nỗi khát khao của gia đình họ.
Gặp, trò chuyện với ông lần nào tôi cũng thấy có nhiều cuộc điện thoại gọi đến hỏi thăm, chia sẻ thông tin về phần mộ liệt sĩ. Ông lại thông báo tường tận và chỉ dẫn từng bước nhiệt tình. Với ông đợt dịch Covid vừa qua đã làm cho tiến độ triển khai công việc của ông chậm lại nên chỉ mong dịch sớm qua để tiếp tục hành quân với những chuyến đi mới- những chuyến đi nhiều người vẫn quen gọi là “Vẹn nghĩa nước non, thắm tình đồng đội”.
Đánh giá về ông, Chủ tịch Hội CCB huyện Yên Thế Nguyễn Đức Quyền khẳng định, ông Đức là người sống tình cảm, nghĩa tình và trách nhiệm. Ông luôn phát huy và giữ vững truyền thống bộ đội cụ Hồ. Bản thân tôi và Hội Cựu chiến binh huyện đánh giá rất cao tinh thần vì cộng đồng của hội viên này.
Thành tích của ông đã được các cấp ghi nhận, gần đây nhất ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng Khen. Ngày nhận Bằng khen từ tay Thủ tướng, ông thầm hứa với bản thân sẽ luôn nỗ lực phấn đấu để làm được nhiều việc hơn nữa; tìm kiếm thêm nhiều đồng đội hơn nữa. Còn tôi, chỉ mong ông có thêm nhiều sức khoẻ để tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ góp cho cuộc đời này thêm nhiều niềm vui và hạnh phúc./.