Phát huy vai trò tích cực của công tác tuyên giáo đối với phát triển du lịch của tỉnh và mỗi địa phương
Ngày đăng:22-11-2021
Tỉnh Bắc Giang thuộc khu vực Trung du miền núi phía Bắc, giầu truyền thống văn hiến, có nhiều di tích lịch sử-văn hóa, lễ hội; đa dạng văn hóa dân tộc, lưu giữ được nhiều nét đặc sắc văn hóa cộng đồng, như: Hát Quan họ, Lễ cấp sắc của người Dao, Hội hát Then Tày-Nùng, hát Sloong-hao ở khu vực miền núi Sơn Động, Lục Ngạn; là tỉnh có vùng cây ăn quả lớn nhất cả nước (huyện Lục Ngạn); có nhiều hồ nước rộng, sông, suối đẹp, hùng vĩ, thơ mộng (sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam, hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, Khe Rỗ, suối Mỡ...); khí hậu đặc trưng chia làm 4 mùa rõ rệt; có vị trí tiếp giáp với các không gian du lịch thuận lợi như: Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Bắc Ninh, Lạng Sơn. Con người Bắc Giang có truyền thống đoàn kết, nhân ái, thân thiện, mến khách.
Đặc biệt, những năm qua, kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, năng động, khá toàn diện, tạo điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các dịch vụ công nghiệp văn hóa, dịch vụ, một số môn thể thao gắn với du lịch (Golf, leo núi), tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao lớn, ứng dụng công nghệ vào quảng bá, xúc tiến du lịch... Đó là những điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển đa dạng du lịch (du lịch tâm linh, sinh thái, cộng đồng, nghỉ dưỡng, văn hóa-lịch sử, tham quan, khám phá, thể thao...), thúc đẩy tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế-xã hội bền vững, hài hòa.
Ảnh minh họa
Có thể khẳng định, những năm qua, phát triển du lịch được cấp ủy, chính quyền quan tâm, đạt nhiều kết quả, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đều xác định rõ, đưa du lịch thành chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVIII đã ban hành Nghị quyết số 44-NQ/TU về “Phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020”; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX ban hành Nghị quyết số 112-NQ/TU về “Phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030”. Nhiều huyện ủy, thành ủy đã ban hành nghị quyết phát triển du lịch trên địa bàn (thành phố Bắc Giang, Yên Dũng, Sơn Động, Việt Yên, Yên Thế, Lục Ngạn...). Trên cơ sở đó, UBND tỉnh, UBND cấp huyện xây dựng đề án, kế hoạch, chương trình mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh và địa phương; cơ bản hoàn thành quy hoạch, “bản đồ du lịch” của tỉnh đảm bảo thống nhất, tính liên kết cao. Qua đó, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân về tầm quan trọng của du lịch đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của địa phương; hạ tầng kinh tế-xã hội phục vụ phát triển du lịch được quan tâm đầu tư; một số khu, điểm du lịch đã được hình thành và có bước phát triển (du lịch tâm linh Tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, khu di tích thắng cảnh Suối Mỡ, hệ thống di tích lịch sử Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế,di tích lịch sử ATK II Hiệp Hòa, du lịch sinh thái tâm linh ở Sơn Động, Yên Thế, Lục Ngạn...); nhiều dịch vụ, sản phẩm truyền thống đặc sắc ở các địa phương được quan tâm khôi phục (mì Chũ, rượu nếp cái hoa vàng làng Vân, bánh đa Kế, mây tre đan Tăng Tiến, bún Đa Mai...); đồng thời, xây dựng, phát triển nhiều sản phẩm OCOP gắn với du lịch (đến nay, toàn tỉnh có trên 100 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên). Du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh đạt trên 6 triệu lượt khách, tăng 33%/năm; doanh thu đạt gần 2.100 tỷ đồng, tăng 11%/năm.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, so với tiềm năng thì phát triển du lịch của tỉnh vẫn còn chậm, chưa đồng bộ, quy mô còn nhỏ lẻ, chưa trở thành trung tâm để thu hút, thúc đẩy phát triển một số ngành dịch vụ chủ yếu. Công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng, cơ chế kết nối du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa có các khu, điểm du lịch trọng điểm thực sự hấp dẫn để lưu trú du khách; còn ít những sản phẩm du lịch đặc trưng; hệ thống dịch vụ phục vụ du lịch còn nghèo nàn; đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên du lịch cơ bản thiếu, không chuyên nghiệp; công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch chưa phong phú, đa dạng cả về quy mô, nội dung, hình thức để lan tỏa sâu rộng tới du khách trong nước và quốc tế.
Để phát triển du lịch bền vững, tương xứng với tiềm năng to lớn, gắn với bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên; đóng góp mạnh mẽ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, thiết nghĩ ban tuyên giáo các cấp cần tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương quan tâm giải quyết tốt một số nội dung sau đây:
1. Tích cực tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển du lịch của tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết số 112-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030”, nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và toàn dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển du lịch. Từ đó, đổi mới tư duy, hành động, tích cực tham gia vào phát triển du lịch, đem lại hiệu quả về kinh tế, văn hóa, xã hội, đối nội, đối ngoại; bảo vệ, nâng cao hình ảnh, uy tín, thương hiệu của du lịch Bắc Giang. Chú trọng xây dựng văn hóa, chuẩn mực con người Bắc Giang trong thời kỳ mới, nhất là người dân vùng trọng điểm du lịch hiểu biết, cởi mở, thân thiện, có phông văn hóa, giao tiếp phong phú.
Ảnh minh họa
2. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo, đài, truyền thông, thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của các ngành, địa phương; đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác văn học, nghệ thuật để tuyên truyền, quảng bá về vùng đất, con người, văn hóa, tiềm năng du lịch của tỉnh bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, thường xuyên, liên tục đến nhân dân trong nước và quốc tế. Đặc biệt, lan tỏa những giá trị văn hiến, truyền thống lịch sử, đặc trưng văn hóa phong phú, tốt đẹp, giá trị nhân văn của vùng đất, con người và môi trường chính trị ổn định, phát triển kinh tế năng động, cùng khát vọng của con người Bắc Giang xây dựng quê hương giầu đẹp, văn minh.
3. Tăng cường phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền công tác bảo tồn, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên không gian du lịch; mô hình phát triển kinh tế, gắn với phát triển các loại hình du lịch mà tỉnh có thế mạnh và giầu tiềm năng; tuyên truyền sản phẩm du lịch truyền thống đặc trưng, đậm đà bản sắc dân tộc của vùng miền cũng như các sản phẩm OCOP độc đáo của tỉnh. Quan tâm bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp không những giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà còn hiểu biết và trực tiếp tham gia thúc đẩy phát triển du lịch, nhất là biên tập, phát hành sách, báo, tạp chí, tài liệu, ấn phẩm để tuyên truyền, quảng bá môi trường, tiềm năng, kết quả phát triển du lịch của tỉnh và mỗi địa phương./.