Khai thác, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, lễ hội góp phần phát triển kinh tế- xã hội, giáo dục truyền thống và nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân
Ngày đăng:31-08-2021
Tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 2.230 di tích các loại, nằm ở tất cả các huyện, thành phố; trong đó có 461 di tích lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh (109 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 352 di tích được xếp hạng cấp tỉnh). Mỗi di tích lịch sử-văn hoá mang nét độc đáo, đặc trưng, sắc thái riêng. Đây là không gian diễn ra các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của Nhân dân địa phương; đồng thời, cũng là nơi tổ chức các hoạt động lễ hội để trao truyền những giá trị lịch sử-văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ảnh minh họa
Một số di tích tiêu biểu, như: Chùa Vĩnh Nghiêm(có tên gọi khác là chùa Chúc Thánh, chùa Đức La) nằm trên địa bàn xã Trí Yên, huyện Yên Dũng; năm 2012, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm vinh dự được công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đền Nguyệt Hồ, thuộc xã Hương Vĩ, huyện Yên Thế là một trong những di tích cổ gắn liền với hàng ngàn năm lịch sử và văn hiến của quê hương Bắc Giang. Khu di tích thắng cảnh Suối Mỡthuộc địa phận xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam. Hệ thống Di tích lịch sử Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thếdo Hoàng Hoa Thám lãnh đạo có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử cận đại Việt Nam; đó là những công trình kiến trúc cổ (đình, chùa, đền, miếu có niên đại khởi dựng vào thời Lê thế kỷ XVII-XVIII và thời Nguyễn thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX), cùng các địa điểm, đồn lũy tạo thành một hệ thống di tích liên hoàn của vùng quê có lịch sử lâu đời và truyền thống thượng võ; hệ thống di tích này gồm: 09 ngôi đình (đình Đông, đình Cao Thượng, đình Dĩnh Thép, đình làng Chuông, đình Nội, đình Hả, đình Vồng, đình Dương Lâm, đình Trũng), 07 chùa (chùa Phố, chùa Kem, chùa Lèo, chùa Thông, chùa Vồng, chùa Hả, chùa Trũng), 05 đền (đền Gốc Dẻ, đền Gốc Khế, đền Trũng, đền Thề, đền Cầu Khoai), 03 đồn (đồn Phồn Xương, đồn Hom, đồn Hố Chuối), 01 điếm (điếm Trũng), 01 động (động Thiên Thai) và 05 địa điểm (Ao Chấn Ký, nơi ở của Hoàng Hoa Thám thời niên thiếu, khu mộ thân tộc Hoàng Hoa Thám, nghĩa địa Pháp, đồi Phủ). Khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử, huyện Sơn Động là vùng đất địa linh, nằm về phía Tây của núi Yên Tử, là con đường Hoằng dương Phật pháp của vua Trần Nhân Tông, người có công tạo dựng nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dòng Thiền mang bản sắc dân tộc Việt; Tây Yên Tử là nơi tổng hòa các yếu tố tâm linh lịch sử, thiên nhiên sinh thái, đang phát triển thành khu du lịch tâm linh và khu vực phát triển văn hóa-du lịch trọng tâm của tỉnh Bắc Giang. Di tích lịch sử ATK II Hiệp Hòa, thuộc huyện Hiệp Hòa gồm 8 điểm di tích: Đình Chợ Vân, đình Vân Xuyên, đình Xuân Biều, đền Soi, chùa Ia, gia đình cụ Nguyễn Văn Chế, gia đình cụ Ngô Văn Đông, gia đình cụ Ngô Văn Thấu (xã Hoàng Vân)...
Cùng với hệ thống di tích lich sử-văn hóa phong phú, đáng tự hào, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có gần 800 lễ hội, chủ yếu là lễ hội truyền thống, trong đó, có 10 lễ hội cấp huyện, còn lại là lễ hội cấp xã, cấp làng, bản. Nhiều lễ hội được tổ chức có quy mô lớn, thu hút đông đảo du khách trong tỉnh, trong nước, quốc tế tham dự và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa quan tâm như: Lễ hội Xương Giang (thành phố Bắc Giang), Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng), Lễ hội Tây Yên Tử (huyện Sơn Động), Lễ hội Đình Vồng (huyện Tân Yên), Lễ hội Đền Suối Mỡ (huyện Lục Nam), Lễ hội Thổ Hà, Lễ hội chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên), Lễ hội Yên Thế (huyện Yên Thế), Lễ hội Y Sơn (huyện Hiệp Hòa), Lễ hội Tiên Lục (huyện Lạng Giang)…
Cùng với sự phát triển của tỉnh, đặc biệt là từ những năm đổi mới, các di tích lịch sử-văn hóa và lễ hội đã, đang đóng góp tích cực, ngày càng quan trọng vào phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh và mỗi địa phương. Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, giai đoạn 2016-2020 đánh giá dịch vụ chiếm 24,7% cơ cấu kinh tế; tốc độ tăng trưởng GRDP lĩnh vực dịch vụ đạt 6,6%/năm. Đồng thời,tiếp tục xác định “Du lịch từng bước phát triển, lượng khách du lịch đến tỉnh tăng mạnh; tổng số lượng khách du lịch giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 6,2 triệu lượt khách, doanh thu đạt khoảng gần 2.100 tỷ đồng”.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, việc bảo tồn, khai thác giá trị di tích lịch sử-văn hóa và lễ hội vào phát triển kinh tế-xã hội nhìn chung còn có những bất cập. Nhận thức, sự quan tâm của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu ở một số địa phương chưa thực sự đầy đủ. Công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu lan tỏa giá trị di tích, ý nghĩa lễ hội còn hạn chế; thậm chí, chính người dân, thế hệ trẻ ở địa phương có di tích và lễ hội chưa rõ, chưa biết, chưa hiểu sâu về lịch sử di tích và lễ hội của địa phương mình, do đó mà trách nhiệm với di tích và lễ hội còn rất hạn chế, dẫn tới tình trạng buông lỏng quản lý, sử dụng và để di tích xuống cấp. Nhiều lễ hội tổ chức thiếu chuyên nghiệp, chủ yếu tổ chức, khai thác theo mùa vụ, thời điểm, chưa tạo liên kết chuỗi di tích-lễ hội để phát huy hiệu quả; các dịch vụ phục vụ du lịch, gắn với di tích và lễ hội chưa phát triển; lực lượng cán bộ chuyên trách, hướng dẫn viên cơ bản chưa có... Do đó, chưa khai thác hết tiềm năng to lớn của hệ thống di tích lịch sử-văn hóa và lễ hội vào phát triển kinh tế-xã hội và giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ.
Để phát huy tốt giá trị to lớn của hệ thống di tích lịch sử-văn hóa và lễ hội vào phát triển kinh tế-xã hội, giáo dục truyền thống và nâng cao đời sống tinh thần của người dân, theo tác giả thì trong thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương cần quan tâm một số nội dung sau đây:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền đối với hệ thống di tích và công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về văn hóa, lễ hội; đồng thời, ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích, lễ hội trong phát triển kinh tế-xã hội, lưu giữ, trao truyền những giá trị lịch sử-văn hóa tốt đẹp giữa các thế hệ; giới thiệu, quảng bá hình ảnh tươi đẹp của vùng đất, con người địa phương đến với cả nước và quốc tế.
Hai là, phải đặt giá trị to lớn của di tích và lễ hội nằm ở vị trí quan trọng trong bức tranh phát triển kinh tế-xã hội của địa phương để tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành du lịch, dịch vụ, như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định “đến 2025 dịch vụ chiếm 20,6% cơ cấu kinh tế; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP lĩnh vực dịch vụ đạt 6,8%/năm”. Việc phát triển du lịch, dịch vụ gắn với di tích và lễ hội phải phù hợp với không gian phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương để vừa đảm bảo thu hút khách du lịch vừa đảm bảo môi trường, không để các lĩnh vực kinh tế khác xâm lấn di tích; bảo vệ tốt hành lang di tích và những vùng lân cận đáp ứng các tiêu chí về cảnh quan, môi trường, môi sinh cùng các dịch vụ kèm theo.
Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giáo dục truyền thống bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế để người dân và du khách biết, hiểu thêm về những giá trị hiện có của địa phương; khai thác hiệu quả tính độc đáo, bản sắc riêng của mỗi di tích, lễ hội; đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết các di tích, lễ hội giữa các vùng, khu vực để đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả trong không gian quần thể di tích rộng lớn của cả tỉnh và của vùng; trong đó có các trọng điểm trong “bản đồ du lịch” của tỉnh và mỗi địa phương. Khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề lịch sử-văn hóa, lễ hội để tuyên truyền, quảng bá, giáo dục thế hệ trẻ.
Bốn là, tăng cường đầu tư có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm cho di tích và lễ hội, bảo đảm không phá vỡ quy mô, giá trị lịch sử văn hóa của mỗi di tích, lễ hội; hết sức chú trọng bảo tồn, phát huy nét độc đáo, đặc trưng, sắc thái riêng có của mỗi di tích, lễ hội. Thường xuyên quan tâm công tác đào tạo lực lượng hướng dẫn viên chuyên nghiệp; đồng thời, biên tập tài liệu ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, dễ thuộc để giới thiệu, quảng bá về di tích, lễ hội và để tuyên truyền, truyền tụng trong Nhân dân, sao cho mỗi người dân, nhất là thanh thiếu nhi trở thành “sứ giả” về di tích, lễ hội của địa phương./.