Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, sự ra đời của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần có ý nghĩa rất lớn. Phật giáo Trúc Lâm tự có nét độc lập, tính nhập thế, tinh thần không phụ thuộc thân ngoại, đã khoác lên dân tộc chiếc áo tôn giáo thuần chất Việt. Nếu Đông Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập, thì Tây Yên Tử (Bắc Giang) là con đường hoằng dương Phật pháp của Ngài. Sau khi Trần Nhân Tông nhập niết bàn, Pháp Loa và tổ đệ tam Huyền Quang cũng theo con đường phía Tây này thực hiện nhiệm vụ Phật sự của Trúc Lâm, cho mở mang, xây dựng chùa tháp, phát triển đạo Phật rộng khắp ở Bắc Giang.
Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động, Bắc Giang)
Phật giáo Trúc lâm Tây Yên Tử tỉnh Bắc Giang
Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử ra đời từ thời Trần, được phân bố trên một địa bàn rộng lớn, nhưng tập trung nhất là ở 03 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Trên địa bàn Quảng Ninh, đó là hệ thống di tích thuộc khu vực Yên Tử, với hàng chục điểm di tích lớn, nhỏ; các di tích ở khu vực Đông Triều, trong đó có di tích chùa Quỳnh Lâm, Am Ngọa Vân. Ở Hải Dương, đó là khu di tích chùa Thanh Mai, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, cùng hơn 20 điểm di tích khác, có liên quan tới Phật giáo Trúc Lâm. Ở Bắc Giang, bên sườn Tây Yên Tử nằm trên địa phận huyện Sơn Động, huyện Lục Ngạn, huyện Lục Nam, huyện Yên Dũng địa bàn gắn liền với sự hình thành và phát triển của Phật giáo Trúc Lâm. Đó là chùa Vĩnh Nghiêm - điểm nhấn đặc biệt quan trọng, một trung tâm Phật giáo nổi tiếng dưới thời Trần, cùng hệ thống Phật giáo Trúc Lâm phân bố suốt dọc triền phía Tây dãy núi Yên Tử. Tính từ Vĩnh Nghiêm ngược lên là: chùa Mã Yên, chùa Hòn Tháp, chùa Cao, chùa Khám Lạng, chùa Bình Long, đền Suối Mỡ, đền Trần, chùa Hòn Trứng, chùa Hồ Bấc (ở huyện Lục Nam), chùa Am Vãi, chùa Đồng Vành, (ở huyện Lục Ngạn) và Khu bảo tồn Tây Yên Tử, với chùa Đèo Bụt, chùa Cầu, chùa Kim Quy (ở huyện Sơn Động).
Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, chùa Vĩnh Nghiêm là một trung tâm, quan trọng trong hệ thống Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Chùa được xây dựng từ khá sớm thời Lý. Đến thời Trần được xây dựng thành trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm. Sau khi từ bỏ ngai vàng đi tu, Trần Nhân Tông: “… đã biến ngôi chùa Vĩnh Nghiêm (còn gọi là chùa Đức La, hiện nay ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) thành trụ sở Trung ương của Giáo hội Trúc Lâm, chứa đủ hồ sơ của tăng, ni cả nước. Ông đã tổ chức nhiều lần độ tăng ni, mỗi lần không dưới một nghìn người”[1Cả ba vị Tổ Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đều lấy chùa Vĩnh Nghiêm làm Trung tâm truyền bá Phật pháp của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Từ trung tâm phật giáo Vĩnh Nghiêm nhiều ngôi chùa bên sườn Tây Yên Tử thuộc cánh cung Đông Triều cũng được trùng tu và xây dựng mới. Ngôi chùa được xây mới là chùa Hồ Bấc, chùa Ngọ ở Lục Nam, Bắc Giang. Các ngôi chùa khác: chùa Am Vãi, chùa Bình Long, chùa Cao, chùa Hòn Tháp, Chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng từ thời nhà Lý, đến thời kỳ này đều được trùng tu mở rộng, mang đậm dấu ấn của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Mỗi ngôi chùa dù được xây mới hay trùng tu đều có một vị trí đặc biệt là được đặt trên những ngọn núi nối tiếp nhau nằm dọc cánh cung Đông Triều.
Địa phận Tây Yên Tử khởi đầu từ huyện Sơn Động, từ Sơn Động xuống đến Lục Ngạn, có chùa Am Vãi thuộc xã Nam Dương. Chùa nằm trên núi Am Ni. Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: “Núi Am Ni ở xã Nam Điện, phía Nam huyện Lục Ngạn. Mạch núi từ Phật Sơn và Thù Sơn kéo đến, phía tả có giếng nước trong không bao giờ cạn. Cạnh núi có hai cái bồn bằng đá, trên núi có nền chùa cũ”[2]. Truyền thuyết kể lại: “Chùa Am Vãi sơ khai chỉ là một am nhỏ, có một vị sư trụ trì. Ở đây có một hang tiền và một hang gạo do mái đá núi tạo thành. Mỗi ngày cả hai hang chỉ đủ cung cấp cho vị sư này đủ dùng trong một ngày mà không bao giờ chảy hơn. Đến một ngày có một vị huynh đệ từ xa đến thăm quan cảnh chùa và ở lại dùng bữa cùng. Trụ trì chùa Am Vãi phải ra khơi cho hang tiền, gạo chảy ra đủ dùng cho hai người. Từ đó trở đi, hang tiền và hang gạo không bao giờ chảy ra nữa. Nhà sư không có tiền gạo để tu hành nên đã bỏ đi, từ đấy chùa trở nên vắng sư – thành hoang phế”[3].
Tiếp xuống Lục Nam có núi Phật Sơn, trên núi có chùa Ngọ hay còn gọi là chùa Đồng Vành. “Núi Phật Sơn là dải núi có hình đức Phật ngọa thiền nhập niết bàn đầu quay về phía Tây hướng về phía sông Lục Nam, chốn tổ Vĩnh Nghiêm”[4]. Trên núi Phật Sơn có chùa Hồ Thiên, am Ngọa Vân, Chùa Ngọ (Đồng Vành) và một số di tích khác do Pháp Loa xây dựng. Trong số các di tích đó thì chùa Đồng Vành là ngôi chùa cổ nằm ở phía Tây Yên Tử thuộc Bắc Giang còn lại đều nằm ở phía Đông thuộc tỉnh Quảng Ninh. Chùa Ngọ nay thuộc xã Lục Sơn, huyện Lục Nam tỉnh Bắc Giang.
Như vậy, đến giữa thế kỷ XIV thì mối quan hệ giữa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử với cả nước phát triển tới đỉnh cao. Hệ thống Phật giáo Trúc Lâm với bốn trung tâm là Vĩnh Nghiêm, Thanh Mai, Yên Tử và Quỳnh Lâm đã hoàn thiện. Ở Bắc Giang trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm đã có mối liên hệ với các chùa trực tiếp như: Chùa Am Vãi, Yên Mã, Bình Long, Hòn Tháp, Hồ Bấc, Đồng Vành, chùa Cao, Khám Lạng, Hang Non và đã có vai trò tích cực trong việc phát triển Phật giáo Trúc Lâm ở phía Tây Yên Tử.
Con đường du lịch văn hóa tâm linh Phật giáo Trúc Lâm Tây Yên Tử
Trước hết cần nhìn nhận, xây dựng các con đường, các tuyến du lịch văn hóa tâm linh Phật giáo Trúc Lâm gắn với các di tích như đã đề cập ở phần trên. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể xây dựng các tuyến du lịch văn hóa tâm linh Phật giáo Trúc Lâm theo đúng con đường hoằng dương Phật giáo Trúc Lâm mà các vị Tổ Trúc Lâm đã mở mang, phát triển ở thế kỷ XIII- XIV.
Từ thành phố Bắc Giang đi trung tâm Phật giáo/chùa Vĩnh Nghiêm chạy dọc theo tuyến đường tỉnh 293 đến cụm di tích thứ nhất/ khu Du lịch tâm linh Đồng Thông, huyện Sơn Động (Bắc Giang)bao gồm: chùa Trình, chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng từ đó lên thẳng chùa Đồng Yên Tử. Sau đó du khách sẽ đi đến cụm di tích thứ hai/ chùa Bình Long (Huyền Sơn), Yên Mã (Bắc Lũng), Hòn Tháp (Cẩm Lý), Hang Non (Khám Lạng) huyện Lục Nam. Tiếp theo đi đến cụm di tích thứ ba/chùa Đồng Vành (Lục Sơn), Nghè Mẫu, đền Thánh Trần Cao San, Nghè Cả, Nghè Long (Lục Sơn), huyện Lục Nam. Chùa Am Vãi (Nam Dương-Lục Ngạn).
Hoặc là đi từ chùa Vĩnh Nghiêm – đến hết toàn bộ di tích Tây Yên Tử, sau đó lên chùa Đồng, Hoa Yên, Giải Oan, và quay về Quỳnh Lâm, An Sinh, Ngọa Vân, Hồ Thiên, sau đó về Côn Sơn, Kiếp Bạc, hoặc từ Vĩnh Nghiêm đi Côn Sơn, Kiếp Bạc, Thanh Mai, đến Quỳnh Lâm, An Sinh, Ngọa Vân, Hồ Thiên để rồi lên Hoa Yên, chùa Đồng và xuống đi đến toàn bộ di tích Tây Yên Tử.
Đó là các tuyến du lich văn hóa tâm linh Phật giáo Trúc Lâm được hình thành từ các di tích thuộc phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Để phát triển mạnh mẽ con đường du lịch tâm linh Tây Yên Tử, cần lưu tâm vấn đề bảo vệ môi trường sinh cảnh của Tây Yên Tử nói chung và môi trường ở tại các điểm du lịch của Phật giáo Trúc Lâm Tây Yên Tử nói riêng; cần khảo sát ngay các di tích Phật giáo Trúc Lâm ở toàn bộ dãy núi sườn Tây Yên Tử thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang, từng bước xây dựng, phục hồi di tích. Mở các tuyến đường giao thông giữa trung tâm Vĩnh Nghiêm đi đến các cụm di tích Trúc Lâm nằm trên địa bàn của ba tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh và Hải Dương nhằm nối liên hoàn các đường giao thông – du lịch giữa các trung tâm văn hóa Trúc Lâm với các cụm di tích Trúc Lâm. Cần phục hồi văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam trong bối cảnh hội nhập văn hóa, kinh tế quốc tế hiện nay. Đồng thời, cần nghiên cứu làm sống lại ẩm thực phật giáo Trúc Lâm ở thế kỉ XIII và XIV trong xã hội hiện đại ngày nay để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, cần phục dựng lại yếu tố về văn hóa phi vật thể như: trang phục, truyện, thơ, văn, mỹ thuật, hội họa, sân khấu, lễ hội,… của văn hóa Phật giáo Trúc Lâm ở thế kỷ XIII –XIV để đưa vào khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài nước đến du lịch, thăm quan, nghỉ dưỡng trong không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm.
Có thể khẳng định, trong lịch sử, hệ thống di tích và danh thắng Tây Yên Tử và chùa Vĩnh Nghiêm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đóng một vai trò quan trọng và là một phần không thể tách rời trong quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, gắn với Phật giáo Trúc Lâm, mang đặc trưng đậm bản sắc Việt, do các thiền sư Việt Nam đã chọn lọc và “Việt Nam hóa” được những tư tưởng cao đẹp từ Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa. Bảo vệ và phát huy văn hóa Phật giáo Trúc Lâm trong xu thế hội nhập, phát triển hiện nay là một việc làm cần thiết, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thúc đẩy công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội đất nước nói chung và các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh nói riêng./.
Dương Ngô Ninh
[1]. Hà Văn Tấn (1992), Chùa Việt Nam. Hà Nội: 12.
[2]. Quốc sử quán triều Nguyễn, (1971), Đại Nam nhất thống chí, tập 4, Nxb KHXH, Hà Nội: 77.
[3]. Bảo tàng Bắc Giang (2011), Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa Lý-Trần tỉnh Bắc Giang, Nxb Thông Tấn: 112.
[4]. Nguyễn Xuân Cần, Nguyễn Huy Hạnh, Nguyễn Hữu Tự (2004), Chốn tổ Vĩnh Nghiêm, Bảo tàng Bắc Giang xb, Bắc Giang: 88.