Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm- Những giá trị văn hóa, lịch sử
Ngày đăng:12-02-2019
Chùa Vĩnh Nghiêm tên chữ Hán là Chúc Thánh thiền tự, tên Nôm là chùa Lay hay còn là chùa Đức La, thuộc xã Đức La, huyện Phượng Nhãn xưa, nay là thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Đây là trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, nơi đào tạo tăng đồ cả nước. Trong quá trình phát triển, chùa Vĩnh Nghiêm bảo lưu nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng và đặc sắc. Trong đó, hệ thống di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là bảo vật quốc gia. Giá trị của kho mộc bản thể hiện ở tính xác thực, tính quý hiếm, độc đáo không thể thay thế và ở ý nghĩa quốc tế về nhiều mặt, đặc biệt là giá trị về văn hóa, lịch sử.
Ảnh minh họa
Về giá trị tôn giáo,thế kỷ XIII, với sự ra đời của Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt, đánh dấu quá trình Việt hóa Phật giáo du nhập từ bên ngoài. Tư tưởng và cách thức tu hành của Phật giáo Trúc Lâm là phương thức tu hành coi trọng tự lực, phật tự tâm, hướng đến coi Phật chính là vật báu bản thân mình. Tư tưởng, triết lý tu hành của Phật giáo Trúc Lâm được thể hiện ở nhiều kinh sách, trong đó kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là sự hiện thực hóa. Hệ tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm được tam tổ Trúc Lâm sáng lập (Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa Đồng Kiên Cương và Thiền sư Huyền Quang Lý Đạo Tái) và các thế hệ Thiền sư tiếp nối quảng bá nhanh chóng được người Việt tiếp nhận. Kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm hàm chứa những giá trị nhân văn sâu sắc về tư tưởng, giáo lý của Phật giáo Trúc Lâm ngày càng được phổ biến, truyền bá rộng rãi đã thu hút hướng thiện tới hàng triệu các tín đồ Phật tử trong cả nước.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đánh dấu bước phát triển mới của văn tự Việt Nam. Mộc bản chữ Nôm ở chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Nôm qua các thời đại Trần, Lê, Nguyễn… Với việc khắc in mộc bản với bản chữ Nôm hoàn chỉnh thể hiện sự chuyển biến từ chỗ sử dụng chủ yếu chữ Hán sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm (chữ do người Việt tạo ra). Từ chỗ chỉ được dùng lẻ tẻ ở thời kì trước đó, chữ Nôm bắt đầu được sử dụng một cách có hệ thống trong trước tác của Phật hoàng Trần Nhân Tông và các cao tăng trong Phật giáo Trúc Lâm cũng như các trí thức đương thời. Họ sử dụng chữ Nôm để viết lời thuyết pháp dưới dạng văn vần, không phải dịch trực tiếp từ kinh Phật viết bằng chữ Hán hay bằng chữ Phạn, mà nó là tổng kết ngắn gọn dưới dạng thơ hoặc là những diễn giải tư tưởng Phật học dưới lăng kính của người Việt. Điều đó không chỉ thể hiện ý thức độc lập, tự chủ của dân tộc ta trong quá trình tiếp biến văn hóa mà còn là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam. Hiện nay, trong quá trình Hội nhập, giao lưu văn hóa quốc tế, trên thế giới nhiều người quan tâm học chữ Nôm để nghiên cứu lịch sử văn hóa truyền thống Việt Nam, chính chữ Nôm ở bộ mộc bản là một trong những nguồn tư liệu quý giá để tra cứu, tham khảo hữu ích.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm mang nhiều giá trị văn học cũng như tính nhân văn sâu sắc.Trong hệ thống mộc bản có nhiều tác phẩm có giá trị văn học như: “Thần du Tây phương ký”, “ Tây phương mĩ nhân truyện”, “Kính tín lục”, “Yên Tử nhận trình”, “Thiền tông bản hạnh”. Tập “Thiền tông bản hạnh” gồm 8 tác phẩm văn học viết theo thể phú hoặc diễn ca, dẽ đọc, dễ nhớ, dễ truyền tụng. Thủ pháp “dùng thơ nói Thiền”, thể hiện quan niệm đậm chất triết lý Thiền bằng các hình tượng cụ thể sinh động nên người đọc dễ tiếp nhận. Vì vậy, dù miêu tả “thú lâm tuyền thành đạo”, hay miêu tả cảnh đẹp của sơn lâm, mỹ tự vẫn là sự thể hiện cảnh giới của tâm hồn người đắc đạo, có tác dụng truyền cho thế hệ nối tiếp hướng theo tinh thần đề cao, rèn luyện nội lực của Thiền. Các tác phẩm văn học trong mộc bản sách “Thiền tông bản hạnh” như: “Cư trần lạc đạo phú” viết theo thể phú, “Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca”, “Vịnh Hoa Yên tự phú”… Đây là những tác phẩm văn học thiền tông có giá trị và có sự ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội và được nhiều nhà nghiên cứu văn học trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu.
Về giá trị Y học: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đúc kết những kinh nghiệm dân gian, tinh hoa về y dược đương thời. Sách Kính tín lục có trong bộ sưu tập Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm ghi chép các phương thuốc cấp cứu chữa bệnh (An thai thôi sinh phương, Thiên Trúc cốt được, Phụ cấp cứu phương….) là sự đúc kết kinh nghiệm dân gian đã được khảo nghiệm những tinh túy về y dược thời bấy giờ. Mộc bản các sách trên là cơ sở để truyền bá, phổ biến kinh nghiệm, vừa thể hiện lòng nhân ái của đạo Phật, qua đó nâng cao vị thế, trách nhiệm của nhà sư (theo Phật giáoTrúc Lâm). Hiện nay, các phương thuốc này vẫn được phổ biến rộng rãi ở nhiều chùa chiền, thiền viện, các vùng quê góp phần cứu nhân độ thế đến nay vẫn được nhiều người ứng dụng.
Hệ thống mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm với những giá trị độc đáo về văn hóa vật thể và phi vật thể không chỉ là tài sản vô giá của dân tộc mà còn là di sản văn hóa thế giới. Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa này để tạo sự kết nối giữa truyền thống – hiện tại – tương lai, mở rộng giao lưu văn hóa là nhiệm vụ quan trọng. Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ký ức chùa Vĩnh Nghiêm, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những giải pháp cụ thể như: giáo dục, nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề này cần được đẩy mạnh, để các giá trị tiềm ẩn của di sản văn hóa ký ức chùa Vĩnh Nghiêm thấm sâu vào đời sống nhân dân, nhất là đối với thanh thiếu niên; đẩy mạnh hoạt động truyền thông quảng bá thường xuyên và đa dạng hóa, cả về nội dung lẫn hình thức; quy hoạch và quản lý hệ thống di sản văn hóa ký ức mộc bản Vĩnh Nghiêm cần được xây dựng trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Bắc Giang. Coi trọng việc gắn kết quy hoạch phát triển du lịch và dịch vụ, không chỉ diễn ra trong không gian văn hóa huyện Yên Dũng, hay toàn khu vực Tây Yên Tử - điểm khởi đầu là chùa Vĩnh Nghiêm, mà cần mở rộng ra toàn vùng đồng bằng Sông Hồng. Cần đặc biệt quan tâm việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trọng điểm như kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.