Tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Ngày đăng:25-12-2018
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân xuất phát từ chỗ đánh giá cao vai trò của nhân dân. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng Hồ Chí Minh đúc kết: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Trong xã hội không gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”. Người cán bộ phải hiểu rằng cái làm nên “dân là gốc”, chính là tài dân, sức dân, của dân, quyền dân, lòng dân, sự khôn khéo, hăng hái, anh hùng của dân.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến học tập Chuyên đề 2019 tại Điểm cầu tỉnh Bắc Giang
Lãnh tụ từ Nhân dân, sống trong lòng dân, trở về với Nhân dân
Xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân, Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Cuộc khảo nghiệm đầy gian truân nhưng hết sức thú vị bằng chính phương thức “vô sản hóa”, làm bồi bàn, cào tuyết, đốt lò, đến tận hang cùng ngõ hẻm, hòa vào cuộc sống lầm than, khổ nhục của người lao động ở các nước tư bản đưa Hồ Chí Minh đến với ánh sáng Lênin. Con đường đến với chủ nghĩa Lênin của Hồ Chí Minh chủ yếu bằng cách hòa mình vào cuộc sống của dân chúng và tự trang bị cho mình những tri thức thực tiễn. Từ khát vọng giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã hòa nhập vào đời sống thợ thuyền, khám phá văn minh Âu, Mỹ để đi tìm “thanh kiếm mầu nhiệm” và trở thành lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh cả cuộc đời cống hiến cho dân, cho nước, cho Tổ quốc, không ham muốn công danh phú quý chút nào, không tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài, chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, đó là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Sự cống hiến của Bác là cực đại, nhưng lại không có một chút gì riêng cho mình. Hơn 60 năm cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta và Nhân dân thế giới, trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ, trên ngực áo không một tấm huân chương, Hồ Chí Minh chỉ muốn về với dân, làm một cái nhà nho nhỏ, không biệt thự nhà lầu, nơi có non xanh nước biếc, câu cá trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi.
Sinh ra từ Nhân dân, lớn lên cùng Nhân dân, được dân chúng chở che đùm bọc, Hồ Chí Minh hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Người nói và làm theo quan điểm “từ Chủ tịch nước đến Bộ trưởng, thứ trưởng đều là đày tớ trung thành của Nhân dân”.
Nguyên lý của cuộc sống: có dân là có tất cả. Mất dân là mất hết
Chữ DÂN là của báu, hạt ngọc lung linh tỏa sáng trong kho tàng tư tưởng Hồ Chí Minh. Di sản Hồ Chí Minh cho ta hiểu một nguyên lý giản đơn, sâu sắc: có dân là có có tất cả. Mất dân là mất hết. Theo Người, DÂN là một ngôi lớn được sánh cùng TRỜI và ĐẤT và không có gì quý bằng nhân dân; không có gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của Nhân dân; không có gì chống lại được dân chúng; không có gì phá vỡ được bức tường đồng của dân chúng; không ai thông minh, trí tuệ, sáng tạo bằng dân chúng; không ai tốt như dân chúng; không ai hăng hái như dân chúng; không ai dũng cảm bằng dân chúng; không ai nhìn thấu bằng dân chúng; không ai nghe nhiều như dân chúng; của cải trong dân chúng; quyền lực thuộc dân chúng. Bác nói rằng: không có Nhân dân thì không có Bác. Câu nói ngắn gọn, đầy đủ, chính xác. Dân chúng có một vũ khí vô địch, đó là lòng tin. Nói “có dân” hay “mất dân” là nói đến LÒNG TIN của dân. Nuôi dưỡng và giữ được lòng tin của dân, chúng ta sẽ có tất cả, sẽ thành công. Đánh mất lòng tin của dân chúng là mất tất cả, sẽ thất bại. Người viết: “Ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác”.
Câu chuyện về vụ án của Đại tá Trần Dụ Châu để lại bài học vô cùng sâu sắc cho hôm nay. Trong kháng chiến chống Pháp, khi bộ đội và nhân dân đang dốc lòng, dốc sức, dốc của cho cuộc kháng chiến thì Cục trưởng Cục quân nhu, Đại tá Trần Dụ Châu lại bớt xén của bộ đội và Nhân dân để phục vụ cho cuộc sống ăn chơi phè phỡn, trác táng của cá nhân. Với tội danh của Trần Dụ Châu, toà phán quyết tử hình. Trần Dụ Châu xin Chủ tịch nước xem xét, giảm án. Suy nghĩ nhiều ngày đêm, cuối cùng Bác vẫn giữ nguyên án tử hình như tòa đã quyết. Lý do Bác y án là vì “con sâu làm rầu nồi canh”; vì hành động của Trần Dụ Châu đã làm mất lòng lòng tin của đảng viên, cán bộ, bộ đội và Nhân dân, nếu không xử nghiêm thì ảnh hưởng rất lớn đến cuộc kháng chiến trong giai đoạn cam go, quyết liệt. Vụ việc kết thúc, Bác yêu cầu phải nói rõ trên báo chí để cho Nhân dân và bè bạn quốc tế hiểu rõ Đảng ta là một Đảng quang minh chính đại, vì dân vì nước, không bao giờ dung túng, bao che cho những hành động tham ô, tham nhũng, ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Bài học quý giá, sâu sắc cho hôm nay chính là thái độ của Đảng và Nhà nước với cả “bầy sâu”, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tha hóa, biến chất, “ăn không từ cái gì của dân, bán cũng không từ cái gì”, đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân, của đảng viên, cán bộ vào Đảng, Nhà nước và chế độ. Dựa vào dân chúng để chống tham nhũng như Bác dạy: “Chúng ta phải phát động tư tưởng của quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tội tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.
Vấn đề là phải dựa vào trí tuệ, lòng yêu nước, bản chất tốt đẹp của Nhân dân để ngăn chặn từ đầu, từ gốc nạn tham nhũng quyền lực, bắt đầu từ khâu công tác cán bộ. Đảng, Nhà nước, cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu các cấp phải lắng nghe lòng dân, nghe những tiếng nói tâm huyết của dân, của báo chí, của các nhà khoa học về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là những vụ việc nóng về công tác cán bộ, tham nhũng.
Nghiên cứu, khám phá dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh để lấy lại lòng dân, củng cố niềm tin của dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ như Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh, khẳng định lại trong các nghị quyết về dân vận, về xây dựng Đảng, về văn hóa.
Mục đích của cách mạng: vì dân
Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng sáng tạo, cái gốc của sáng tạo là tất cả đều vì dân. Không suy nghĩ vì dân, không thể có sáng tạo. Rời Tổ quốc năm 1911, Hồ Chí Minh mang theo khát vọng giải phóng đồng bào, “xem các nước họ làm thế nào rồi trở về giúp đồng bào tôi”. Hơn ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài, sau khi tìm được “thanh kiếm mầu nhiệm” là chủ nghĩa Lênin, Người mong muốn trở về Tổ quốc, động viên, giáo dục, giác ngộ, tổ chức, tập hợp quần chúng, đưa họ ra đấu tranh giành độc lập.
Hồ Chí Minh có một tầm nhìn, cách nhìn thấu suốt, có trách nhiệm đối với những vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân cần phải được suy nghĩ một cách thấu đáo, nghiêm túc, đó là trách nhiệm của Đảng và chính quyền, chứ không phải chỉ trách nhiệm cá nhân. Một đảng viên, cán bộ cao cấp hư hỏng, Đảng và Chính phủ phải chịu trách nhiệm, chứ không phải chỉ cá nhân đó chịu trách nhiệm trước pháp luật hay chịu kỷ luật của Đảng. Một cán bộ thuộc Trung ương quản lý mà làm bậy thì những người có trách nhiệm trong Ban tổ chức Trung ương phải chịu trách nhiệm và chịu các hình thức kỷ luật tương ứng. Chưa hoàn thành nhiệm vụ chăm lo cuộc sống cho dân, Đảng và chính phủ phải chịu trách nhiệm. Bác dạy rằng “nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi”.
Hiện nay nhiều nơi, nhiều việc, nhiều người lấy việc “đúng quy trình”, đúng pháp luật, đúng nghị quyết, đúng thẩm quyền… làm thước đo, làm chỗ dựa mà lại không lấy lợi ích của dân làm thước đo, không thuận lòng dân. Phải lấy lợi ích của dân, sự hài lòng của người dân, nguyện vọng chính đáng của dân chúng làm thước đo. Ví dụ một số việc cải cách hành chính đúng quy trình nhưng không đáp ứng sự hài lòng của người dân thì phải bỏ. Công tác cán bộ đúng quy trình nhưng không đúng tiêu chuẩn, dẫn đến hại cho dân, cho nước thì phải bỏ. Các dự án duyệt đúng quy trình, đúng thẩm quyền, đúng pháp luật nhưng lại nguy hại cho hàng triệu người dân thì phải xem xét lại.
Phương thức và động lực cách mạng: do dân, dựa vào dân
Mục đích cách mạng vì dân. Nhưng để làm được việc đó lại phải dựa vào dân, tổ chức và động viên toàn dân. Lâu nay ta nói đến vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng là đúng nhưng chưa đủ, chưa thật sự khoa học và cách mạng. Từ năm 1927, khi nêu câu hỏi: “Cách mạng trước hết phải có cái gì?”, Bác trả lời: “Trước hết phải có Đảng”. Người còn nói rõ thêm “dân không có Đảng và Chính phủ thì không ai dẫn đường”. Phương thức dựa vào dân của Hồ Chí Minh là đại đoàn kết toàn dân tộc. Người không đoàn kết công nông kiểu Mác-Lênin mà đại đoàn kết toàn dân tộc theo tinh thần “năm ngón tay có ngón dài, ngón vắn, dài hay vắn đều trên một bàn tay”; “ai có lòng, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Người chủ trương không chỉ đoàn kết cá nhân mà còn đoàn kết các đảng phái; không chỉ đoàn kết những lực lượng cơ bản mà còn đoàn kết mọi người yêu nước.
Đó là bài học vô cùng bổ ích, quý giá cho hôm nay. Trong bất kỷ hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến mấy, dù giặc ngoại xâm và nội xâm phá hoại đến mấy, dù công việc to lớn đến mấy, Đảng phải tin dân, ở trong lòng dân, biết dựa vào dân, giáo dục toàn dân, tổ chức và động viên toàn dân, tạo cơ chế, thiết chế cho dân dám “mở mồm ra”, công khai cho dân biết, để dân bàn, trưng cầu dân ý, động viên và tổ chức dân làm, để dân kiểm tra, giám sát và nhiều việc phải do dân quyết như Bác đã dạy, như Bác đã làm, như Bác nhấn mạnh trong Di chúc, thì sẽ không có một thế lực nào ngăn cản được, gây áp lực được, chúng ta sẽ vượt qua tất cả. Chúng ta không hành động nhanh tay thì các thế lực xấu xa, thù địch sẽ hành động. Tổng Bí thư đã đánh trống, đốt lò. Dân chúng muốn người đứng đầu Đảng đã đánh thì phải đánh liên hồi. Chúng ta phải kiên quyết, kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao, quyết tâm cách mạng thật sự, không chỉ nói thật, nói hay, phát ngôn ấn tượng mà phải làm thật, thường xuyên, thật sự quyết liệt, bản lĩnh vững vàng, phương pháp đúng với tinh thần tất cả vì dân, do dân, lấy hạnh phúc của dân chúng làm thước đo cho mọi suy nghĩ và hành động theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân là không xâm phạm, xúc phạm nhân dân. Phải luôn luôn tôn trọng và giữ gìn của công, của nhân dân. Không được phung phí nhân lực, vật lực của dân, Khi huy động nên vừa phải, không nên nhiều quá lãng phí vô ích. Phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân. Biết giúp đỡ nhân dân. Phải đặc biệt chú ý đến tín ngưỡng phong tục, tập quán của đồng bào thiểu số, không nên làm hoặc nói điều gì có thể làm cho dân hiểu lầm rằng mình xem khinh họ. Không bao giờ được sai lời hứa, phải làm cho dân nhận thấy mình là người chính chắn, chăm công việc, trọng kỷ luật.
Cả cuộc đời Hồ Chí Minh toát lên tư tưởng, đạo đức lớn, đó là “hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ”. Theo Người, “chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăn nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.
Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, xây dựng tính khoa học của bộ máy, đặc biệt là nền dân chủ. Phải thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thành hiện thực. Gắn với giải đó là việc tu dưỡng, nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết ở đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu. Tấm gương sống của họ sẽ có sức lan tỏa trong đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới.