Vài suy nghĩ về xây dựng văn hóa đạo đức, niềm tin xã hội theo tư tưởng, đạo đức và triết lý phát triển của Hồ Chí Minh
Ngày đăng:19-10-2018
Tư tưởng văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bộ phận hợp thành triết lý phát triển xã hội của Người. Trong điều kiện lịch sử mới hiện nay, đây thực sự là những di sản tinh thần vô giá giúp nhân dân ta xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong những thập niên đầu thế kỷ XXI.
Ảnh minh họa
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển xã hội là một quá trình sinh thành tổng thể của toàn bộ cái bên trong và cái bên ngoài; của vật chất và tinh thần; của con người và tự nhiên; của truyền thống và hiện đại; của cá nhân và cộng đồng; của dân tộc và tộc người; của dân tộc và quốc tế; của hình thức và nội dung. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết rằng: "Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa"[1].
Đặt các vấn đề xã hội lên hàng đầu trong tiến trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm toàn diện đến vai trò sáng tạo lịch sử, sáng tạo văn hóa của nhân dân lao động. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân là người sáng tạo ra toàn bộ lịch sử xã hội trong đó có các giá trị văn hóa. Muốn phát triển văn hóa phải quan tâm đến động lực to lớn của lịch sử là vai trò sáng tạo của quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Trong bầu trời này không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới này không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân"[2].
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường cho rằng: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó ngàn lần dân liệu cũng xong". Vì thế trong triết lý phát triển của mình, dù giải quyết bất cứ một vấn đề gì, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng gắn với sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân. Nhân dân tin tưởng, nhân dân bàn bạc, nhân dân thực hiện là quy luật phát triển của xã hội và của môi trường văn hóa mới Việt Nam.
Trong triết lý phát triển xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người, các vấn đề của con người, các công việc của con người là trung tâm của mỗi nền văn hóa. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con người là vốn quý nhất của xã hội, cần thiết phải quan tâm toàn diện đến sự phát triển mọi mặt của con người trong quá trình phát triển xã hội xây dựng môi trường văn hóa mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng các chiến lược giáo dục dân trí cho nhân dân ta, kiến tạo các quan hệ đạo đức và luật pháp mới, mở rộng các khả năng hưởng thụ, đánh giá và sáng tạo một nền nghệ thuật mới trong môi trường văn hóa mới.
Con người xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu vừa là động lực vừa là sức sống của nền văn hóa mới. Đó là những con người có sự giác ngộ về lý tưởng nhân văn sâu sắc, có đạo đức trong sáng, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là những con người “vừa hồng vừa chuyên”; những con người vừa có đức vừa có tài, những con người phát triển đa dạng, phong phú cả về đời công lẫn đời tư. Trong một xã hội có những con người như vậy xuất hiện phổ biến thì đó là một xã hội văn hóa cao. Hồ Chí Minh tiên liệu rằng môi trường văn hóa của xã hội văn hóa cao là môi trường đầy giá trị nhân văn, ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành, con người sống với con người vừa có tình vừa có lý, ai có tài năng đều có điều kiện phát triển.
Để lãnh đạo nền văn hóa lấy con người làm trung tâm, cần thiết phải xây dựng văn hóa trong Đảng, nhằm xây dựng nên những cán bộ, đảng viên thắng không kiêu, bại không nản, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Đó là những con người có đạo đức cách mạng và lý tưởng xã hội chủ nghĩa. "Đảng ta là đạo đức, là văn minh"[3].
Trong triết lý phát triển xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một môi trường văn hóa nhân đạo là môi trường văn hóa có những cơ chế cổ vũ và xác lập sự cộng đồng về các lợi ích. Ở đó "mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình"[4]. Môi trường văn hóa nhân đạo là môi trường văn hóa bình đẳng các giá trị, không có giá trị nào độc quyền chân lý, mỗi người có năng lực, có khả năng đều được khuyến khích và tự do phát triển.
Trong triết lý phát triển xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì môi trường văn hóa gắn trực tiếp với quá trình cách mạng của nhân dân ta. Văn hóa không đứng ngoài mà ở trong kinh tế và chính trị. Văn hóa vừa là sản phẩm của kinh tế và chính trị vừa tham gia phục vụ cho kinh tế và chính trị. Văn hóa vừa là một thực thể vừa là cái lan tỏa trên mọi quan hệ. Năm 1945 - 1946, khi đất nước ta giành lại chính quyền sau hơn 60 năm bị nô lệ, với triết lý khoan dung, tin tưởng ở sức mạnh của chính nghĩa dân tộc; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ chính kiến của mình với ông G.Biđôn nguyên Chủ tịch Chính phủ Pháp, lúc đó là kẻ thù đang xâm lăng nước ta rằng: "Sự thành thực và sự tin tưởng lẫn nhau sẽ san phẳng hết các trở ngại. Chúng ta chẳng đã ruồng bỏ hết được cái chủ nghĩa đế quốc xâm lược và cái chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi không còn thích hợp với thế giới hiện đại đấy ư? Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần triết lý đạo Khổng và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân"[5].
Triết lý khoan dung - thành thực và tin tưởng trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh thể hiện trình độ phát triển cao về nhân cách và tầm nhìn sáng suốt của một vĩ nhân trong sự phát triển của dân tộc ta. Yêu con người, yêu thiên nhiên, yêu đồng loại, yêu người cùng khổ, rộng lượng đối với mọi người; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đẩy sức mạnh xã hội Việt Nam lên một tầm cao mới. Các tư tưởng văn hóa trong triết lý phát triển của Người chứa đựng rất nhiều giá trị tiềm ẩn. Năng lượng trong di sản tư tưởng văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tiềm tàng có giá trị lâu dài trong quá trình nhân dân ta xây dựng môi trường văn hóa mới. Chúng ta cần biến những tư tưởng của Người vào xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy các tư tưởng ấy để xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh trên quan điểm toàn diện.
Trong Di chúc của mình trước lúc đi xa, Người có khát vọng xây dựng môi trường văn hóa Việt Nam to đẹp hơn, đàng hoàng hơn, làm sao "tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi" trong môi trường văn hóa của chủ nghĩa xã hội. Theo Người muốn như vậy cần phải "chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng"[6]. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh "đây là cuộc chiến đấu khổng lồ". Muốn cuộc chiến đấu này thắng lợi "cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào các lư vĩ đại của nhân dân"[7].
Thực hiện học thuyết phát triển của chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới là:
Đấu tranh kiên quyết chống sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phát huy vai trò chiến đấu của văn hóa, chống cái ác, cái xấu, những căn bệnh như quan liêu, tham nhũng, suy thoái, tệ nạn xã hội... Đây là đòi hỏi gay gắt của toàn xã hội đối với công tác tư tưởng - văn hóa của chúng ta hiện nay.
Bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, đặc biệt là lý tưởng sống, năng lực trí tuệ, vẻ đẹp đạo đức và bản lĩnh văn hóa. Yêu cầu văn hóa trong việc xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam về nhân cách là một công việc cực kỳ cần thiết, vừa rất cơ bản, chiến lược, vừa rất cấp bách, trong đó, nhấn mạnh bốn giá trị lớn mà văn hóa phải chăm lo nuôi dưỡng cho thanh niên là: Lý tưởng sống; Năng lực trí tuệ; Vẻ đẹp đạo đức; Trung thực và Bản lĩnh. Bốn giá trị đó mang ý nghĩa rất quan trọng đối với thế hệ trẻ Việt Nam trước yêu cầu phát triển của đất nước hiện nay./.
Ngô Ninh
[1]Hồ Chí Minh về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh xuất bản, Hà Nội, 1997, tr.11.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, Tập 8, tr.276.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, Tập 10, tr.5.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, Tập 9, tr.291.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, Tập 4, tr.267.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tập 12, tr.505.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tập 12, tr.505.