Nhiều mô hình hay trong học tập và làm theo Bác ở các cấp Hội Phụ nữ
Ngày đăng:28-09-2018
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW và hơn 02 năm thực hiện Chỉ thị số 05-C/TW của Bộ Chính trị, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) triển khai một cách bài bản, hệ thống, ngày càng xây dựng được nhiều mô hình hay trong học và làm theo Bác, tạo ra nhiều phong trào thi đua sôi nổi, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Mô hình "Hũ gạo tiết kiệm" của Hội LHPN xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) được đặt ngay trạm xay xát gạo
Để xây dựng các mô hình hoạt động có hiệu quả, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở Hội bám sát nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cũng như những vấn đề xã hội đặt ra tại cơ sở để xây dựng các mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác phù hợp, hiệu quả... Đến nay với gần 3.000 mô hình làm theo Bác tại 230/230 cơ sở Hội thu hút 94.631 hội viên phụ nữ tham gia, tập trung vào các loại hình tiết kiệm, nhân đạo từ thiện, tiêu biểu như: “Phụ nữ thực hành tiết kiệm thu gom rác thải chung tay bảo vệ môi trường”, mô hình “Tiết kiệm xanh”, “Tiết kiệm làm theo gương Bác”, “Ống tiền tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Quỹ tấm lòng vàng”, “Vườn rau sạch tiết kiệm”... các mô hình này đã tiết kiệm đượctrên 30tỷ đồng và trên 77 tấn gạo giúp gần 15.000lượt hội viên, phụ nữ, trẻ em nghèo.
Tiêu biểu như mô hìnhphụ nữthực hành tiết kiệm thu gom rác thải chung tay giúp phụ nữ - trẻ em nghèo tại 212 chi hội phụ nữ của Hội LHPN huyện Yên Thế. Mô hình này được bắt nguồn từ sáng tạo của Ban chấp hành Hội LHPN xã Hương Vĩ (Yên Thế). Sau khi phát động phong trào học và làm theo Bác, Ban chấp hành phụ nữ xã Hương Vỹ đã trăn trở tìm kiếm, lựa chọn tìm mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương để triển khai thực hiện. Ban chấp hành thống nhất quyết định lựa chọn xây dựng mô hình “Phụ nữ thực hành tiết kiệm, bảo vệ môi trường, chung tay giúp phụ nữ và trẻ em nghèo”để triển khai thực hiện đến 11/11 chi hội. Mục đích hoạt động của mô hình là: tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ phân loại rác thải sinh hoạt của gia đình hàng ngày, sau đó mỗi tháng một lần chị em thu gom phế liệu từ rác thải mang đến điểm tập kết bán lấy tiền góp vào quỹ chung để giúp đỡ phụ nữ, trẻ em nghèo. Với cách làm đó, vừa đảm bảo sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ, vừa sạch môi trường mà lại có nguồn tiết kiệm để giúp đỡ người nghèo hiệu quả. Những ngày đầu vận động hội viên tham gia không dễ dàng gì, do chị em chưa có ý thức, thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường và cũng chưa có tư duy tiết kiệm. Họ cho rằng, rác thải, phế liệu chỉ có nước vứt ra đầu làng, cánh đồng, còn việc tiết kiệm từ thu gom rác, phế liệu để bán lấy tiền quỹ chung là rất khó. Ban chấp hành không quản ngày đêm, xuống tận từng gia đình hội viên tuyên truyền, vận động, thuyết phục, hướng dẫn thu gom và phân loại rác thải tại nhà, cuối tháng mang phế liệu có thể tái chế đến địa điểm tập kết (nhà văn hóa thôn, bản) để bán cho người thu mua, số tiền thu được góp vào quỹ chung của chi hội.
Với phương châm, cán bộ Hội gương mẫu làm trước,sau đó vận động hội viên làm theo. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình này, năm đầu tiên Hội Phụ nữ xã đã có được 30 triệu đồng tiền bán phế liệu từ 11 chi Hội. Ban đầu, số tiền này dùng để mua quà thăm hỏi, động viên hội viên phụ nữ, trẻ em khó khăn trong toàn xã. Theo thời gian, số tiền thu gom lại ngày càng lớn, trong khi việc tặng quà phụ nữ, trẻ em nghèo bằng tiền mặt chỉ có ý nghĩa động viên nhất thời, Hội LHPN xã đã quyết định sử dụng số tiền trên một cách thiết thực hơn, đó là mua bò sinh sản tặng phụ nữ nghèo. Ý tưởng đưa ra được toàn thể hội viên đồng tình hưởng ứng.
Từ đó đến nay, Hội phụ nữ xã Hương Vĩ đã tiết kiệm được trên 500 triệu đồng tiền tiết kiệm từ rác thải, Hội LHPN xã Hương Vỹ đã trao tặng 14 con bò sinh sản cho các gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn con số này hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Hội phụ nữ còn trích tiền để mua báo Phụ nữ Việt Nam tặng cho 11/11 chi hội làm tài liệu sinh hoạt để chị em có thêm thông tin, kiến thức, số tiền còn lại dành giúp cho hàng chục hội viên vay vốn phát triển kinh tế.
Thấy được hiệu quả từ cách làm mà Hội Phụ nữ xã Hương Vỹ đã triển khai, Hội LHPN huyện Yên Thế chỉ đạo nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn huyện. Nếu như năm 2011 toàn huyện chỉ có 78 mô hình thì đến nay, đã có 212 mô hình ở tất cả 21 cơ sở Hội, thu hút trên 16 nghìn hội viên, phụ nữ tham gia, qua đó, tiết kiệm được trên 11 tỷ đồng và hàng chục nghìn kg gạo, 102 con bò, trâu sinh sản giúp cho các gia đình phụ nữ và trẻ em nghèo…
Cũng như huyện Yên Thế, Hội LHPN huyện Hiệp Hòa với mô hình “Hũ gạo Bác Hồ” được xuất phát từ Hội LHPN xã Đông Lỗđể giúp những hộ nghèo, người già cô đơn hay những gia đình gặp hoạn nạn vững bước trong cuộc sống.
Từ nhiều năm trước, Hội LHPN xã Đông Lỗ đã vận động hội viên học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác bằng cách tự tiết kiệm gạo ở nhà để giúp những chị em có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Ban chấp hành Hội LHPN xã Đông Lỗ đã nảy ra sáng kiến đặt các hũ gạo tiết kiệm học tập theo Bác tại các cơ sở xay xát gạo trên toàn xã. Cách làm trên đã rất “trúng” tâm tư, nguyện vọng của chị em hội viên. Do đó, phong trào hũ gạo tiết kiệm đã nhanh chóng phát triển rộng khắp, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều tầng lớp nhân dân.
Bắt đầu từ năm 2012, Hội LHPN xã mạnh dạn đề xuất với đảng ủy triển khai xây dựng “Hũ gạo Bác Hồ”. Ngày đầu triển khai, nhiều chị em băn khoăn về cách làm, hình thức hỗ trợ, biện pháp giúp đỡ... Tuy nhiên, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phong trào dần nhận được sự đồng tình của hầu hết hội viên phụ nữ. Theo đó mô hình “Hũ gạo Bác Hồ” được triển khai thực hiện ở các thôn, lần đầu, sau 15 ngày cả xã thu được 370 kg gạo, giúp 25 hộ gia đình hội viên khó khăn. Để tiếp sức cho phong trào, Chủ tịch Hội LHPN xã (Đồng chí Nguyễn Thị Chiện) đã có sáng kiến gửi thư ngỏ kêu gọi các nhà hảo tâm, hội viên, nhân dân ủng hộ, lá thư đã tác động mạnh đến tâm tư, tình cảm của hội viên và người dân. Nhiều hộ có máy xay sát còn chủ động đề nghị đặt hũ gạo tiết kiệm tại nhà mình để vận động mọi người ủng hộ. Việc mở “Hũ gạo Bác Hồ” được thực hiện định kỳ hàng tháng, toàn bộ số gạo khuyên góp được ủng hộ cho những người khó khăn (20 kg/lần hỗ trợ). Hiện với trên 50 “Hũ gạo Bác Hồ”, số lượng gạo khuyên góp lên tới trên 6 tấn, đã hỗ trợ cho 213 lượt phụ nữ nghèo, người già cô đơn, gia đình có hoàn cảnh khó khăn... Từ mô hình “Hũ gạo Bác Hồ” đã góp phần không nhỏ để xã Đông Lỗ không còn hội viên phụ nữ đói, tỷ lệ gia đình do phụ nữ làm chủ thuộc diện hộ nghèo giảm đáng kể (còn 3%). Mô hình này đã trở thành điển hình và được nhân rộng ở nhiều nơi. Năm 2013, Hội Phụ nữ xã Đông Lỗ đã được Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích xuất sắc trong việc học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
Trên đây là 2 trong số hàng trăm mô hình học và làm theo Bác của các cấp Hội phụ nữ tỉnh Bắc Giang. Cùng với 2 mô hình nói trên, còn có nhiều mô hình/hoạt động hiệu quả khác như mô hình tiết kiệm của Hội LHPNLục Ngạn đã vận động cán bộ, hội viên tham gia Chương trình "quạt mát mùa hè", tặng 306 chiếc quạt cho hội viên phụ nữ nghèo, gia đình chính sách; Hội LHPN Việt Yên với mô hình tặng gạo và lợn giống...; Hội LHPN Lục Nam vận động hội viên phụ nữ tham gia Chương trình “Sách mới cho em” đã tiết kiệm được 5,101 tỷ đồng, trích tặng 547 cháu học sinh; 25 bộ quần áo đồng phục; 14 chiếc xe đạp...;Hội LHPN TP Bắc Giang với hoạt động giúp đỡ có địa chỉ (gia đình phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn từ 2 triệu đồng trở lên/hộ/năm); Hội LHPN Tân Yên, duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả 92 mô hình "làm theo Bác về đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch góp phần bảo vệ môi trường xây dựng nông thôn mới", thu hút 3.008 thành viên tham gia; Hội LHPN Lạng Giang duy trì và phát triển quỹ "Quỹ tấm lòng vàng" , với tổng số là 741,49 trđ cho 122 HV có hoàn cảnh khó khăn vay không lãi...; Hội LHPN Yên Dũng thực hiện tốt hoạt động gây quỹ giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn bằng hình thức hỗ trợ mua công cụ sản xuất (máy ép nước mía, máy cày, máy làm đậu, sửa chuồng trại chăn nuôi...); mô hình tiết kiệm tháng của Hội LHPN Sơn Động, đã giúp hàng trăm phụ nữ nghèo có vốn sản xuất… Từ kết quả trên đã góp phần thiết thực giúp đỡ, động viên hội viên có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Hội trong tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Do có sự đầu tư, lựa chọn nội dung chỉ đạo, cụ thể hóa các hoạt động nhằm tuyên truyền cán bộ, hội viên phụ nữ học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên trong thực hiện Chỉ thị 05- CT/TW bằng những việc làm sáng tạo, hiệu quả thiết thực phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương đáp ứng với tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu chính đáng của hội viên phụ nữ. Chính vì vậy nhận thức, ý thức của hội viên phụ nữ được nâng lên, thể hiện qua những việc làm thiết thực trong đời sống hàng ngày của mỗi gia đình, đặc biệt là các mô hình tiết kiệm làm theo Bác đã đạt được nhiều kết quả, thu được số tiền tiết kiệm tương đối lớn, từ nguồn tiết kiệm tại chỗ này Hội đã giúp được nhiều địa chỉ hội viên phụ nữ, trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp nhiều hộ thoát nghèo ổn định cuộc sống góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Từ kết quả thiết thực đó, các mô hình học tập và làm theo Bác của Hội phụ nữ cơ sở đã thu hút ngày càng đông đảo phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nhiều năm liên tục được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc./.