Về tính thực tiễn, khả thi trong mục tiêu “phát triển văn hóa, xây dựng con người”
Ngày đăng:28-10-2015
Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ra Nghị quyết về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Yêu cầu đặc thù của Dự thảo chủ yếu là đánh giá thực trạng 5 năm qua và xác định nhiệm vụ 5 năm tới, theo nhiệm kỳ Đại hội. Vì thế, cần nghiên cứu rất kỹ, đánh giá đúng thực trạng 5 năm qua và dày công suy nghĩ yêu cầu bức thiết phát triển văn hóa, xây dựng con người 5 năm tới. Không thực hiện được điều đó, Dự thảo phần này rất dễ rơi vào các luận điểm đúng nhưng chung chung, có giá trị lâu dài mà thiếu tính thực tiễn, khả thi.
Cũng như các phần khác trong Dự thảo, theo suy nghĩ của tôi, phần “Phát triển văn hóa, xây dựng con người” cần tuân thủ tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, để bảo đảm ba yêu cầu sau:
- Tổng kết, đánh giá kết quả và những yếu kém, khuyết điểm trên lĩnh vực quan trọng này trong 5 năm (2011 - 2015) thực hiện Nghị quyết Đại hội XI. Đây là cơ sở thực tiễn cho việc xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng con người chủ yếu trong 5 năm tới (2016 - 2020), nhiệm kỳ Đại hội XII.
- Vận dụng các quan điểm chỉ đạo, phương hướng, nhiệm vụ đã được khẳng định trong các Nghị quyết về văn hóa được ban hành trong nhiệm kỳ Đại hội XI làm cơ sở lý luận, định hướng chính trị trong phần này của dự thảo. (Ở đây chủ yếu là Nghị quyết 33-NQ/TW mới ra đời 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”).
- Từ nghiên cứu, tổng kết thực tiễn 5 năm qua, đối chiếu với yêu cầu, nhiệm vụ chung của công cuộc đổi mới 5 năm tới, xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ cụ thể vừa đòi hỏi sự phấn đấu cao, vừa phải thực tiễn và khả thi cần nỗ lực hoàn thành trong 5 năm tới.
Bằng suy nghĩ đó, tôi đã làm một việc “tẩn mẩn” là đối chiếu nội dung Nghị quyết 33-NQ/TW vừa công bố với Dự thảo phần “phát triển văn hóa, xây dựng con người” và có phần ngạc nhiên là, có đến khoảng ba phần tư nội dung (rõ hơn là khoảng trên dưới 40 đoạn) được chuyển dịch từ Nghị quyết 33 sang Dự thảo này. Lấy những kết luận mới nhất trong Nghị quyết 33 làm điểm tựa để xác định phương hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người là đúng, song hai văn bản đó về cơ bản không thể là một, hoặc Dự thảo chỉ là sự rút gọn Nghị quyết 33. Nghị quyết 33-NQ/TW là nghị quyết chuyên đề về văn hóa, giống như Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII - 1998) xác định quan điểm chỉ đạo, phương hướng và nhiệm vụ có tính chiến lược, lâu dài ít ra phải thực hiện trong 20 - 25 năm. (Xin lưu ý: Tổng kết sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) chúng ta đã thẳng thắn chỉ ra còn nhiều nội dung chưa thực hiện tốt). Chuyển dịch hầu hết các nội dung của Nghị quyết 33 vào Dự thảo này, không nghĩ tới đặc thù của báo cáo chính trị nhằm chủ yếu xác định nhiệm vụ 5 năm tới (2016 - 2020) làm cho Dự thảo đúng mà chưa trúng vì thiếu tính lịch sử - cụ thể, tính thực tiễn và tính khả thi. Một thí dụ nhỏ nhưng cực kỳ quan trọng và sâu sắc, phải kiên trì làm trong nhiều năm, phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị, toàn xã hội, đặc biệt là ngành giáo dục, đào tạo là làm cho “mọi người Việt Nam đều hiểu sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc”. Nội dung trên trong Nghị quyết 33 được lặp lại trong Dự thảo. 5 năm tới, làm sao có thể làm xong được công việc to lớn đó. Trong sự chuyển dịch trên, có nhiều đoạn là nguyên văn, có đoạn cắt bớt một vài ý, và có cả những đoạn cắt bớt ở Nghị quyết 33, song lại dẫn tới lệch nhau trong đánh giá. Thí dụ: Nghị quyết 33 đánh giá “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng”. Đó là thái độ nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật. Thế nhưng trong Dự thảo lại “điều chỉnh” là: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng… chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”. Phải chăng, cách đánh giá này là sự “né tránh”. (Xin lưu ý, cũng trong Dự thảo, phần “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh…”, đánh giá thực trạng trên lại lùi một bước nữa: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị… bước đầu được ngăn chặn, nhưng chưa bị đẩy lùi”. Tôi nghĩ rằng, đánh giá của Nghị quyết 33-NQ/TW là đúng, trúng, vì vậy không nên để lệch pha nhau trong cùng các văn kiện của Đảng, càng không nên lùi dần, nhẹ dần, né tránh sự thật!
Như vậy, cần phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện Dự thảo phần “phát triển văn hóa, xây dựng con người” để bảo đảm yêu cầu riêng của Báo cáo Chính trị, tăng tính thực tiễn, cụ thể, khả thi để toàn Đảng, toàn dân phấn đấu thực hiện. Theo thiển nghĩ của mình, tôi xin góp một số ý sau:
Không phải là chuyển dịch nội dung Nghị quyết 33 vào Dự thảo, mà thực chất công việc phải là chọn lọc, vận dụng những quan điểm chỉ đạo, định hướng phát triển và bảy nhiệm vụ lâu dài đã được xác định trong Nghị quyết trên, từ đó cụ thể hóa các nhiệm vụ có tính thực tiễn phải triển khai và thực hiện trong 5 năm tới. Đây là nhiệm vụ chính của công việc xây dựng Dự thảo Báo cáo Chính trị, cần sự am hiểu sâu sắc thực tiễn văn hóa và dự báo trúng các nhiệm vụ về văn hóa xuất phát từ các yêu cầu chung của sự phát triển bền vững đất nước 5 năm tới.
Xin thử đề xuất một số nội dung.
Nghị quyết 33, trong phần “mục tiêu cụ thể” và nhiệm vụ số 1 của văn hóa là “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam”, “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”, thì 5 năm tới, từ mục tiêu và phương hướng lớn trên, có lẽ chỉ có thể làm được ba nhiệm vụ sau: Một là, nghiên cứu, xây dựng các chuẩn mực văn hóa cho các đối tượng cụ thể (trong hệ thống chính trị, cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội, các ngành nghề, các giới, các lứa tuổi…) và kiên trì xây dựng cơ chế để tổ chức triển khai thực hiện các chuẩn mực đó có hiệu quả cụ thể (vừa qua, ta đã làm ở một số nơi, nhưng nhiều nơi rơi vào khẩu hiệu, chủ nghĩa hình thức. Thí dụ, tôi có hỏi một số cán bộ của một ban Đảng, các chuẩn mực văn hóa được thông qua của cơ quan bạn là gì, thì nhiều người đều không nhớ, có người còn không biết, mặc dầu tại trụ sở cơ quan đó, có một bảng hoành tráng ghi rất đậm các tiêu chuẩn đó).
Hai là, xây dựng cơ chế, chế tài, giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, biến chất, thoái hóa, không để nó “gia tăng” trong 5 năm tới. Công việc này vô cùng phức tạp và khó khăn, nhưng phải làm, nếu không, chúng ta không lường hết được tác hại của nó, như Nghị quyết Trung ương 4 đã thẳng thắn chỉ ra.
Và ba là, kiên trì tổ chức đấu tranh chống cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu trong xã hội để từng bước đẩy lùi chúng, tạo điều kiện cho các nhân tố mới phát triển.
Một nội dung khác trong Nghị quyết 33 là làm cho “mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc”, thì trong 5 năm tới, cần cụ thể hóa yêu cầu rất cao này và từ thực tiễn, có lẽ tập trung thực hiện yêu cầu đó chủ yếu đối với tuổi trẻ, thanh niên, học sinh, sinh viên. Toàn xã hội và đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội, ngành giáo dục phải tạo bước đột phá mới hy vọng thực hiện được nội dung này trong 5 năm tới.
Một thí dụ khác, Nghị quyết 33 nêu một nhiệm vụ mới “phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa” với những yêu cầu rất cao, cần một thời gian rất dài mới làm được so với thực trạng của lĩnh vực này ở nước ta hiện nay. Không thể chuyển dịch nguyên xi các yêu cầu đó, nội dung đó vào Dự thảo, mà phải tính toán khoa học, cụ thể để xác định cái gì có thể và cần làm được, bởi vì khái niệm, nội hàm của công nghiệp văn hóa ở nước ta, đến nay, vẫn còn lờ mờ, chưa xác định rõ, còn thị trường các sản phẩm văn hóa đang rất tự phát, lộn xộn, chưa có giải pháp hữu hiệu để quản lý và phát triển. Do đó, yêu cầu, định hướng này của Nghị quyết 33 trong 5 năm tới, chỉ nên xác định một số nội dung thực tiễn, có tính khả thi như: nghiên cứu làm rõ nội hàm của công nghiệp văn hóa ở nước ta, xác định thế mạnh cần phát triển, tập trung thí điểm xây dựng một vài ngành công nghiệp văn hóa theo thế mạnh đó và có cơ chế, chế tài tổ chức lại và quản lý có hiệu quả thị trường các sản phẩm văn hóa.
Các nhiệm vụ khác, có lẽ, theo suy nghĩ có hạn của mình, tôi kiến nghị cũng cần đưa vào Dự thảo những nhiệm vụ có tính lịch sử - cụ thể, thực tiễn, khả thi, để tránh chỉ trình bày những định hướng có tính lâu dài, chiến lược như Dự thảo hiện nay.