Tháng 6 năm 1925, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhằm tập hợp những thanh niên yêu nước, tiến bộ, có xu hướng xã hội chủ nghĩa. Tổng bộ Thanh niên xuất bản tuần báo Thanh niên làm tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn công tác cách mạng. Đồng thời, đồng chí Nguyễn Ái Quốc mở các lớp huấn luyện chính trị nhằm bồi dưỡng các cán bộ hiểu biết những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chiến lược, sách lược cách mạng Việt Nam, phương pháp tuyên truyền, vận động quần chúng…
Khi ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin xuyên qua những lớp mây mù, rọi chiếu vào nước ta, từ cuối năm 1926, những thanh niên ưu tú nhất của tỉnh bắt đầu tiếp thu được chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cách mạng vô sản do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài truyền bá về. Tổng bộ Thanh niên cử người về nước tuyên truyền, vận động những thanh niên yêu nước, có nhiệt huyết sang Quảng Châu (Trung Quốc) huấn luyện rồi trở về nước tuyên truyền, gây cơ sở cách mạng. Cuối năm 1926, Nguyễn Hữu Căn (Phi Vân), Nguyễn Trọng Ngọc (Nam Hải) là hai thanh niên ở thị xã Phủ Lạng Thương được lựa chọn đưa sang huấn luyện chính trị tại Quảng Châu do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy. Kết thúc lớp học, Nguyễn Hữu Căn, Nguyễn Trọng Ngọc được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và trở về Bắc Giang tuyên truyền, tổ chức quần chúng vào Hội.
Tháng 3 năm 1928, Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phố Thùng Đấu được thành lập. Chi hội đã mở nhiều lớp huấn luyện ngắn ngày cho các hội viên, Nguyễn Hữu Căn, Nguyễn Trọng Ngọc đã đến giảng trong các lớp huấn luyện. Những kiến thức các anh học được ở Quảng Châu đã được truyền lại cho các hội viên, trang bị cho hội viên những kiến thức cơ bản về cách mạng. Chi hội đã đề ra kế hoạch mở rộng địa bàn hoạt động, phát triển cơ sở Hội, phát triển hội viên. Trong một thời gian ngắn, với sự hoạt động tích cực của các hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Chủ nghĩa Mác - Lênin đã được tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, hướng dẫn họ vùng lên đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng hàng đầu của công tác tuyên truyền cổ động. Ngày 1/8/1930, Ban cổ động và tuyên truyền của Đảng xuất bản tài liệu Ngày quốc tế đỏ, đã có ảnh hưởng to lớn đến các phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta.
Cuộc khủng bố trắng của địch bắt đầu từ cuối năm 1929, suốt năm 1930 và kéo dài sang cả năm 1931, đã phá vỡ hầu hết cơ sở cách mạng, toàn bộ Ban Tỉnh uỷ Đông Dương Cộng sản đảng và hầu hết đảng viên của Đảng bộ bị bắt. Phong trào cách mạng Bắc Giang tạm thời lắng xuống. Công tác tư tưởng của Đảng trong thời kỳ này là chống địch khủng bố trắng, tuyên truyền đường lối cách mạng, vận động và tập hợp quần chúng, khôi phục tổ chức cơ sở Đảng.
Tháng 4 năm 1930, cờ đỏ búa liềm tung bay trên cây đa trong trường học Cảnh Mỹ (Yên Dũng) và một số học sinh lớn tuổi của trường truyền tay nhau đọc tài liệu, sách báo tiến bộ. Đây là sự kiện có tiếng vang lớn, làm đau đầu bọn thống trị. Hưởng ứng chủ trương của Trung ương về tuyên truyền, cổ động cho cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1930), ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh và cuộc đấu tranh của nông dân huyện Tiền Hải (Thái Bình), Bình Lục (Hà Nam), đồng chí Dương Văn Phái đã cùng một số công nhân Nhà máy pháo Đáp Cầu và nhà máy giấy Cổ Mễ treo lá cờ đỏ búa liềm ở thị xã Bắc Ninh. Trên lá cờ có dòng chữ:
“Việt Nam Cộng sản đảng
Kỷ niệm cách mạng Nga thành công
Không được đụng đến anh em, chị em Nghệ Tĩnh, Thái Bình, Bình Lục”
Từ cuối năm 1936, phần lớn cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng ở cơ sở của tỉnh bị địch bắt cầm tù đã được trả lại tự do. Các đồng chí từ ngục tù đế quốc trở về đã tiếp thêm sức mạnh cho phong trào cách mạng của tỉnh. Phủ Lạng Thương đã trở thành điểm hẹn của các đồng chí cán bộ cách mạng trong và ngoài tỉnh. Ở Phủ Lạng Thương, các đồng chí đã sử dụng hiệu ảnh Vĩnh Thịnh của ông Nguyễn Trung Tẩy - một trí thức có cảm tình với cách mạng, ở phố Tân Ninh (1), làm địa điểm liên lạc của phong trào dân chủ tỉnh Bắc Giang, làm nơi phân phát sách báo, tài liệu của Đảng và Mặt trận dân chủ cho các địa phương trong tỉnh. Dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng tháng 7 năm 1936, các đồng chí cán bộ, đảng viên toả về các địa phương tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia vào các tổ chức công khai, hợp pháp như Hội ái hữu, Hội hiếu, Hội hỷ, Hội tập võ, Hội thợ cấy, Hội thợ cày, Hội đọc sách báo… Từ những tổ chức này, Đảng đã tuyên truyền giáo dục và huy động được đông đảo quần chúng ra đấu tranh với những hình thức thích hợp. Đầu năm 1937, Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp cử đại sứ lao công Giuytxanh Gôđa sang điều tra tình hình Đông Dương. Đảng ta chủ trương nhân cơ hội này vận động quần chúng đấu tranh đòi ân xá hoàn toàn chính trị phạm, bãi bỏ thuế thân, tự do ngôn luận, tự do lập nghiệp đoàn… Các đồng chí lãnh đạo phong trào tỉnh Bắc Giang đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi chủ trương của Đảng trong các tầng lớp nhân dân và cử một đoàn đại biểu về Hà Nội tham gia cuộc mít tinh đón Giuytxtanh Gôđa.
Cũng trong thời kỳ này, các đồng chí cán bộ, đảng viên còn tuyên truyền tổ chức các cuộc quyên góp ủng hộ cuộc đình công của công nhân Nhà máy sợi Nam Định, Nhà máy chai Hải Phòng… Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tình đoàn kết giữa giai cấp công nhân Hà Nội với giai cấp nông dân Bắc Giang nhân việc một đoàn đại biểu của anh em công nhân Hà Nội lên thăm hỏi và cứu tế cho bà con huyện Lục Ngạn sau vụ lụt năm Đinh Sửu (1937). Tuyên truyền, vận động đông đảo quần chúng tham gia phong trào quyên góp ủng hộ các báo chí tiến bộ như Dân chúng, Tin tức, Lao động…Nhân ngày Quốc tế lao động 1/5/1938, Đảng ta tổ chức một cuộc mít tinh lớn ở nhà Đấu Xảo (Hà Nội) để biểu dương lực lượng, tập hợp quần chúng. Những cán bộ, đảng viên trong tỉnh đã được cử đi tuyên truyền ngày Quốc tế lao động, mở rộng cơ sở và tuyển chọn người đi dự mít tinh ở Hà Nội.
Cuộc mít tinh ngày 1 tháng 5 năm 1938 tại khu Đấu Xảo, Hà Nội, có đoàn đại biểu các tổ chức quần chúng cách mạng Bắc Giang tham dự
Do ảnh hưởng của báo chí cách mạng và phong trào đấu tranh của công nông dưới sự lãnh đạo của Đảng đang lên cao, một số trí thức và công chức tiến bộ của tỉnh đã tập hợp lại, thành lập ra nhóm Hiện thực ở Phủ Lạng Thương và chủ trương ra tờ báo lấy tên là Hiện thực nhằm phản ánh đời sống của các tầng lớp nhân dân dưới chế độ thống trị của thực dân Pháp. Trào lưu văn hoá cách mạng theo ý thức hệ vô sản đang hình thành và có bước phát triển. Một số nhà giáo, nhà thơ chịu ảnh hưởng của phong trào dân chủ đã đứng về phía cách mạng. Các giáo viên trường Tinh Hoa ở Phủ Lạng Thương lập ra Câu lạc bộ văn chương tập hợp được gần hai mươi nhà thơ, nhạc sĩ như Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Hoàng Cầm… tổ chức các đêm ngâm thơ, bình văn tuyên truyền cho chủ nghĩa yêu nước và tinh thần cách mạng của nhân dân ta. Hoạt động được một thời gian, công sứ Bắc Giang phát hiện thấy có bàn tay cộng sản nên ra lệnh cấm hoạt động.
Cuối năm 1937, Đảng ta chủ trương phát động phong trào truyền bá quốc ngữ nhằm chống lại chính sách ngu dân của thực dân Pháp, giúp nhân dân lao động thoát nạn mù chữ, để có thể đọc được sách báo, nâng cao sự hiểu biết về chính trị và cách mạng. Hưởng ứng chủ trương của Đảng, các đồng chí lãnh đạo phong trào dân chủ tỉnh Bắc Giang vận động một số giáo viên và công chức Phủ Lạng Thương đứng ra lập chi nhánh Hội truyền bá quốc ngữ tỉnh Bắc Giang. Đầu năm 1938, chi nhánh Hội truyền bá quốc ngữ tỉnh Bắc Giang được thành lập, trụ sở đặt tại trường tiểu học Kiêm bị nữ sinh (trường con gái). Thông qua Hội truyền bá quốc ngữ, chúng ta đã tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng tới đông đảo quần chúng nhân dân, tập hợp, tổ chức nhân dân vào các hội quần chúng, từng bước đưa nhân dân vào con đường tranh đấu.
Nhờ những hoạt động tích cực trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị, những chiến sĩ cộng sản trong tỉnh đã quy tụ lại. Cuối năm 1938, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã thành lập ra chi bộ Phủ Lạng Thương. Lúc này tỉnh Bắc Giang chưa có ban lãnh đạo, nên chi bộ Phủ Lạng Thương phân công đảng viên của mình về các địa phương tuyên truyền cách mạng, gây dựng phong trào, mở rộng cơ sở. Chỉ trong hơn hai năm (từ năm 1937 đến giữa năm 1939), nhờ có đường lối đúng đắn của Đảng và đặc biệt là công tác tuyên truyền giáo dục tích cực của cán bộ đảng viên phong trào cách mạng trong tỉnh đã dần dần hồi phục và phát triển. Các cán bộ, đảng viên của Đảng đã nhận thức đúng đắn, vận dụng linh hoạt sáng tạo đường lối, chủ trương, chính sách mới của Đảng, giác ngộ và tập hợp được các tầng lớp nhân dân, kể cả tầng lớp trung gian và một bộ phận tầng lớp trên vào hàng ngũ cách mạng.
Cuối tháng 4 năm 1939, tại Cầu Trình, xã Bảo Đài, phủ Lục Ngạn (nay là xã Bảo Đài, huyện Lục Nam), chi bộ Phủ Lạng Thương tổ chức mít tinh có gần 400 người tham dự. Tại cuộc mít tinh, cán bộ ta diễn thuyết, lên án bọn phản động thuộc địa, hô hào quần chúng đấu tranh đòi thả hết nhân viên toà soạn báo Dân chúng, giảm thuế, tự do lập hội, tăng tiền công cày, bừa…Cũng vào thời gian này, truyền đơn, áp phích được rải và dán ở chợ Buộm, chợ Đồn, làng Thanh Rã (phủ Lục Ngạn, nay thuộc huyện Lục Nam), làng Hoàng Liên, ấp Ba huyện (Hiệp Hoà) và Phủ Lạng Thương… đòi giảm thuế, chống bọn cường hào áp bức, bóc lột, chống phản động thuộc địa, chống chiến tranh. Trước sự khủng bố điên cuồng của địch, Đảng ta đã chỉ thị cho các cấp uỷ Đảng và cán bộ, đảng viên hoạt động công khai, hợp pháp phải mau chóng rút vào bí mật, phải duy trì cơ sở ở thành thị, đồng thời chuyển trọng tâm công tác về nông thôn, biến nông thôn thành căn cứ địa rộng lớn của cách mạng. Chi bộ Phủ Lạng Thương đã phổ biến chủ trương của Trung ương và lãnh đạo các tổ chức quần chúng, các cơ sở chuyển vào hoạt động bí mật.
Trước sự chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước, từ ngày 6 đến 8/11/1939, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ sáu để phân tích tình hình, đề ra nhiệm vụ cho cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Chi bộ Phủ Lạng Thương đề ra nhiệm vụ phải đi sâu tuyên truyền, phổ biến nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng trong giai đoạn này là đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Đồng thời phải thay đổi các hình thức tổ chức đấu tranh, phương pháp cách mạng, công tác xây dựng Đảng cho phù hợp với sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng. Đảng bộ Bắc Giang được Xứ uỷ giao nhiệm vụ phải nhanh chóng củng cố vùng Hiệp Hoà thành một khu cơ sở liên hoàn, vững chắc có thể đảm bảo an toàn cho các cơ quan, các lớp huấn luyện của Xứ uỷ và Trung ương, đồng thời giữ vững đường dây liên lạc với căn cứ Võ Nhai (Thái Nguyên). Thực hiện chủ trương của Đảng và nhiệm vụ Xứ uỷ giao, Ban cán sự Đảng tỉnh đã đề ra nhiệm vụ của Đảng bộ lúc này là:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, của Mặt trận Việt Minh kết hợp với việc ổn định tinh thần quần chúng.
- Phục hồi và củng cố các cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng, trước hết là cơ sở vùng Hiệp Hoà, Phú Bình, Phổ Yên, đồng thời phát triển cơ sở mới một cách thận trọng, tránh bộc lộ lực lượng. Chuyển các tổ chức phản đế sang cứu quốc, lập Mặt trận Việt Minh.
- Củng cố và duy trì đường dây giao thông liên lạc bí mật của Xứ uỷ từ Hiệp Hoà đi căn cứ Võ Nhai.
- Chống địch khủng bố.
Từ đầu năm 1941, Ban cán sự Đảng tỉnh tập trung củng cố cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng ở khu vực thượng huyện Hiệp Hoà và các địa phương tiếp giáp thuộc các huyện Phổ Yên và Phú Bình.
Tháng 1 năm 1941, Ban Cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang ra tờ báo “Phục Quốc” do đồng chí Trần Quốc Tuân- Trưởng ban cán sự Đảng tỉnh trực tiếp phụ trách. Báo in li- tô trên giấy khổ nhỏ (18 cm X 21 cm) ra mỗi kỳ 50 bản được phát hành bí mật trong cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng, báo có nhiệm vụ phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, kêu gọi quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, ủng hộ khởi nghĩa Bắc Sơn, nam Kỳ, vạch mặt những âm mưu của thực dân Pháp, Phát xít Nhật và bọn tay sai phản cách mạng. Cuối tháng 3 năm 1941, do khó khăn về tài chính và bị địch khủng bố, truy lùng, báo phải dừng hoạt động. Tuy dùng hoạt động và hoạt động trong thời gian ngắn nhưng báo là cơ quan ngôn luận đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, đây cũng là hình thức tuyên truyền mới và hiệu quả nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.
Theo chủ trương của Ban cán sự Đảng tỉnh, để tránh địch khủng bố, mọi hoạt động phải hết sức giữ bí mật, không phô trương lực lượng, không tổ chức những cuộc mít tinh rầm rộ, hội họp đông người, mà chủ yếu đi sâu tuyên truyền đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc của Đảng, giới thiệu chương trình, điều lệ Mặt trận Việt Minh, vận động quần chúng gia nhập các đoàn thể Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc. Căn cứ vào tình hình thế giới và tình hình trong nước đang chuyển biến mạnh, Hội nghị Ban cán sự Đảng tỉnh họp tháng 3 năm 1943 đề ra chủ trương tiếp tục mở rộng cơ sở xuống phía Nam huyện Hiệp Hoà, dọc đường 13B lên Lục Nam, Lục Ngạn, đồng thời đề ra nhiệm vụ công tác tuyên truyền, huấn luyện:
- Kết hợp việc củng cố và mở rộng cơ sở với công tác tuyên truyền vạch trần những thủ đoạn áp bức, bóc lột của địch như mua thóc tạ, nhổ lúa trồng đay, trồng thầu dầu…
- Mở các lớp huấn luyện 10 điểm chương trình Việt Minh cho quần chúng, các lớp huấn luyện quân sự kết hợp với chính trị cho cán bộ, đảng viên.
Hội nghị nhấn mạnh: Phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động quần chúng tham gia vào các đoàn thể cứu quốc, từng bước đưa quần chúng ra đấu tranh từ thấp đến cao, từ những mục tiêu kinh tế tiến lên các mục tiêu chính trị. Chủ trương của Ban cán sự Đảng tỉnh đã được cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ quán triệt sâu sắc. Ngoài các hình thức rải truyền đơn, dán áp phích, căng khẩu hiệu… các hình thức đấu tranh đã phong phú hơn, số lượng quần chúng tham gia đông hơn.
Ngày 27 tháng 9 năm 1943, tại đình làng Thanh Vân (Hiệp Hoà), Ban cán sự tỉnh tổ chức mít tinh kỷ niệm 3 năm ngày nổ ra cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940 - 27/9/1943), có trên 100 người tham dự. Tại cuộc mít tinh, cán bộ Việt Minh lên diễn thuyết, nêu bật tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân và dân Bắc Sơn trong 3 năm qua, hô hào quần chúng gia nhập Mặt trận Việt Minh, sắm sửa vũ khí, luyện tập quân sự, chuẩn bị lực lượng, đón thời cơ vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền.
Tháng 10 năm 1943, tại Đồng Điều (Yên Thế, nay thuộc Tân Yên), Ban cán sự Đảng tỉnh tổ chức mít tinh kỷ nhiệm Bắc Sơn khởi nghĩa, có trên 50 người dự. Nhân dịp kỷ niệm Ngày chống chiến tranh đế quốc (1/8), đêm 31/7/1944, truyền đơn, áp phích đã xuất hiện trên nhiều đường phố thị xã Phủ Lạng Thương với các khẩu hiệu:
- Đả đảo Nhật, Pháp !
- Đả đảo chiến tranh phát xít !
- Ủng hộ Việt Minh !
Lần đầu tiên hoạt động kỷ niệm nhân các sự kiện lịch sử nhằm kêu gọi, tập hợp quần chúng quần chúng đã được thực hiện đã góp phần làm cho đông đảo quần chúng ngả theo cách mạng, nhận rõ kẻ thù và con đường làm cách mạng.
Cuộc đấu tranh có quy mô lớn, với số lượng người tham gia đông là cuộc tuyên truyền xung phong tại đền Kiếp Bạc vào ngày rằm tháng tám năm Giáp Thân (1944). Ban cán sự Đảng tỉnh chủ trương: Nhân ngày lễ đền Kiếp Bạc có nhiều khách thập phương tới lễ hội, ta tổ chức rải truyền đơn, diễn thuyết nhằm vạch trần chính sách áp bức bóc lột của thực dân Pháp và phát xít Nhật, hô hào quần chúng tham gia Mặt trận Việt Minh. Các tổ công tác được lệnh chỉ rải truyền đơn và dán áp phích. Truyền đơn được rải ở các khu vực đền, trao tay cho khách đi trẩy hội, gài vào đồ lễ, giúi vào trong túi áo, túi quần một số lính địch. Truyền đơn và áp khích làm cả hội đền huyên náo, lính địch nhớn nhác, quần chúng vui mừng, bàn tán xôn xao. Câu chuyện Việt Minh rải truyền đơn, dán áp phích ở đền Kiếp Bạc được truyền đi khắp nơi, gây được ảnh hưởng chính trị rất lớn trong vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng cơ sở.
Tháng 7 năm 1944, chính quyền thực dân Pháp tỉnh Bắc Giang cho tổ chức thanh niên Pêtanh (một tổ chức do Pháp lập ra) cả tỉnh cắm trại ở sân vận động Phủ Lạng Thương. Chi bộ Hương Gián đã cử thanh niên đến dự trại và diễn vở kịch Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Mông Nguyên. Vở kịch đã làm thức dậy tinh thần yêu nước của thanh niên đang bị chính quyền thực dân ru ngủ bằng các hoạt động văn nghệ, thể thao, cắm trại…Các hoạt động tuyên truyền cách mạng đã có tác dụng cổ vũ tinh thần cách mạng của quần chúng, làm cho quần chúng tin tưởng vào sức mình, tin vào sự lãnh đạo của Đảng và càng tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Nhờ đó các nhiệm vụ của cách mạng đều được thực hiện đạt kết quả tốt.
Đêm 9 tháng 3 năm 1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính lật đổ thực dân Pháp, độc chiếm Đông Dương. Ngay đêm Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng để nhận định tình hình và đề ra chủ trương mới. Hội nghị chủ trương: “Phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa”. Hội nghị quyết định đổi mới mọi hình thức tuyên truyền tổ chức và đấu tranh cho thích hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa, nhằm động viên mau chóng quần chúng lên đường tranh đấu, tập dượt cho quần chúng tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền. Muốn thế phải tuyên truyền mạnh bạo hơn như tuyên truyền xung phong có vũ trang, diễn thuyết xung phong; chuyển sang những hình thức đấu tranh cao hơn như biểu tình tuần hành; bãi công chính trị; dựa vào nạn đói mà huy động quần chúng biểu tình phá kho thóc của Nhật; thành lập các ban xung phong đi gây cơ sở ở nơi chưa có phong trào, xây dựng các đội tự vệ cứu quốc, đội du kích, sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa khi có điều kiện. Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng ra Chỉ thị: “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và đề ra khẩu hiệu hành động: “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói”..
Ngay tối 12 tháng 3 năm 1945, các đồng chí Lê Thanh Nghị - Đặc phái viên của Trung ương và Nguyễn Trọng Tỉnh – Trưởng ban cán sự Đảng tỉnh, Trưởng ban công tác đội của An toàn khu II từ Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã về tỉnh Bắc Giang để tuyên truyền phổ biến và tổ chức thực hiện, đưa phong trào cách mạng trong tỉnh bước vào một thời kỳ mới. Nhằm phát động cao trào cách mạng trong vùng bùng lên mạnh mẽ hơn, ngày 15/3/1945, đồng chí Lê Thanh Nghị và Nguyễn Trọng Tỉnh tổ chức một cuộc tuyên truyền xung phong tại chợ Vân (tổng Hoàng Vân, Hiệp Hoà). Giữa phiên chợ đông, các đồng chí đứng lên diễn thuyết phân tích tình hình thế giới, tình hình trong nước, chỉ ra kẻ thù của nhân dân ta lúc này là phát xít Nhật, hô hào quần chúng vùng dậy lật đổ chính quyền tay sai của địch.
Trong các ngày 16, 17 tháng 3 năm 1945, Ban Cán sự tỉnh Bắc Giang họp tại làng Đồng Điều (Yên Thế). Dự hội nghị có đồng chí Lê Thanh Nghị, đặc phái viên của Trung ương. Sau khi kiểm điểm tình hình phong trào cách mạng trong tỉnh, phân tích những diễn biến từ sau ngày Nhật đảo chính Pháp và nghe đồng chí Lê Thanh Nghị phổ biến Nghị quyết Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, Hội nghị quyết định phát động cao trào kháng Nhật cứu nước trong toàn tỉnh và đề ra những nhiệm vụ cấp bách.
- Phá các kho thóc của Nhật – Pháp chia cho dân để cứu đói.
- Chống địch thu thuế, thu thóc tạ, phá kế hoạch trồng đay, trồng thầu dầu của Nhật.
- Sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền xung phong để mở rộng cơ sở cách mạng vào phía bắc Phú Bình, Việt Yên, Lạng Giang, Yên Dũng, dọc quốc lộ 13B và vùng giáp Đông Triều (nay thuộc Quảng Ninh).
- Đẩy mạnh việc huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ, đi đôi với việc tuyên truyền xung phong vạch trần thủ đoạn lừa bịp của Nhật.
Những chủ trương của Ban cán sự Đảng tỉnh đã nhanh chóng được phổ biến đến các chi bộ, các đoàn thể cứu quốc và nhân dân. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban cán sự Đảng tỉnh tháng 3 năm 1945, đồng chí Hoàng Hà Châu được phân công tuyên truyền giáo dục và xây dựng mở rộng cơ sở cách mạng từ phố Lục Nam theo quốc lộ 13B lên Chũ. Cuối tháng 3 năm 1945, Ban cán sự Đảng tỉnh thành lập đội vũ trang tuyên truyền phủ Lục Ngạn gồm 15 người. Sau khi được huấn luyện chính trị và quân sự tại làng Gàng, đội đã đi sâu vào hoạt động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tuyên truyền, vận động quần chúng gia nhập Mặt trận Việt Minh, chống Nhật cứu nước. Đội còn tham gia tiễu phỉ, bảo đảm tính mạng và tài sản của nhân dân. Các hoạt động tuyên truyền cách mạng có hiệu quả to lớn, cơ sở Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc đã được xây dựng ở nhiều làng, bản trong phủ. Một số hào lý đã gia nhập Việt Minh hoặc các đoàn thể cứu quốc, một số không tham gia thì ủng hộ tiền, gạo… Bộ máy thống trị của địch từ phủ đến tổng, xã đang hoang mang, tan rã, không còn hiệu lực, Mặt trận Việt Minh đứng ra giải quyết các công việc.
Ở Yên Dũng, Ban cán sự Đảng tỉnh thành lập hai đội tuyên truyền xung phong để mở rộng cơ sở xuống phía nam. Đội thứ nhất hoạt động ở tổng Phấn Sơn, đội thứ hai hoạt động ở khu Ba Tổng. Chỉ trong một thời gian ngắn, các đoàn thể cứu quốc, Mặt trận Việt Minh, các đội tự vệ lần lượt được thành lập ở các địa phương. Ta liên tục tổ chức các cuộc mít tinh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Mặt trận Việt Minh, hô hào quần chúng đấu tranh chống Nhật bắt phá lúa trồng đay, trồng thầu dầu, chống cân thóc tạ…
Ở thị xã Phủ Lạng Thương, ta đã tuyên truyền gây được cơ sở vào công nhân xưởng sửa chữa xe lửa, nhà máy nước, công chức, binh lính, học sinh, tiểu thương.
Đối với các huyện miền núi, Ban cán sự Đảng tỉnh đề ra chủ trương:
- Khẩn trương xây dựng các đoàn thể cứu quốc, Mặt trận Việt Minh, các đội tự vệ, các đội tuyên truyền xung phong… khuyếch trương lực lượng để áp đảo địch.
- Kêu gọi các dân tộc đoàn kết cùng nhau chống Nhật.
- Tranh thủ đào tạo cán bộ dân vận, trước tiên là cán bộ Hoa vận.
Tháng 4 năm 1945, ta bắt liên lạc với Lầm Trúng, đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc sang gây cơ sở trong đồng bào Hoa ở vùng Lục Ngạn, Sơn Động. Đó là một thuận lợi cho sự mở rộng cơ sở cách mạng vào đồng bào Hoa của ta. Từ khi ta liên lạc được với Lầm Trúng, công tác tuyên truyền cách mạng của Ban cán sự Đảng tỉnh đạt kết quả tốt trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, đông đảo đồng bào Hoa ở Lục Ngạn, Sơn Động đã dần dần đi theo cách mạng.
Ở Hiệp Hoà, lực lượng và phong trào cách mạng tiếp tục phát triển mạnh mẽ và vững chắc, được sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, ngày 8 tháng 5 năm 1945, tại Quế Sơn, xã Thái Sơn, Ban cán sự Đảng tỉnh đã tổ chức Hội nghị đại biểu các xã bầu ra Uỷ ban Dân tộc Giải phóng huyện Hiệp Hoà và quyết định lấy ruộng đất của đồn điền Cọ và Vát chia cho nông dân thiếu ruộng. Nội dung hội nghị, nhất là quyết định tạm chia ruộng đất của đồn điền Cọ và Vát cho nông dân thiếu ruộng nhanh chóng được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các địa phương, đã cuốn hút hàng ngàn, hàng vạn nông dân đi theo Đảng, lên đường tranh đấu. Được sự chỉ đạo của Ban cán sự Đảng tỉnh, ngày 1 tháng 6 năm 1945, lực lượng cách mạng huyện Hiệp Hoà khởi nghĩa giành chính quyền huyện thành công.
Từ đầu tháng 6 năm 1945, Hội nghị đã thành lập Ban Chấp hành Đảng bộ thay cho Ban cán sự. Từ cuối tháng 6 năm 1945, phong trào cách mạng trong tỉnh đã trở thành cao trào, nhiều nơi đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi như ở Việt Yên, Yên Dũng, Lục Ngạn...Tỉnh ủy đã chỉ đạo thành lập Đội vũ trang tuyên truyền ở phủ Lục Ngạn. Ở Yên Thế, Tỉnh uỷ cũng tổ chức một Đội vũ trang tuyên truyền đi vào các bản thuộc vùng thượng huyện tuyên truyền, giải thích đường lối, chủ trương của Đảng, vận động đồng bào các dân tộc gia nhập các đoàn thể cứu quốc, Mặt trận Việt Minh, bài trừ các hủ tục lạc hậu. Được giải thích, đồng bào các dân tộc phấn khởi, hăng hái tham gia vào các đoàn thể cứu quốc, vào Mặt trận Việt Minh.
Giữa tháng 8 năm 1945, thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh Bắc Giang và cả nước đã chín muồi. Nắm chắc cơ hội ấy, ngày 18 tháng 8 năm 1945, lực lượng cách mạng tỉnh Bắc Giang vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh thành công. Do làm tốt công tác tuyên truyền, binh vận, hầu hết các cuộc khởi nghĩa không xảy ra đổ máu, ta giành chính quyền một cách nhanh gọn. Ngay sau các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền từ cơ sở đến cấp tỉnh thành công, Đảng bộ tỉnh đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục thu phục được nguỵ quyền, nguỵ quân, ổn định đời sống xã hội, tiếp tục đưa phong trào cách mạng tiến lên.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, trong quá trình lãnh đạo vận động cách mạng giải phóng quê hương, góp phần giải phóng dân tộc, Đảng bộ xác định đúng vị trí công tác tuyên truyền cổ động là vũ khí quan trọng có tính quyết định, công tác tuyên truyền tuy chưa hình thành bộ phận riêng nhưng luôn đồng hành trong từng hoạt động cách mạng, làm cho quần chúng Nhân dân nhận rõ kẻ thù, giác ngộ con đường đấu tranh cách mạng theo đường lối của Đảng Cộng sản, không ngừng phát triển cơ sở cách mạng tạo thành thế liên hoàn và khi có thời cơ với sức mạnh bạo lực chính trị của quần chúng khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong tháng Tám năm 1945.
-----------------------------
(1)- Nay là phố Quang Trung.
Tiến sĩ Sử học Ngô Văn Cường
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY BẮC GIANG
Địa chỉ: Số 8 Hoàng Văn Thụ, phường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Bắc Giang, Bắc Giang
Thường trực CQ: (0240)3.854.367 - Fax: (0240)3.851.733
Email: tuyengiao@bacgiang.gov.vn Website: www.tuyengiao.bacgiang.gov.vn