Với vai trò to lớn cùng với những giá trị sâu sắc, đặc biệt của cuộc khởi nghĩa, hệ thống di tích khởi nghĩa Yên Thế đã được Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 công nhận Di tích lịch sử "Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế" là Di sản quốc gia đặc biệt.
Hệ thống khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế đến nay còn lưu lại nhiều dấu tích đậm nét trên địa bàn các huyện Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng của tỉnh Bắc Giang. Đó là những dấu tích về những công trình kiến trúc cổ (đình, chùa, đền, miếu, có niên đại khởi dựng vào thời Lê thế kỷ 17- 18 và thời Nguyễn thế kỉ thứ 19 đầu 20) cùng các địa điểm đồn lũy tạo thành hệ thống đồn lũy liên hoàn. Những di tích này có giá trị đặc biệt lưu lại những dấu ấn quan trọng của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Mỗi di tích trong hệ thống di tích về cuộc khởi nghĩa Yên Thế đều phản ánh trực tiếp quá trình xây dựng lực lượng, tổ chức chiến đấu của nghĩa quân từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến. Hiện nay, nhiều điểm trong hệ thống di tích hàng năm thu hút lượng lớn du khách đến tham quan tìm hiểu đặc biệt trong dịp lễ hội Yên Thế.
Di tích gắn với hệ thống đồn lũy của cuộc khởi nghĩa Yên Thế
Đồn Phồn Xương
Đồn Phồn Xương thuộc thị trấn Cầu Gồ huyện Yên Thế, cách thành phố Bắc Giang khoảng 27 km về phía Bắc. Xưa kia, Đồn nằm trêm một ngọn đồi xung quanh là những cánh rừng rậm rạp. Đồn được xây dựng trong hai năm 1895- 1895. Đồn có bình đồ kiến trúc gần giống hình chữ nhật chạy dọc theo hướng Bắc-Nam gồm 2 vòng thành, với 3 cổng. Đồn được bố trí ngoài cùng là các bốt gác, tiếp theo là các đồn phụ, hệ thống giao thông hào, rồi đến các vòng tường thành bao bọc hệ thống nhà ở, nhà khách, nhà kho… Với lối kiến trúc đặc biệt đồn Phồn Xương không chỉ là một thành trì tác chiến mà còn đáp ứng được yêu cầu là một sở chỉ huy, nơi giao dịch nghĩa quân đồng thời cũng là nơi diễn ra những khung cảnh sinh hoạt của nghĩa quân vang dội một thời. Có thể nói đồn Phồn Xương chính là thủ phủ của cuộc Khởi nghĩa Yên Thế. Tại đây nghĩa quân đã chiến đấu dũng cảm chống lại cuộc tiến công trên quy mô lớn của thực dân Pháp do Đại tá Vát- tay chỉ huy. Hiện tại, những công trình phần lớn đã bị phá hủy chỉ còn lại những vết tích một thời.
Hình ảnh khu vực đồn Phồn Xương
Trong thành hiện có đền thờ Bà Ba ( vợ Ba đề Thám) và đặt tượng thờ Hoàng Hoa Thám. Hàng năm, vào ngày 16 tháng 3 lễ hội Yên Thế được diễn ra long trọng tại khu vực này.
Ngoài đồn Phồn Xương hiện còn có đồn Hố Chuối (xã Phồn Xương, huyện Yên Thế), đồn Hom (xã Tam Hiệp, huyện Yên Thế) đều là những địa danh lịch sử gắn với cuộc chiến đấu của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám năm xưa, tuy nhiên trải qua những thăng trầm của lịch sự và sự mài mòn của thời gian mà những vết tích này đến nay không còn chỉ còn hình dáng của một số vòng đồn xưa.
Di tích gắn với công trình kiến trúc cổ
Cụm di tích đình, chùa Hả
Cụm di tích đình, chùa Hả, xã Tân Trung (Tân Yên): Quê hương của Đề Nắm, vị thủ lĩnh đầu tiên của phong trào và là nơi Đề Nắm tế cờ khởi nghĩa ngày 15/3/1884 (đây là mốc thời gian mở đầu của Khởi nghĩa Yên Thế); Trong gần 10 năm chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai, Đề Nắm đã tập hợp và chỉ huy những người nông dân vùng Yên Thế đánh bại gần 1 vạn quân Pháp khiến chúng phải thừa nhận đây là bãi chiến trường và là nơi xảy ra những sự kiện quan trọng nhất trong xứ thuộc địa của chúng ở Viễn Đông.
Khu vực tiền sảnh chùa Hả
Đình Dĩnh Thép
Đình Dĩnh Thép, nằm cách thành phố Bắc Giang khoảng 31 km về phía Tây Bắc, thuộc xã Tân Hiệp (Yên Thế). Đến nay, ngôi đình không chỉ là một di tích đóng vai trò là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của địa phương mà còn là địa danh ghi dấu thời điểm củng cố lại tổ chức của nghĩa quân Yên Thế năm xưa với sự kiện Đại hội để bầu ra thủ lĩnh lãnh đạo cuộc khởi nghĩa năm 1888; nơi diễn ra cuộc trao trả tù binh, nghĩa quân Đề Thám nhận tiền chuộc là 15 hòm bạc trắng (tương đương 15.000 frăng) và trả tự do cho Sécnay-một đại địa chủ kiêm thầu khoán, chủ bút báo Tương lai xứ Bắc Kỳ và nhân viên đi theo Lôgiu. Hiện nay di tích được tu sửa tôn tạo khang trang gồm ba gian hai chái, tòa tiền đình nối hậu cung, hai gian tạo bình đồ kiến trúc kiểu chữ đinh. Trong đình thờ Cao Sơn, Quý Minh, Minh Giang Đô Thống, thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế tử trận.
Tượng Hoàng Hoa Thám tại khu vực sân đình Dĩnh Thép
Đền Thề
Nằm trong cụm di tích trung tâm của hệ thống di tích, đền Thề, thị trấn Cầu Gồ (Yên Thế) là nơi hàng năm làm lễ cầu siêu cho các nghĩa sĩ và là nơi tế cờ trước mỗi lần xuất quân của Hoàng Hoa Thám năm xưa. Hiện nay di tích là một điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến với Yên Thế.
Đền Thề
Chuà Lèo
Chùa Lèo thuộc xã Phồn Xương, Yên Thế. Trong cuộc khởi nghĩa năm xưa ngôi chùa là trạm tiền tiêu, quan sát đồng thời là cơ sở qua lại của nghĩa quân Yên Thế. Làng Lèo, chùa Lèo là những địa điểm mà thực dân Pháp chọn làm chốt điểm đóng quân, tạo bàn đạp tấn công vào đồn Hố Chuối (1890- 1891). Đây cũng là nơi gắn với truyền thuyết nhà sư chùa Lèo không ngần ngại hi sinh thân mình để cứu Hoàng Hoa Thám trước sự lùng bắt gắt gao của kẻ thù.
Quang cảnh chùa Lèo, xã Phồn Xương
Ngoài ra còn nhiều di tích khác nằm trong chuỗi hệ thống di tích khởi nghĩa Yên Thế như: Nhà Trưng bày cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế; Khu lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám, đình Đông, đình đền Cao Thượng, chùa Phố…
Quang cảnh đền thờ Hoàng Hoa Thám tại Khu lưu niệm Hoàng Hoa Thám