Một số kinh nghiệm trong công tác phát triển đảng viên trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng:28-09-2016
Tính đến 31/12/2015, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang có 77.354 đảng viên sinh hoạt ở 752 tổ chức cơ sở Đảng (trong đó có 354 đảng bộ cơ sở và 398 chi bộ cơ sở), có 4.509 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010- 2015, từ năm 2011 đến 31/12/2015, toàn tỉnh kết nạp được 13.832 đảng viên, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Chất lượng đảng viên kết nạp được nâng lên: Đảng viên có trình độ học vấn THPT là 92,3%, chuyên môn cao đẳng, đại học trở lên là 53,8%, trong đó thạc sỹ là 204 đảng viên bằng 1,5% đảng viên mới kết nạp. Đảng viên kết nạp là đoàn viên, thanh niên (68,9%); nữ (47%); dân tộc thiểu số (11,3%); nông dân (28,9%), trong các doanh nghiệp (9,5%).
Ảnh minh họa
Đạt được kết quả trên, trong những năm qua công tác bồi dưỡng tạo nguồn, phát triển đảng viên gắn với nâng cao chất lượng đảng viên được các cấp ủy quan tâm, là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên, có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng đảng, bảo đảm sự kế thừa, phát triển, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Thực tế công tác phát triển đảng viên thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, các cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên có trách nhiệm trong việc tuyên truyền, giáo dục, phát hiện, tạo nguồn bồi dưỡng phát triển đảng viên; coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Gắn trách nhiệm của bí thư chi bộ trong công tác phát triển đảng viên; đưa việc kết nạp đảng viên là một trong những tiêu chí thi đua và xét duyệt chi, đảng bộ trong sạch, vững mạnh hằng năm.
Hai là, các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đoàn thể hoạt động. Các đoàn thể cần tăng cường tập hợp, giáo dục đoàn viên, hội viên; rà soát, nắm chắc số lượng, chất lượng đoàn viên, hội viênđể phát hiện những nhân tố có khả năng, triển vọng, từ đó tạo nguồn phát triển đảng viên là hội viên, đoàn viên của các đoàn thể chính trị- xã hội.
Ba là, cấp uỷ cấp huyện xây dựng kế hoạch kết nạp đảng viên ở địa phương, đơn vị; quan tâm kết nạp vào Đảng những quần chúng ưu tú trong nông thôn và các doanh nghiệp, là học sinh, sinh viên; hướng dẫn cấp uỷ cơ sở xây dựng và triển khai kế hoạch kết nạp đảng viên. Đặc biệt, đối với các thôn, bản chưa có chi bộ riêng, đảng ủy xã cử các đảng viên có kinh nghiệm, am hiểu công tác ở địa phương làm hạt nhân gây dựng phong trào, tuyên truyền, bồi dưỡng, giáo dục quần chúng tạo nguồn phát triển đảng viên.
Bốn là, trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố và đội ngũ giáo viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng góp phần xây dựng niềm tin với Đảng, tạo nên ý chí, động lực, tinh thần trách nhiệm và nguyện vọng của các quần chúng ưu tú phấn đấu vào Đảng.
Năm là, chi bộ các trường THPT trên địa bàn cần tạo điều kiện thuận lợi để những đoàn viên ưu tú là học sinh giỏi được tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng nhằm nâng cao nhận thức chính trị, lập trường quan điểm, động cơ phấn đấu đúng đắn để các cấp ủy xem xét kết nạp vào Đảng theo đúng Hướng dẫn số 20-HD/BTCTU-TĐ.
Sáu là, thực hiện đúng quy trình, nguyên tắc, thủ tục kết nạp đảng viên; tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, giúp đỡ đảng viên dự bị để 100% đảng viên dự bị được công nhận đảng viên chính thức. Gắn trách nhiệm của đảng viên chính thức được phân công giúp đỡ đảng viên dự bị khi đảng viên dự bị không được công nhận thành đảng viên chính thức. Cấp ủy cấp trên thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cấp uỷ cơ sở trong việc thực hiện công tác phát triển đảng viên.