Nhiệm vụ công tác an toàn thực phẩm những tháng cuối năm 2016
Ngày đăng:09-09-2016
Những tháng đầu năm 2016, công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh có sự quan tâm tập trung cao trong công tác chỉ đạo, đã đạt được những kết quả bước đầu: Nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân được nâng lên; ý thức chấp hành của các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà hàng chế biến, các bếp ăn trong các trường mầm non, tiểu học và trong các khu công nghiệp được đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm; trên địa bàn không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm. Một số huyện, thành phố đã xây dựng được các mô hình theo chuỗi an toàn từ sản xuất đến chế biến và sử dụng. Công tác tuyên truyền trên báo, đài truyền thanh, truyền hình với chuyên mục “Nói không với thực phẩm bẩn”; công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng được tăng cường triển khai thực hiện một cách sâu rộng; một số cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt như: Công an tỉnh, Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; các huyện, thành phố: Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Thế, thành phố Bắc Giang, Lục Nam, Lục Ngạn,…
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tư tưởng chủ quan trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn vẫn còn khá phổ biến, nhất là cấp xã; việc phân công trong công tác quản lý ở cấp xã chưa rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; hướng dẫn của Sở Công thương còn có nội dung chưa sát thực tế, chưa khả thi; năng lực kiểm nghiệm ở cấp huyện, xã còn hạn chế do không có trang thiết bị cần thiết; kinh phí chi cho công tác an toàn thực phẩm ít, chưa có hướng dẫn cụ thể về việc chi từ kinh phí xử phạt vi phạm; số đơn vị được kiểm tra tỷ lệ vi phạm vẫn còn nhiều; việc thực hiện Kế hoạch số 1542/KH-UBND ngày 03/6/2016 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm” chưa được nghiêm túc…
Thời gian tới, để công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn đạt hiệu quả, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh và UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm Kế hoạch số 1542/KH-UBND ngày 03/6/2016 của UBND tỉnh; các cơ quan chức năng như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và UBND các huyện, thành phố thực hiện công bố công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
2. Khẩn trương chấn chỉnh bộ máy, củng cố năng lực quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở cấp xã. Sở Công thương nghiên cứu hướng dẫn cụ thể cho cấp huyện, cấp xã bố trí cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm thuộc ngành quản lý mang tính đồng bộ, phù hợp với vị trí việc làm thực tế ở địa phương; Tổ công tác liên ngành tham mưu giúp Ban Chỉ đạo của tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, phân rõ phạm vi ngành nghề quản lý của từng ngành, từng cấp.
3. Các cơ quan quản lý nhà nước liên quan (Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương) căn cứ chức năng tổ chức tập huấn từ huyện đến xã về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm theo lĩnh vực được phụ trách; Sở Y tế phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tổ chức tập huấn cho các khu công nghiệp.
4. Các địa phương tăng cường thúc đẩy, hỗ trợ phát triển các chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn. Phấn đấu đạt mục tiêu mỗi huyện, thành phố chỉ đạo xây dựng ít nhất từ 2- 3 mô hình, tổ chức rút kinh nghiệm để nhân rộng.
5. Đổi mới công tác kiểm tra, thanh tra: Các huyện, thành phố thực hiện ngay việc điều tra, thống kê, lập sổ theo dõi, quản lý, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện và cam kết an toàn thực phẩm đối với 100% số cơ sở thực phẩm trên địa bàn; phân loại cơ sở thực phẩm thuộc cấp tỉnh, huyện, xã quản lý; phân loại cơ sở thực phẩm chấp hành điều kiện an toàn thực phẩm theo 3 mức: tốt, trung bình, kém để có căn cứ lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn, tư vấn cho phù hợp. Tăng cường kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả xử lý.
6. Quan tâm quản lý an toàn thực phẩm đối với dịch vụ nấu cỗ ở cơ sở. Ngành Y tế tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với những đối tượng tham gia dịch vụ nấu cỗ.
7. Tăng cường quản lý chất lượng nước sạch trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kiểm nghiệm 100% các đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn, nhất là ở xung quanh các khu công nghiệp và một số nơi khó khăn về nguồn nước./.