Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã đi vào lịch sử nước nhà như một mốc son chói lọi. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử khẳng định sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Từ Quốc dân Đại hội Tân Trào (Tuyên Quang) đến Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9/1945 và Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu đại biểu Quốc hội khóa I vào ngày 6/1/1946 là những sự kiện trọng đại, mở đầu thời đại huy hoàng mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Ngày mồng 5 tháng 1 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...” và “Ngày mai quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã: Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết chống bọn thực dân, kiên quyết tranh quyền độc lập” Hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng đó, ngày 6/1/1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng tháng Tám, trên 90% công dân Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo dân tộc, tôn giáo, chính kiến..., từ 18 tuổi trở lên đã nô nức tham gia bầu cử, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối. 333 vị đã được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử ở Hà Nội và đã trúng cử với số phiếu cao nhất là 98,4%.
Cử tri Hà Nội bỏ phiếu ngày 06/01/1946. Ảnh tư liệu
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã thắng lợi vang dội trên phạm vi cả nước, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành công dân của một nước tự do độc lập, tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự lựa chọn và dựng xây chế độ Cộng hòa dân chủ.
Ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh cách mạng, Quốc hội vừa là thành quả, vừa là biểu tượng cao quý nhất của độc lập dân tộc, của thống nhất đất nước, thể hiện ý chí và khát vọng ngàn đời của nhân dân. Hội tụ đại biểu khắp mọi miền đất nước, từ những nhà cách mạng đầy nhiệt huyết đến đại diện các ngành, các giới, các giai cấp, tầng lớp, các thành phần dân tộc, tôn giáo... Quốc hội mang trong mình sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, hiện thân của ý chí kiên cường và nghị lực phi thường không gì lay chuyển nổi của dân tộc Việt Nam.
Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã đi vào lịch sử nước nhà như một mốc son chói lọi. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử khẳng định sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Quốc hội khóa I là Quốc hội đặc biệt, hoạt động kéo dài 15 năm (1946- 1960). Với vai trò lịch sử của mình, Quốc hội khoá I đã thông qua Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Đánh giá về ý nghĩa của sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “... Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập, ... dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do...”.Hiến pháp 1946 đánh dấu thắng lợi lịch sử đã giành được trong Cách mạng tháng Tám, xác lập chế độ dân chủ cộng hoà, phát triển cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đây là một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ, là đạo luật cơ bản đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng thể chế nhà nước cách mạng trong thời đại mới. Đây cũng là minh chứng hùng hồn về niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta. .
Năm 1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, đất nước đi vào thời kỳ cách mạng mới, thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện nghiêm chỉnh hiệp định Giơnevơ về lập lại hoà bình ở Việt Nam và Đông Dương. Năm 1959, Quốc hội ban hành Hiếp pháp mới, tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà.
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, khi non sông đã thu về một mối, ngày 25/4/1976, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI được tiến hành trong cả nước và đã thu được thắng lợi rực rỡ. Đây là một sự kiện chính trị trọng đại, một mốc son trong lịch sử Việt Nam. Từ đây, đất nước ta có một Quốc hội thống nhất, huy động sức mạnh của toàn dân tộc vào quá trình khắc phục hậu qủa chiến tranh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quốc hội khoá VI đã quyết định những vấn đề quan trọng hàng đầu trong thời kỳ phát triển mới của dân tộc; quyết định về đường lối, chính sách của Nhà nước Việt Nam thống nhất; quyết định xây dựng Hiến pháp về cơ cấu lãnh đạo của Nhà nước khi chưa có Hiến pháp mới, bầu các cơ quan đó để điều hành công việc chung của cả nước. Quốc hội khoá VI đã kế thừa, phát triển Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 và kỳ họp thứ 7 ngày 18/12/1980 đã thông qua Hiến pháp mới (năm 1980), là Hiến pháp của thời kỳ cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá VIII từ ngày 24/3 đến ngày 15/4/1992 đã thông qua Hiến pháp 1992, Hiến pháp 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu một mốc phát triển mới cực kỳ quan trọng của cách mạng Việt Nam.
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI đã thông qua Nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca và tổ chức Nhà nước khi chưa có Hiến pháp mới. Quốc hội quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyết định khoá Quốc hội được bầu trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 25/4/1976 là Quốc hội khoá VI nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyết định chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn-Gia Ðịnh là Thành phố Hồ Chí Minh. Sự ra đời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam mở đầu cho bước phát triển mới trong quá trình đi lên của đất nước. Quốc hội khoá VI đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính quyền mới, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất trong điều kiện hoà bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn quốc.
Với đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; sự hợp tác và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, sự ủng hộ và giám sát của nhân dân trong và ngoài nước, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với những kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của 70 năm qua, sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.