Mãi mãi sáng ngời gương nữ liệt sĩ Lương Thị Thanh, làng Mỹ Cầu, xã Tân Mỹ, thành phố Bắc Giang
Ngày đăng:29-04-2022
Gần 60 năm trôi qua, nhưng cán bộ và nhân dân làng Mỹ Cầu cũng như cán bộ, chiến sỹ trong Ban liên lạc E216, Sư đoàn 365, PKKQ (chiến đấu bảo vệ Cầu Phủ Lạng Thương năm xưa) vẫn luôn nhắc đến tấm gương không sợ gian khổ, hy sinh, hết lòng tận trung với nhiệm vụ được giao của đồng chí Lương Thị Thanh, sinh năm 1940 - Người con gái của làng Mỹ Cầu, xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng (nay là thành phố Bắc Giang)
Sinh ra trong gia đình thuần nông, nhưng bố và anh, em, chú, bác từng là du kích chiến đấu chống thực dân Pháp. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn tới đồng chí Thanh ngay từ nhỏ, đã sớm hun đúc trong đồng chí lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc sâu sắc.
Năm 1965, khi giặc Mỹ leo thang đánh ra miền Bắc bằng không quân, Lương Thị Thanh được giao làm Xã đội phó rồi Xã đội trưởng; huyện đội đã cho chị đi dự mấy lớp huấn luyện về chính trị và quân sự. Mỗi lần địch về, chị bắt tay ngay vào tuyên truyền vận động để tổ chức lực lượng dân quân của xã, chị chọn ngay những người trong gia đình và hàng xóm từng hiểu nhau, lúc đầu chỉ có 7 - 8 người tham gia, trong đó có 3 người cháu ruột (con ông anh) là Lương Thị Xuân (sinh năm 1940), Lương Thị Lợi (sinh 1942) và Lương Thị Loan (sinh 1945), Nguyễn Văn Tuất - Bí thư chi Đoàn, Nguyễn Văn Binh, Hoàng Văn Đoàn, Nguyễn Thị Âu… đều cùng gần nhà nhau.
Tháng 5/1966 có gần 20 người, tổ chức thành đội ngũ dân quân hoạt động rất sôi nổi và chiến đấu dũng cảm. Vào thời kỳ này cũng là tròn một năm địch mở chiến dịch đánh phá tuyến đường 1A, trong đó cầu Bắc Giang (tức cầu Phủ Lạng Thương) là một trọng điểm quan trọng, nối liền viện trợ của các nước XHCN đi từ Lạng Sơn - Hà Nội rồi về phía Nam, cuộc chiến đấu ngày càng quyết liệt (bởi địch cho rằng để đánh được cầu thì phải tiêu diệt được hỏa lực của ta), hầu hết mỗi lần vào đánh cầu, chúng cũng đồng thời đánh các trận địa (nhất là những hỏa lực mạnh như Pháp 57, 37, 100 ly…) Thời kỳ này theo sự chỉ đạo của cấp trên, Lương Thị Thanh đã ngày đêm cho dân quân luyện tập và hàng năm tổ chức bắn đạn thật và đều đạt yêu cầu trở lên; trong đó, Lương Thị Xuân, Nguyễn Thị Âu, Nguyễn Văn Tuất… thường đạt loại giỏi, được cấp trên khen thưởng. Mặt khác đã hợp đồng chặt chẽ với bộ đội chủ lực để chiến đấu, trong đó có thống nhất khi nghe còi báo động (từ nhà máy phân đạm Hà Bắc) hoặc có tiếng máy bay địch là dân quân nhanh chóng có mặt ở trận địa pháo để cùng chiến đấu hoặc vác đạn cho bộ đội chiến đấu, rồi làm nhiệm vụ cứu thương, thay thế pháo thủ khi cần thiết… (Riêng Lương Thị Thanh luôn có khẩu súng trường bên cạnh, kể cả đi làm đồng).
Ngày 4/11 (tức 20/9) âm lịch năm 1966, một tốp máy bay vào đánh cầu, trong đó 1 chiếc tách ra lượn về hướng Đông Nam rồi lao xuống ném một loạt bom bi (mẹ) khi rơi xuống thành ra hàng trăm quả bom con hình quả na nổ mù mịt khắp trận địa và một phần vào làng Mỹ Cầu cháy nghi ngút làm một số cán bộ, chiến sĩ đơn vị pháo hy sinh. Về phía dân quân có Lương Thị Loan, Nguyễn Văn Tuất hy sinh. Riêng Lương Thị Thanh bị thương vào “vùng kín” máu chảy nhiều nhưng với sức trẻ, lại là nữ và là Xã đội Trưởng nên chị Thanh vẫn bình tĩnh động viên mọi người chiến đấu, thu dọn chiến trường, cấp cứu thương binh và những người đã hy sinh… Mãi đến khi máu chảy ướt đẫm quần thì mấy dân quân vội đưa đi cấp cứu về trạm xá của Trung đoàn 216 tại xóm Lò, xã Tân Mỹ. Khi đến nơi thì bác sĩ Toàn cùng các y sỹ, y tá kịp thời cấp cứu nhưng huyết áp đã quá thấp vì mất nhiều máu. Tuy vậy chị Thanh vẫn giữ chặt quần không muốn ai nhìn vào “vết thương” rồi chị nói muốn đi tiểu. Mấy dân quân và y tá đưa chị đi rồi về nằm trên giường. Một lúc sau sắc mặt chị xanh xám, 2 mắt nhắm lại, thở mỗi lúc mạnh hơn, nhưng chị vẫn thều thào dặn lại mọi người hãy dũng cảm chiến đấu và nhớ giữ cho chị khẩu súng mà chị từng mang theo để chiến đấu, sau đó chị ngừng thở! Mọi người đứng vây quanh đều òa khóc nức nở, rồi cử người về báo gia đình đến để đưa chị về mai táng! Nghe tin này họ hàng, làng xóm đều bàng hoàng và có mặt. Cán bộ xã và đơn vị pháo đều cử người đến tiễn đưa chị với tình cảm rất thương tiếc! Sau đó địa phương và gia đình đã làm các thủ tục và được cấp trên phong tặng danh hiệu liệt sỹ. Ngoài ra do quá trình hoạt động đã xây dựng được lực lượng dân quân từ bắt đầu đầy khó khăn gian khổ, đến khi có số lượng đông và hoạt động vững mạnh. Mặt khác không chỉ vậy mà chị còn là một xã viên tiêu biểu của HTX, một lao động chính trong gia đình có 9 khẩu ăn; đồng thời còn tích cực hoạt động với các đoàn thể… Chị đã nhiều lần được biểu dương, khen thưởng, trong đó có 3 lần được tặng Bằng khen, Giấy khen về xây dựng lực lượng dân quân, chiến đấu dũng cảm và lao động sản xuất tốt...
Trong đợt tổng kết thành tích tham gia chiến đấu của địa phương khi nhắc đến tên chị thì người đại diện đã nói chị xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ tặng phụ nữ Việt Nam là: “Anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang”! Vì thế mà Sổ vàng của địa phương đã ghi rõ tên tuổi và những công lao đóng góp đáng kể của Lương Thị Thanh để mãi mãi không quên được./.