Một số kết quả thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2021
Ngày đăng:07-04-2022
Giai đoạn 2012 - 2021, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm Y tế (BHYT), các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quán triệt, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách BHXH, BHYT bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng; các cơ quan chuyên môn chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp lãnh đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp tổng thể; đồng thời lồng ghép việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, với chính sách an sinh xã hội… Nhờ đó, chính sách BHXH, BHYT từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội.
Ảnh minh họa
Tính đến ngày 31/12/2021, số người tham gia BHXH đạt 16,578 triệu người (tăng 414 nghìn người (2,56%) so với năm 2020); đặc biệt BHXH tự nguyện là 1,338 triệu người, đạt 2,6% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức (vượt 1,6% chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết 28-NQ/TW); số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 13,537 triệu người (tăng 213 nghìn người (1,6%) so với năm 2020); 88,827 triệu người tham gia BHYT (tăng 849 nghìn người (tăng 0,97%) so với năm 2020), đạt tỷ lệ bao phủ 91,01 % dân số (hoàn thành chỉ tiêu được Chính phủ giao).Chi trả đầy đủ, kịp thời, an toàn cho 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng với gần 15 nghìn điểm chi trả đến cấp xã; trên 8,2 triệu lượt người hưởng trợ cấp một lần, thất nghiệp, ốm đau thai sản; trên 118 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT. Trong năm 2021, toàn Ngành BHXH đã thanh tra, kiểm tra tại 15.836 đơn vị. Kết quả, phát hiện 37.656 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng, với số tiền phải truy thu là 117,4 tỷ đồng; đã thu hồi 1.531,3 tỷ đồng trên tổng số nợ của các đơn vị được thanh tra chuyên ngành là 1.955,5 tỷ đồng (đạt 78,3%)...
Đặc biệt, trong năm 2021, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng VssID - BHXH số (người dùng có thể quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng; thực hiện các dịch vụ trên ứng dụng), đến nay đã có gần 30 triệu người cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID. Ngành BHXH Việt Nam đã cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, giao dịch điện tử; xây dựng 141 tiêu chí rủi ro trong quản lý điều hành; kiểm soát chặt chẽ, phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ qua hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung của Ngành.
Tổng số dư các quỹ BHXH, BHYT, BHTN đến hết tháng 12/2021 đạt 1.074.845 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2020 (được sử dụng trên 85% mua trái phiếu Chính phủ, còn lại gửi tại các Ngân hàng thương mại Nhà nước xếp loại tốt). BHXH Việt Nam hiện là nhà đầu tư lớn nhất thị trường trái phiếu Chính phủ (chiếm gần 40% tổng giá trị thị trường), giúp Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô, huy động nguồn vốn lãi suất thấp, phục vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội quốc gia…
Bên cạnh các kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, ngành BHXH vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Phát triển đối tượng tham gia BHXH chưa đạt được theo mục tiêu của Nghị quyết; tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT còn xảy ra ở nhiều địa phương; số doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT còn nhiều, số tiền nợ đọng còn cao; tình trạng lạm dụng, trục lợi BHXH, BHYT vẫn còn xảy ra; công tác thanh quyết toán chi phí KCB BHYT còn chậm; chất lượng phục vụ của dịch vụ khám chữa bệnh BHYT còn nhiều bất cập; tỷ lệ người dân được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT vẫn ở mức cao…
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, có thể rút ra bài học kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT: (1) Công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách BHXH, BHYT phải phù hợp với từng nhóm đối tượng, phù hợp với tình hình thực tế. (2)Xác định rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT, trong đó các cấp ủy Đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, các cơ quan chuyên môn chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp lãnh đạo; làm tốt công tác phối hợp thực hiện. (3) Thực hiện các giải pháp tổng thể, lồng ghép việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT với các chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của Nhân dân và người lao động để thúc đẩy gia tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT. (4) Tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ; đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHXH, BHYT; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả. (5) Tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt chú trọng thanh tra, kiểm tra, khởi kiện những đơn vị sử dụng lao động còn nợ đọng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội của người lao động. (6) Thường xuyên, định kỳ sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình tổ chức thực hiện công tác BHXH, BHYT; phát hiện và biểu dương kịp thời các địa phương, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt, đồng thời phê phán, xử lý nghiêm các tổ chức, đơn vị, cá nhân có vi phạm. (7) Tận dụng cơ hội về hội nhập quốc tế để tiếp cận thông tin, huy động được sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để hiện đại hóa hệ thống quản lý và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH, BHYT./.