Tạo “sức đề kháng” trước thông tin xấu độc- giải pháp cơ bản để giảm thiểu tác hại của các quan điểm sai trái trên mạng xã hội hiện nay
Ngày đăng:17-03-2022
Cung cấp thông tin chính thống để nâng cao nhận thức, tri thức, giúp cộng đồng mạng đủ sức nhận thức, phân biệt đúng - sai, tích cực - tiêu cực, xấu - tốt, từ đó đủ sức đề kháng, dần dần hình thành cơ chế “tự miễn dịch” trước thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch. Đây vẫn là chìa khóa căn cơ lâu dài để tăng “sức đề kháng”, “tự miễn dịch” cho công dân mạng, nhất là thanh thiếu niên, vẫn là lời giải và là giải pháp bền vững nhất để đẩy lùi, giảm thiểu các tác hại từ các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc trên mạng xã hội hiện nay.
Ảnh minh họa
Internet và các tiện ích, công nghệ đã và đang phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có trong lịch sử. Kéo theo đó là quá trình phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội. Tất nhiên đi liền với nó là tính chất hai mặt, bao gồm cả tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực là sự phong phú, đa dạng, muôn màu, muôn vẻ của các thông tin được cập nhật liên tục với lượng dữ liệu khổng lồ, giúp ích cho công chúng khai thác, tìm kiếm thông tin. Mặt tiêu cực là các thông tin xấu độc, trong đó rất đáng quan ngại là các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, chế độ. Với tính đặc thù, tự bản thân mạng internet khó có thể kiểm soát, ngăn chặn các thông tin xấu độc. Cũng như cơ thể con người, nếu khỏe mạnh, cường tráng, có thể đủ sức “đề kháng” , “tự miễn dịch” được trước dịch bệnh nguy hiểm. Vì vậy, cách tốt nhất là tạo sức đề kháng cho công chúng, cộng đồng mạng trước các thông tin xấu độc, để mỗi công dân đủ thông tin, tri thức, đủ năng lực để nhận thức, nhận diện đúng - sai, xấu, độc của từng thông tin trên mạng xã hội. Từ đó, mỗi người dân chủ động, tự giác, phản ứng, đấu tranh, phản bác kịp thời với các quan điểm sai trái phát tán trên internet.
Theo thống kê từ Báo cáo Việt Nam Digital năm 2020: Tính đến tháng 01/2020 tỷ lệ người dùng internet ở Việt Nam chiếm 70% dân số, 65% là tỷ lệ người Việt sử dụng mạng xã hội và hiện người dùng Internet của Việt Nam ngày càng trẻ hóa, đa phần là đối tượng trong độ tuổi thanh niên. Một nghịch lý trong quy luật của thông tin, thông tin nào xuất hiện nhiều lần, tần suất lớn, gây tò mò, sát với cuộc sống đời thường thì người trẻ tuổi lao vào đọc, xem, tìm hiểu. Người trẻ và thậm chí số lượng lớn đối tượng học sinh, sinh viên có khi dành thời gian cả ngày “lang thang” trên mạng xã hội để tìm hiểu và chia sẻ thông tin. Đương nhiên, học sinh, sinh viên và một bộ phận trong đó do chưa đủ nhận thức nên dễ bị tác động khi tiếp cận các thông tin xấu, độc, nói xấu chế độ, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng. Họ tiếp cận các thông tin xấu độc một cách thụ động, khó phân biệt đúng - sai và bị tác động tâm lý, dẫn đến hoang mang, thiếu niềm tin vào Đảng, vào chế độ.
Ảnh minh họa
Nhằm nâng cao “sức đề kháng”, “tự miễn dịch”, đẩy lùi, giảm thiểu tác hại từ các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc. Cần quan tâm thực hiện một số giải pháp trọng tâm cụ thể như sau:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, giúp cộng đồng mạng nhận diện rõ bản chất của các quan điểm sai trái, thù địch.
Một trong những phương thức hoạt động “diễn biến hòa bình” được các thế lực thù địch tiến hành đối với Việt Nam hiện nay là tận dụng công cụ thông tin hiện đại - internet, tiến hành chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Trong đó, phương thức truyền bá các quan điểm sai trái về tư tưởng chính trị trên internet nhằm chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được các thế lực thù địch triệt để sử dụng. Mỗi dịp đất nước có những sự kiện chính trị mang tính lịch sử, bước ngoặt như Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử đại biểu Quốc hội, hội nghị Ban Chấp hành Trung ương… là các thế lực thù địch tung các thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch hòng kích động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thể hiện rõ nhất là chúng tung lên mạng với số lượng rất lớn thông tin sai trái, thù địch. Triệt để lợi dụng công nghệ 4.0 để nhào nặn thông tin, ảnh, video, sản xuất chương trình truyền hình, tung lên các mạng xã hội nhằm thu hút sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng mạng. Do vậy, nhiệm vụ của báo chí chính thống là tạo dòng thông tin chủ đạo, chi phối để cộng đồng mạng nhận diện rõ bản chất, các quan điểm sai trái trên internet. Báo chí phải trực diện, phân tích, làm rõ nội hàm, bản chất quan điểm sai trái, thù địch. Làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân có thể nhận thức, nhận diện thông tin xấu độc, hiểu rõ quan điểm sai trái, thù địch. Khi đã nhận thức đúng - sai của thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch thì mỗi công dân mạng sẽ có nhãn quan chính trị, tự giác phòng, chống và chủ động đấu tranh, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch.
Thứ hai, phát huy vai trò dẫn dắt, chi phối thông tin chính thống của hệ thống báo chí và mạng xã hội của Việt Nam để cộng đồng mạng nâng cao nhận thức, đủ sức “đề kháng” trước các quan điểm sai trái, thù địch.
Hệ thống báo chí cần tăng cường các chuyên trang, chuyên mục, đa dạng hóa hình thức nhằm cung cấp thường xuyên, một cách có hệ thống cho công chúng thông tin chính thống về chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành tựu toàn diện của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Báo chí cần tuyên truyền, cổ vũ các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/ 2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục với các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, nhằm nâng cao sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cần đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi công dân mạng tin tưởng về những tiến bộ, thành tựu toàn diện của đất nước. Tăng cường tuyên truyền về những thành tựu của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, giúp cho mỗi công dân mạng nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí nhằm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh; việc xử lý tội phạm trong các vụ đại án tham nhũng thể hiện rõ chủ trương chống tham nhũng không có vùng cấm, bất kỳ người đó là ai. Đây là phương thức tốt nhất để hạn chế tối đa sự lợi dụng chống phá của các thế lực phản động, cơ hội chính trị lợi dụng là những tiêu cực, yếu kém của xã hội để xuyên tạc chống phá.
Thứ ba, cần có văn bản có tính pháp quy, quy định rõ trách nhiệm bắt buộc của các cơ quan báo chí tham gia đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch, nhằm khơi dậy niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân về thắng lợi của cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch.
Hiện nay, cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch còn có những hạn chế, yếu kém. Chủ yếu mới là lực lượng chuyên trách tham gia đấu tranh. Tình trạng nói chưa đi đôi với làm, thờ ơ trước tác động của các quan điểm sai trái, thù địch phát tán trên mạng còn diễn ra khá phổ biến. Vì vậy, nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh này là “thuốc đặc hiệu”, là cơ sở quan trọng để lấy lại niềm tin của cộng đồng mạng. Từ niềm tin đó sẽ tạo sức đề kháng cho mỗi công dân mạng trước tác động của các quan điểm sai trái, thù địch. Để làm tốt công tác tuyên truyền trên mặt trận đấu tranh này, các cơ quan báo chí cũng cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Bảo đảm để đội ngũ những người làm báo có năng lực chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ vừa có đạo đức trong sáng, lập trường tư tưởng vững vàng, luôn có ý chí chiến đấu bảo vệ lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt cần xây dựng lực lượng chuyên trách với lực lượng nòng cốt là các chuyên gia, các nhà lý luận về tư tưởng chính trị chuyên đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội. Tổ chức các lực lượng kịp thời ngăn chặn, không để các quan điểm sai trái, thù địch phát tán trên mạng internet có điều kiện tác động vào các tầng lớp nhân dân. Tổ chức đấu tranh trực diện đối với những người cơ hội, lệch lạc về chính trị ngay từ cơ sở.
Tăng cường lãnh đạo, quản lý nhà nước đối với hệ thống báo điện tử. Sớm khắc phục tình trạng sai tôn chỉ, mục đích, đưa quá nhiều mảng tối của đời sống chính trị, tạo “mảnh đất” để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị dễ dàng lợi dụng, khai thác thông tin, nói xấu chế độ. Các báo điện tử, trang điện tử chú trọng đổi mới, xây dựng giao diện app mobile cho điện thoại di dộng, tạo điều kiện cho số đông cư dân mạng, nhất là giới trẻ thường xuyên truy cập internet qua mạng di động có thể sử dụng dễ dàng trong việc khai thác, tìm kiếm thông tin chính thống.
Thứ tư, cần sớm có chủ trương, giao các cấp ủy đảng, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp ban hành quy tắc tham gia mạng xã hội. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm và cơ chế khen thưởng, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, công đoàn, hội viên Hội phụ nữ Việt Nam… khi tham gia mạng xã hội. Quy định rõ nhiệm vụ của dảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, thù địch; ban hành nghị định với các chế tài cụ thể trong xử lý kỷ luật và truy tố đối với các hành vi đồng phạm, chủ động phát tán, hùa theo nói xấu Đảng, bôi nhọ, lãnh đạo, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ năm, để khuyến khích tinh thần yêu nước, dũng cảm tham gia đấu tranh trên không gian mạng, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, tạo cơ chế, khuyến khích việc thành lập các tổ chức dưới dạng tự nguyện xung kích, đấu tranh trên không gian mạng. Nếu các tổ chức tình nguyện tham gia đấu tranh trên mạng xã hội xuất hiện càng nhiều, chúng ta càng có lực lượng lớn đủ sức đẩy lùi các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc. Chính vì vậy, các tổ chức chính trị - xã hội cần sớm nghiên cứu, có cơ chế khen thưởng để cổ vũ, động viên, tập hợp nhiều học sinh, sinh viên, thanh niên tích cực tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. /.