Bắc Giang: Triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần
Ngày đăng:27-01-2022
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 374/KH-UBND về phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Kế hoạch yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh quán triệt nghiêm túc sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19; chủ động xây dựng các tình huống và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống khi có dịch xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán… đảm bảo đáp ứng với các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, sẵn sàng huy động nhanh nhất khi được yêu cầu.
Theo đó, Kế hoạch đưa ra một số nội dung, giải pháp chủ yếu như sau:
1. Về công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, huy động cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, huy động toàn dân tham gia công tác phòng, chống dịch. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương… Thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt là chỉ huy, điều phối, phối hợp tại chỗ để đáp ứng có hiệu quả các tình huống dịch bệnh theo kịch bản đã được phê duyệt…
2. Thực hiện thường trực về phòng, chống dịch: Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp duy trì hoạt động trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Phân công trực trong những ngày nghỉ Tết… Các lực lượng phòng, chống dịch dù không trong ca trực phải luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi được huy động và chi viện cho các điểm nóng khi được yêu cầu, điện thoại luôn đảm bảo liên lạc được 24/24h.
3. Thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống dịch: Tập trung thực hiện các biện pháp xử lý các ổ dịch mới phát sinh trên địa bàn, khoanh vùng, cách ly, phân luồng, xử lý triệt để ổ dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. Chú trọng công tác phòng, chống dịch tại các khu vực đông dân cư, đô thị, khu công nghiệp, các thời điểm người dân, công nhân di chuyển về quê, trở lại thành phố lao động, sản xuất; giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm vi rút, không để lây lan ra cộng đồng.
Có phương án quản lý các trường hợp đi từ vùng dịch về quê; tùy vào thông tin khai báo để phân loại nguy cơ để có biện pháp quản lý phù hợp (không thực hiện cách ly) và thực hiện test nhanh cho người dân. Dỡ bỏ hoàn toàn các chốt kiểm soát dịch bệnh, không ngăn cấm người dân về quê ăn Tết… Thần tốc hơn nữa công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đúng tiến độ. Làm tốt công tác phân loại F0, tăng cường việc điều trị F0 tại nhà, chỉ những bệnh nhân vừa và nặng mới đưa đến các cơ sở thu dung, điều trị. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức thăm hỏi, động viên chúc Tết các lực lượng tuyến đầu làm nhiệm vụ phòng, chống dịch trong dịp Tết, nhất là đối với các y, bác sĩ, người tham gia công tác phòng, chống dịch dài ngày, làm việc trong khu điều trị Covid-19, F0 đang điều trị…
4. Công tác thông tin truyền thông: Tuyên truyền rộng rãi để người dân biết khi về quê ăn Tết phải đến Trạm Y tế khai báo bắt buộc, khuyến khích người dân chủ động xét nghiệm trước khi về quê ăn Tết. Tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông để người dân nắm được các biện pháp phòng chống dịch, nâng cao ý thực tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, thực hiện theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương; đồng thời, không gây hoang mang trong nhân dân và dư luận.
5. Công tác hậu cần: Khẩn trương triển khai việc mua sắm vật tư, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện phòng hộ… Xây dựng kế hoạch và triển khai dự trữ thuốc để đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19./.