Chú trọng, tăng cường công tác tuyên giáo cơ sở ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
Ngày đăng:24-12-2021
Nông thôn là không gian sinh sống của người dân với các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội đặc thù và không như các đô thị. Về kinh tế, nông thôn chủ yếu sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, các loại ngành nghề thủ công nghiệp và các loại hình dịch vụ phục vụ chủ yếu cho nông nghiệp, nông dân. Dân cư ở nông thôn chủ yếu là nông dân và gia đình của họ, mật độ dân cư thấp hơn thành thị, tính cộng đồng cao, có nhiều yếu tố tập quán riêng biệt. Nông thôn lưu giữ và bảo tồn môi trường sinh thái tự nhiên, làm cho con người gần gũi và thân thiện hơn với thiên nhiên.
Ảnh minh họa
Là tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, địa bàn nông thôn của Bắc Giang là không gian sinh sống rộng lớn, chiếm tỷ lệ dân số chủ yếu của địa phương; có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phát triển nông nghiệp, cung cấp diện tích mặt bằng để xây dựng các khu, cụm công nghiệp, công trình giao thông, cung cấp lực lượng lao động chủ yếu cho xã hội, là nơi dung dưỡng các di tích, phong cảnh để phát triển văn hóa, du lịch... Địa bàn nông thôn có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương và đất nước. Nông thôn Bắc Giang đan xen nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, đa dạng về văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo, lưu giữ hầu hết các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc VIệt Nam.
Với đặc điểm cơ bản ấy, vai trò công tác tuyên giáo ở địa bàn cơ sở nông thôn là hết sức quan trọng. Đó là địa bàn trực tiếp thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển công nghiệp, nông nghiệp, nông dân, nông thôn; lao động việc làm; xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; xây dựng nông thôn mới; các chính sách an sinh xã hội... Đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ làm công tác tuyên giáo ở cơ sở nông thôn nói riêng hội tụ rất nhiều phẩm chất cao quý, như: Chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm, tin theo Đảng, gần gũi với nhân dân...
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, nông thôn cũng là nơi có các mối quan hệ khá phức tạp, còn nhiều hủ tục lạc hậu, hầu hết các vấn đề bức xúc, nổi cộm được manh nha và xuất hiện từ đây. Trình độ dân trí khu vực nông thôn không đồng đều, có sự chênh lệch giữa các vùng miền; các khu vực miền núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế...) có trình độ dân trí thấp hơn các vùng khác. Khu vực nông thôn là địa bàn mà các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá, chia rẽ, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, làm giảm lòng tin của Nhân dân vào Đảng, gây ảnh hưởng an ninh chính trị. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo cơ sở ở nông thôn còn rất nhiều khó khăn, bất cập; không có cán bộ chuyên trách, cán bộ đều kiêm nhiệm và không ổn định; không có phụ cấp cho cán bộ làm công tác tuyên giáo; nghiệp vụ tuyên giáo ít được bồi dưỡng nên còn hạn chế; địa bàn nông thôn rộng, không tập trung; trang thiết bị phục vụ công tác tuyên giáo còn thiếu,...
Trong xu thế phát triển chung của đất nước, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản thì vẫn có rất nhiều những vấn đề phức tạp phát sinh ở nông thôn cơ sở. Vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng để phát triển các khu, cụm công nghiệp, xây dựng các tuyến đường giao thông lớn; vấn đề lao động việc làm, an ninh trật tự; thiên tai, dịch bệnh; việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho đối tượng chính sách và những người yếu thế trong xã hội; sự chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt của các thế lực thù địch... trở thành khó khăn, thách thức đối với công tác tuyên giáo. Điều đó đòi hỏi công tác tuyên giáo ở khu vực nông thôn càng phải được tăng cường, đổi mới sáng tạo, sát với yêu cầu thực tiễn ở mỗi địa phương, trong đó một số vấn đề sau cần phải quan tâm:
Thứ nhất, phát huy tốt vai trò của ban tuyên giáo cơ sở trong việc tham mưu với cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng đến đảng viên, cán bộ và Nhân dân. Trong đó, tập trung vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; các nghị quyết, đề án chuyên đề của cấp ủy ban hành. Thường xuyên tham mưu công tác kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết nghị quyết của Đảng, đánh giá các mô hình, chương trình phát triển kinh tế triển khai ở địa phương để rút kinh nghiệm, bổ sung phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng nông thôn mới và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; nhân rộng những mô hình hộ gia đình làm kinh tế giỏi; lan tỏa sâu rộng những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc được lưu giữ, phát huy ở nông thôn. Phát triển đa dạng, phong phú, lành mạnh các loại hình văn hóa, phong trào thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần của người dân. Kịp thời phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến ở thôn xóm, khu dân cư; đồng thời, kiên trì đấu tranh loại bỏ những hủ tục lạc hậu cản trở sự phát triển xã hội ở nông thôn.
Thứ ba, làm tốt công tác định hướng, dẫn dắt tư tưởng đảng viên, cán bộ và Nhân dân theo đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thường xuyên quan tâm lắng nghe, tham mưu giải quyết kịp thời, thỏa đáng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, tạo sự đoàn kết nhất trí, đồng sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, đảng viên, cán bộ, các tầng lớp Nhân dân vào thực hiện nhiệm vụ chính trị. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo cơ sở, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ tư, làm tốt công tác thông tin truyền thông ở khu vực nông thôn; cung cấp đầy đủ, kịp thời bản tin Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ban tuyên giáo cấp huyện phục vụ sinh hoạt chi bộ hằng tháng; cung cấp sách, báo, tạp chí của Đảng, các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền đến đúng đối tượng. Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình của đài truyền thanh cơ sở; tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương; các mô hình phát triển kinh tế; gương người tốt, việc tốt, việc tử tế trên địa bàn./.