Bắc Giang: Một số kết quả nổi bật về phát triển kinh tế- xã hội năm 2021
Ngày đăng:24-12-2021
Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Kinh tế nhanh chóng trở lại chu kỳ tăng trưởng từ quý III, tốc độ tăng GRDP cả năm ước đạt 7,82% (đứng thứ 10 cả nước). Năng suất lao động tăng 4,4%. GRDP bình quân đầu người đạt 2.950 USD, tăng 3,7%, bằng 89,9% kế hoạch.
Ảnh minh họa
Sản xuất công nghiệp:Hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), hạ tầng giao thông kết nối và các hạ tầng phụ trợ khác được quan tâm đầu tư. Khó khăn về thị trường tiêu thụ, lao động, vốn... được tập trung giải quyết hiệu quả.Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh và khá vững chắc. Trong đó, các doanh nghiệp quy mô lớn đã ổn định đẩy mạnh sản xuất, sử dụng lao động ở mức tương đương và nhiều hơn so thời điểm trước dịch, tiếp tục tạo động lực cho tăng trưởng. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 11,2%. Quy mô giá trị sản xuất đạt 300 nghìn tỷ đồng, bằng 88% kế hoạch.
Xây dựng:Hệ thống văn bản QPPL về xây dựng được tập trung hoàn thiện. Các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH được tập trung khơi thông. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, nhiều doanh nghiệp, dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng, hạ tầng và nguồn vốn đầu tư từ khu vực FDI, khu vực tư nhân tăng đáng kể, đã góp phần làm cho giá trị sản xuất xây dựng tăng 3,1%, quy mô ước đạt 42.500 tỷ đồng, bằng 93,7% kế hoạch.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới: Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 4,2%, quy mô đạt 38.310 tỷ đồng, vượt 0,5% kế hoạch. Giá trị sản xuất trên 01 ha đất nông nghiệp đạt 135 triệu đồng, tăng 12,5%, vượt 8% kế hoạch. Năng suất các loại cây trồng đều tăng, trong đó năng suất lúa đạt 58,2 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay.
Các chỉ tiêu về trồng, chăm sóc bảo vệ rừng vượt kế hoạch năm. Kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh đạt kết quả tích cực. Việc quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp có chuyển biến; tình trạng phát phá, lấn chiếm đất rừng và số vụ vi phạm pháp luật bảo vệ rừng giảm. Phong trào xây dựng nông thôn mới và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt nhiều kết quả nổi bật. Dự kiến đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 138/184 xã đạt chuẩn (chiếm 75%); 05 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 155 sản phẩm OCOP tăng 60 sản phẩm so với năm 2020.
Dịch vụ: Giá trị sản xuất toàn ngànhtăng 3,8%;quy mô đạt 42.730 tỷ đồng, bằng 99,4% kế hoạch. Hoạt động xúc tiến thương mại có nhiều đổi mới theo hướng chủ động, sáng tạo, hiệu quả hơn, đặc biệt trong công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều, cam, bưởi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ sản xuất ước đạt 34.030 tỷ đồng, tăng 9,2%, vượt 4,7% kế hoạch. Giá trị xuất khẩu đạt 15,7tỷ USD, tăng 39,8%, đạt 105,8% kế hoạch. Tăng trưởng tín dụng đảm bảo đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế; tổng dư nợ đạt 69.260 tỷ đồng, tăng 13,8%. Dịch vụ bưu chính, viễn thông phát triển mạnh theo hướng hiện đại.
Ảnh minh họa
Thu, chi ngân sách nhà nước đạt kết quả nổi bật, các khoản thu mang tính bền vững từ doanh nghiệp đạt kết quả khá. Tổng thu cả năm ước đạt 15.745 tỷ đồng, tăng 26,9% so với năm 2020, vượt 56,1% dự toán; trong đó: thu hoạt động xuất, nhập khẩu 1.600 tỷ đồng, vượt 39,1% dự toán; thu nội địa 14.145 tỷ đồng, vượt 58,3% dự toán. Chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, trọng tâm theo dự toán và xử lý kịp thời các nhiệm vụ đột xuất phát sinh về phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Ước thực hiện chi cân đối NSĐP năm 2021 đạt 28.279 tỷ đồng, đạt 168,7% dự toán.
Đầu tư phát triển: Tổng vốn đầu tư phát triển đạt trên 62.615 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2020, đạt 91,7% kế hoạch. Trong đó:
Đầu tư công và phát triển đô thị: Công tác quản lý, thực hiện kế hoạch đầu tư công được tăng cường. Các nguồn vốn được giao chi tiết sớm hơn so với năm 2020. Công tác chuẩn bị xây dựng kế hoạch đầu tư công được quan tâm chỉ đạo. Tiến độ thực hiện và giải ngân cơ bản đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ giải ngân đến 31/12/2021 ước đạt 96% kế hoạch vốn. Nhiều công trình lớn hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH.
Công tác phát triển đô thị được tích cực triển khai. Trọng tâm triển khai các Nghị quyết, Kế hoạch của Tỉnh uỷ, Ban thường vụ Tỉnh uỷ về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân; xây dựng và phát triển thành phố Bắc Giang và xây dựng huyện Việt Yên trở thành thị xã; đẩy nhanh đầu tư phát triển đô thị, nhà ở và thị trường bất động sản.
Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020 tăng 13 bậc so với năm 2019. Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực. Dự kiến đến hết năm, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh (quy đổi) toàn tỉnh đạt 1,26 tỷ USD; có 1.381 doanh nghiệp được thành lập. Riêng thu hút đầu tư FDI đứng thứ 10 cả nước.
Công tác quản lý tài nguyên và môi trường: UBND tỉnh đã Phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030; đồng thời ban hành nhiều chính sách nhằm tăng cường quản lý, khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tháo gỡ khó khăn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án.
Công tác bảo vệ tài nguyên môi trường được chú trọng, đạt kết quả khá tích cực. Các chỉ tiêu về môi trường đều đạt kế hoạch đề ra; trong đó: tỷ lệ rác thải thu gom đạt 89,3%; thu gom được xử lý đạt 93%. Tài nguyên, khoáng sản được quan tâm, quản lý chặt chẽ hơn.../.