Chú trọng tăng cường công tác tuyên giáo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở tỉnh Bắc Giang
Ngày đăng:30-11-2021
Bắc Giang là một tỉnh trung du thuộc vùng Đông Bắc Bộ của đất nước. Năm 2020, dân số của tỉnh trên 1,84 triệu người, là tỉnh đông dân nhất vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đông thứ 12 về số dân so với cả nước. Trong đó, vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm 72% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó đông nhất là người Kinh, chiếm 88,1% dân số toàn tỉnh, người Nùng chiếm 4,5%; người Tày 2,6%; người Sán Chay và người Sán Dìu, mỗi dân tộc 1,6%; người Hoa 1,2%; người Dao 0,5%... Đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung chủ yếu tại các xã miền núi thuộc các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang và Tân Yên.
Ảnh minh họa
Mỗi dân tộc thiểu số có phong tục, tập quán, sắc thái văn hoá riêng, song lại kế thừa và chịu ảnh hưởng của văn hoá dân tộc khác, nhưng đều có đặc điểm chung nhất đó là tinh thần yêu nước, cần cù trong lao động sản xuất, gắn bó, yêu thương nhau xây dựng một cộng đồng đoàn kết thống nhất. Kể từ công cuộc đổi mới đến nay do kinh tế-xã hội phát triển, giao lưu, trao đổi văn hóa thuận lợi và mở rộng, do đó, các dân tộc sống đan xen nhiều hơn, sự giao thoa, hoà quyện văn hoá diễn ra mạnh mẽ hơn đã tạo nên đời sống văn hóa đa dạng, phong phú trong cộng đồng dân tộc thiểu số.
Những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh Bắc Giang đã dành nguồn lực lớn đầu tư hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nhờ đó, vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh có sự chuyển biến mạnh mẽ, khá toàn diện; kinh tế-xã hội phát triển với nhiều điểm sáng, nhiều mô hình hiệu quả cả về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; cơ sở hạ tầng được tăng cường đầu tư, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, thiết chế văn hóa, thông tin liên lạc; giáo dục, y tế, BHXH được đặc biệt quan tâm. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc của tỉnh giảm bình quân 5,2%/năm, hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm 7,2%/năm. Trong thành tựu đó có đóng góp không nhỏ của ban tuyên giáo và những người làm công tác tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở.
Tuy nhiên, nhìn chung thì miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội còn hạn chế, chưa đồng bộ. Trình độ dân trí nhiều nơi còn thấp, không đồng đều, nhất là ở các xã, thôn, bản ở khu vực vùng sâu, vùng xa, đời sống còn khó khăn; trong đời sống sinh hoạt còn nhiều hủ tục lạc hậu. Tình hình tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất ở, đất canh tác, đất rừng vẫn xảy ra. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch liên tục lợi dụng địa hình phức tạp, kinh tế khó khăn, mật độ dân số thưa, trình độ dân trí thấp, những tập tục lạc hậu, người dân thiếu thông tin... để hoạt động tuyên truyền, chống phá, kích động, lôi kéo, gây mất an ninh trật tự, nguy cơ từng bước làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và đồng bào vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; cản trở sự phát triển xã hội và việc triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở địa phương.
Ảnh minh họa
Để tiếp tục phát huy tốt vai trò, sự đóng góp to lớn của đồng bào dân tộc thiểu số vào sự xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thi đua phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thiết nghĩ các cấp, các ngành nói chung, hệ thống tuyên giáo của tỉnh nói riêng cần quan tâm một số nội dung sau:
1. Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, sáng tạo nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách đối với vùng núi và đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự phát triển của tỉnh và đất nước.
2. Tăng cường nhiệm vụ đối với công tác tuyên giáo ở cơ sở miền núi, vùng dân tộc thiểu số, khu vực người dân có đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, hết sức chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số, nhất là cán bộ tuyên giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có uy tín và năng lực thực tiễn, am hiểu phong tục, tập quán, văn hóa của từng dân tộc, đáp ứng tốt yêu cầu trong tình hình mới.
3. Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện làm theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với đặc điểm tâm lý của từng dân tộc, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Tăng cường đối thoại, cung cấp thông tin đa chiều, ngắn gọn, đầy đủ, cụ thể, dễ hiểu, dễ làm theo để đồng bào thực hiện. Chủ động triển khai nắm tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh loại bỏ những hủ tục, nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.
4. Thường xuyên kiện toàn, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở miền núi, vùng đồng bào dân tộc; phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng. Quan tâm đầu tư phương tiện, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ phục vụ công tác tuyên giáo, công tác thông tin tuyên truyền, nhất là sách, báo của Đảng, bản tin thông báo nội bộ của ban tuyên giáo cấp tỉnh, cấp huyện, hệ thống truyền thanh cơ sở, phương tiện phục vụ tuyên truyền trực quan... để kịp thời đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân.
5. Triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn của miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quá trình thực hiện cần chủ động, linh hoạt, mềm dẻo, tránh áp đặt chủ quan một chiều; luôn lắng nghe, tôn trọng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đoàn thể ở cơ sở trong việc cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền, nhất là chương trình, kế hoạch, các dự án phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội ở địa phương.
6. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử địa phương, truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa của quê hương, của mỗi dân tộc. Bồi dưỡng thế hệ trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số về tinh thần yêu nước, lòng tự hào, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa; đấu tranh loại bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình; đồng thời, có khát vọng đổi mới, thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, cộng đồng phát triển, văn minh./.