Nhờ làm tốt công tác khuyến học nên xã Xuân Cẩm (huyện Hiệp Hòa) đã trở thành đất học. Hiện toàn xã có gần 3000 người có trình độ từ cử nhân trở lên. Trong đó có 29 người đạt trình độ tiến sĩ; 2 người có học hàm Giáo sư- Tiến sĩ (GS- TS).
“Học để có cuộc sống khá hơn”
Đó là câu nói của cụ ông Ngô Văn Nghi, thôn Cẩm Xuyên, bố của GS-TS Ngô Thế Chi, nguyên Giám đốc Học viện Tài chính. Theo cụ Nghi thời nhỏ, dù không được học nhiều, nhưng ông cũng hiểu được một triết lý cuộc đời là “có học có hơn”. Chính vì thế dù gia đình rất khó khăn, nhưng cả hai cụ đều nỗ lực lao động và động viên con cái học hành. Nhiều lúc các con thương bố mẹ vất vả cũng có ý định nghỉ học để phụ giúp gia đình, nhưng các cụ không đồng ý. Cùng đó, để các con thấu hiểu giá trị của việc học, ngoài tìm những cuốn sách nói về các nhân sỹ, trí thức các cụ còn đưa các con tiếp xúc với những người học cao để lĩnh hội kiến thức, hiểu biết cuộc sống.
Từ sự chăm sóc kỹ lưỡng của ông bà, những người con trong gia đình đều nỗ lực học tập. Lần lượt đều đỗ vào các trường Đại học. Nổi bật trong số đó là người con cả Ngô Thế Chi. Với khí chất thông minh cộng với ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình, ông đã học lên trên Đại học, rồi đạt trình độ Tiến sỹ, Giáo sư. Bản thân Giáo sư đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học giúp ích cho sự phát triển của Học viện Tài chính (nơi ông công tác) cũng như lợi ích quốc gia. Trong thời gian giữ chức vụ Giám đốc Học viện Tài chính, GS- TS Ngô Thế Chi đã xây dựng tập thể đơn vị đoàn kết và trở thành cái nôi đào tạo những cán bộ ngành tài chính của cả nước. Noi gương học tập của Giáo sư, các con ông cũng nỗ lực học giỏi và đỗ đạt cao. Hiện hai con ông đều đã bảo vệ luận án tiến sỹ và là những nhà khoa học giúp ích cho quê hương, đất nước.
Cũng như gia đình cụ Nghi, nhiều gia đình, dòng tộc ở Xuân Cẩm rất coi trọng sự học. Theo GS-TS La Bình, thôn Cẩm Xuyên, hiện nay đoàn thanh niên các cấp mới phát động phong trào: “Học để lập thân, lập nghiệp”. Còn với ông không chỉ học để lấy kiến thức mà còn học để làm người. “Cha ông tôi ngày xưa truyền cho tôi thông điệp đó và giờ đây tôi cũng truyền thông điệp đó đến các thế hệ sau”- ông Bình nói. Cũng từ tư tưởng đó, phong trào học tập ở Xuân Cẩm cứ được nhân lên, từ nhà này sang nhà khác; từ thôn này sang thôn khác; dòng họ này sang dòng họ khác và trở thành phong trào rộng khắp.
Học tập suốt đời
Trả lời câu hỏi tại sao có không ít giai đoạn, việc học ở nhiều nơi bị chùng xuống; nhiều người không đầu tư cho sự học thì Xuân Cẩm vẫn giữ vững phong trào? Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ngô Xuân Thủy cho biết: Đó là vì mọi gia đình ở đây đều thấy lợi ích từ việc học. Vì thế, bố mẹ động viên con; anh động viên em; thế hệ trước động viên thế hệ sau. Đồng thời bản thân từng người, từng thế hệ cũng gương mẫu luyện rèn, làm tấm gương sáng để các thế hệ sau phấn đấu.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể quan tâm đến công tác này. Ngoài tổ chức tuyên dương, khen thưởng kịp thời những giáo viên, học sinh tiêu biểu có thành tích trong học tập, rèn luyện. Còn quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (trường, lớp học), tạo điều kiện tốt nhất cho con em học tập. Hiện, cơ sở nhà trường các cấp học trong xã đều khang trang, đạt tiêu chí trường Chuẩn cấp quốc gia. Các dòng họ đều xây dựng Quỹ khuyến học để tặng thưởng nhằm khích lệ, động viên con em mình rèn luyện, phấn đấu. Nhờ đó phong trào học tập luôn được duy trì, phát huy mạnh mẽ cả bề rộng và chiều sâu. Làm cuộc khảo sát ở các thôn và dòng họ, đến đâu chúng tôi cũng thấy khí thế thi đua “người người học tập, nhà nhà học tập”.
Tìm hiểu được biết, phương pháp học ở Xuân Cẩm cũng đáng để các nơi áp dụng, đó là: Học từ thấp đến cao; từ dễ đến khó; từ biết ít đến biết nhiều. Cũng theo GS-TS La Bình, ở đây không có khái niệm học vài ngày, hay vài năm mà học suốt đời. Cứ miệt mài tích lũy thì sẽ có kiến thức để hiểu biết hơn, nhân nghĩa và tri thức hơn. Chính từ tâm niệm đó, hiện nay dù đã nghỉ hưu, nhưng ông vẫn miệt mài nghiên cứu và hướng dẫn những nghiên cứu sinh trình độ Tiến sỹ.
Từ phong trào học tập, người Xuân Cẩm luôn tiên phong trên nhiều lĩnh vực. Điền hình về giáo dục có GS-TS, Nhà giáo Nhân dân La Văn Bình, Ngô Thế Chi: về lĩnh vực Y tế có PGS-TS Y học Lê Văn Hợi, hiện đang làm tại Vụ tổ chức cán bộ, Tổng cục Dân số; về quân sự có Đại tá Nguyễn Văn Tường, hiện làm việc tại Bệnh viện Quân y 10, Đại tá Đào Quang Lê, Nguyên Giám đốc Nhà hát chèo Quân đội… Cùng đó, họ cũng đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Năm 2017, Xuân Cẩm đã về đích Nông thôn mới. Hiện đang phấn đấu về đích Nông thôn mới nâng cao. Đời sống của người dân ngày một cải thiện, thu nhập đầu người hiện tới 30 triệu đồng/năm; số hộ nghèo giảm nhanh, bền vững. Lần thống kê gần đây nhất, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 2,17%, là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp trong toàn huyện.
Đánh giá về phong trào học tập tại Xuân Cẩm, đồng chí Phạm Đức Sáu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học huyện Hiệp Hòa khẳng định: “Xuân Cẩm là địa phương đi đầu trong phong trào học tập của huyện. Cách làm của Xuân Cẩm đang được nhân rộng sang các địa phương khác ở Hiệp Hòa”.