Đẩy mạnh phát triển văn hóa góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở tỉnh Bắc Giang
Ngày đăng:18-10-2021
Xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ; là cuộc cách mạng, cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư ở nông thôn chung sức, đồng lòng xây dựng thôn, xã, gia đình của mình khang trang, sạch đẹp. Đồng thời, phát triển sản xuất toàn diện về nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Người dân có nếp sống văn hóa, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao.
Ảnh minh họa
Đặc trưng của nông thôn mới là phát triển kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao; nông thôn phát triển theo quy hoạch, cơ cấu hạ tầng, kinh tế, xã hội hiện đại, môi trường sinh thái được bảo vệ; dân trí được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy; an ninh tốt, quản lý dân chủ; chất lượng hệ thống chính trị được nâng cao.
Bộ tiêu chí đối với xã nông thôn mới có 19 tiêu chí; tiêu chí thứ 16 về văn hóa bao gồm xã có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bộ tiêu chí đối với huyện nông thôn mới có 9 tiêu chí; trong đó, nội dung thứ hai của tiêu chí thứ 5 về văn hóa gồm Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện đạt chuẩn, có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao kết nối với các xã, thị trấn có hiệu quả. Như vậy, tiêu chí về văn hóa đóng vai trò rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới; khắc phục tình trạng đời sống tinh thần của nhân dân còn hạn chế, nhiều nét văn hoá truyền thống đang có nguy cơ mai một (tiếng nói, phong tục, trang phục…); nâng cao dân trí, giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc.
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020,Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 145-NQ/TU ngày 14/7/2011 về “Xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang đến năm 2020”. Trên cơ sở đó, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch để thực hiện theo giai đoạn và từng năm; triển khai thực hiện thống nhất đến các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở.
Việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 145-NQ/TU đồng bộ, sáng tạo đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và toàn thể nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 03 huyệnđược công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới (Việt Yên, Lạng Giang, Tân Yên); các huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa đủ điều kiện phấn đấu đạt huyện nông thôn mới trong năm 2021; có 127/184 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 69%, cao hơn bình quân chung cả nước hiện là 61%, đứng đầu khu vực miền núi phía Bắc; có 08 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, trở thành mô hình mẫu tại các xã đã đạt chuẩn. Đến hết năm 2020 có thêm 63 thôn nông thôn mới kiểu mẫu, lũy kế toàn tỉnh 72 thôn; tỷ lệ người dân hài lòng về kết quả của các thôn đạt trên 98%. Những kết quả to lớn đó khẳng định tính đúng đắn, phù hợp của việc triển khai thôn nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Số tiêu chí bình quân/xã đạt 16,3 tiêu chí/xã, tăng 0,5 tiêu chí/xã so với năm 2019, bằng bình quân chung cả nước; không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.
Trong xây dựng nông thôn mới đã thể hiện rõ vai trò của văn hóa. Cấp ủy, ban tuyên giáo các cấp tích cực chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng, Chính phủ, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức, như tổ chức hội nghị, tuyên truyền cổ động trực quan, các cuộc thi tìm hiểu về đề tài nông thôn mới thông qua sân khấu hóa, sáng tác, liên hoan văn nghệ, thi đấu thể thao, giao lưu, tọa đàm, tuyên truyền lưu động... Qua đó, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về trách nhiệm, nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa trong xây dựng nông thôn mới được nâng lên, người dân xác định xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới là công việc của chính mình, nhiều nét đẹp trong văn hóa, trong ứng xử đã góp phần quan trọng tạo dựng môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng dân cư, mỗi gia đình và mỗi cá nhân.
Ảnh minh họa
Việc thực hiện tiêu chí văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới đã tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nông thôn, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Các địa phương đã quan tâm đến xây dựng, trùng tu, nâng cấp các thiết chế văn hóa; đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá. Hầu hết các thôn xóm, làng, bản đã bổ sung vào quy ước, hương ước tiêu chí văn hóa để toàn dân có trách nhiệm thực hiện. Phong trào xã hội hóa trong xây dựng các thiết chế văn hóa phát triển rộng khắp ở cơ sở như: nhà văn hóa, cổng làng, khu thể thao, khu vui chơi, hệ thống đèn chiếu sáng... Nhiều lễ hội, hội làng, sinh hoạt văn hóa truyền thống lành mạnh được phục hồi, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Có thể khẳng định rằng, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở góp phần phát huy tinh thần làm chủ, tính tự giác, tính sáng tạo của người dân. Vai trò của các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở được phát huy; nhiều mô hình hay, gương người tốt, việc tốt xuất hiện tạo sự lan tỏa lớn. Đặc biệt, các cấp, các ngành, địa phương đã triển khai, phát động thành phong trào thi đua thực hiện tốt Nghị quyết số 07/2017/NQ-HĐND ngày 13/5/2017, Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND ngày 11/7/2018 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạng 2017-2021, Kết luận số 43-KL/TU ngày 11/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn; vấn đề thiếu lớp học, thiếu giáo viên ở bậc học mầm non, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong những năm qua, nhiều điển hình tiêu biểu trong hiến đất làm đường giao thông, xây dựng công trình công cộng, các thiết chế văn hóa được ghi nhận, tạo sự lan tỏa lớn ở các địa phương. Tình trạng ô nhiễm môi trường, rác thải nông thôn được cải thiện; diện mạo nông thôn thay đổi nhanh chóng, khang trang, sạch đẹp hơn qua những mô hình ngày chủ nhật xanh, con đường hoa, khu dân cư xanh-sạch-đẹp; nhiều hội thi, hội diễn văn nghệ, giải thi đấu thể thao ở cơ sở được tổ chức... khẳng định thêm đóng góp to lớn của phát triển văn hóa trong xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương trên địa bàn tỉnh./.