Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, sản xuất bền vững, hài hòa
Ngày đăng:11-10-2021
Có thể khẳng định, mọi người dân đều hiểu tài nguyên nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu quyết định sự tồn tại, phát triển của con người, của sự sống trên trái đất. Nước không chỉ có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người mà còn có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến mọi lĩnh vực đời sống và các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, phục vụ quốc phòng-an ninh.
Ảnh minh họa
Tỉnh Bắc Giang có diện tích tự nhiên 3.825,75 km², chiếm 1,2% diện tích tự nhiên của cả nước. Theo tài liệu năm 2020, trong tổng diện tích tự nhiên của Bắc Giang, đất nông nghiệp chiếm 32,4%; đất lâm nghiệp có rừng chiếm 28,9%; còn lại là đồi núi, sông suối chưa sử dụng và các loại đất khác. Dân số của tỉnh trên 1,84 triệu người, đông dân nhất vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đông dân thứ 12 trong cả nước. Trong những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế nhanh, năng động, khá toàn diện thu hút hàng nghìn doanh nghiệp trong và ngoài nước, trở thành tỉnh có quy mô kinh tế đứng thứ 1 vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Tỉnh đã quy hoạch 6 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích gần 1.400 ha, trong đó có 4 KCN đã được đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ và đang thu hút đầu tư gồm các KCN: Đình Trám; Quang Châu; Vân Trung; Song Khê-Nội Hoàng và 2 KCN đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết là Việt-Hàn và KCN Hòa Phú; ngoài ra tỉnh đã quy hoạch 37 cụm công nghiệp, tổng diện tích gần 786 ha. Bắc Giang cũng là tỉnh có vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc với trên 50 nghìn ha, tập trung lớn nhất ở huyện Lục Ngạn; tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh gần 13.000 ha; nhiều trang trại chăn nuôi lớn; nhiều vùng sản xuất nông nghiệp... Do đó, nhu cầu nước cho đời sống sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ, phục vụ quốc phòng-an ninh là rất lớn, ngày càng trở nên cấp thiết.
Bắc Giang cũng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa vùng Đông Bắc; khí hậu chia làm bốn mùa rõ rệt; lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.500mm. Mạch nước ngầm khá phong phú, phủ rộng ở hầu hết mọi nơi, độ sâu không quá lớn. Lượng nước mặt tương đối dồi dào, có 3 con sông lớn chảy qua (sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam), với tổng chiều dài 347 km; hệ thống khe, suối khá dày. Có nhiều hồ nước lớn, vừa và nhỏ; trong đó, đập, hồ chứa nước lớn 23 công trình (hồ Cấm Sơn diện tích mặt nước 2.600 ha, vào mùa mưa có thể lên tới 3.000 ha; hồ Khuôn Thần; hồ Đá Ong...); đập, hồ chứa nước vừa 17 công trình; đập, hồ chứa nước nhỏ 233 công trình. Hệ thống nước mặt, nước ngầm phong phú, đa dạng là những nguồn cung cấp nước chủ yếu cho các khu vực trong tỉnh. Xét về lý thuyết là thuận lợi, đủ đáp ứng nhu cầu nước cho các ngành sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, hiện nay do tác động ngày càng sâu sắc của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, của hiện tượng El Nino và đặc biệt là nguyên nhân chủ quan của con người khiến cho những nguy cơ dẫn tới tình trạng ô nhiễm và thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước trong tương lai không xa. Khu vực miền núi rộng lớn có địa hình dốc, tình trạng phá rừng làm cho diện tích rừng bị thu hẹp, nhất là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, phá hủy thảm thực vật làm khô cạn nước đầu nguồn và giảm nghiêm trọng bổ sung lượng nước ngầm. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước (bao gồm cả nước mặt và nước ngầm) ở nhiều nơi còn khá tùy tiện, quá mức cho phép, lãng phí, chưa hiệu quả, chưa phục vụ đồng thời nhiều mục tiêu. Việc xử lý để tái sử dụng nước hoặc khi trở lại môi trường tự nhiên còn nhiều hạn chế. Điều đó tác động nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt, nhiều hồ thủy lợi thiếu nước, thậm chí khô cạn; rất nhiều khu vực thiếu nước về mùa khô; một số vùng thiếu nước sản xuất nông nghiệp, phải chuyển đổi cây trồng, mùa vụ không theo mong muốn. Ý thức bảo vệ môi trường nước của một số doanh nghiệp, một bộ phận lớn người dân ở dọc các lưu vực sông lớn chưa tốt, dẫn tới nguồn nước bị ô nhiễm, không đảm bảo cho sinh hoạt ở khu vực thành phố, đô thị, các khu, cụm công nghiệp. Những nguy cơ đó đã, đang và sẽ tiếp tục tác động đến đời sống, sức khỏe người dân, gia súc, gia cầm, vật nuôi, mùa màng ở nhiều vùng, ảnh hưởng tới tốc độ, chất lượng tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và môi trường sinh thái tự nhiên.
Để đảm bảo nguồn nước chất lượng, bền vững, phục vụ tốt đời sống sinh hoạt và sản xuất cả trước mắt cũng như trong tương lai, theo tác giả thì các cấp, các ngành nói chung, đội ngũ cán bộ các cơ quan khối khoa giáo, ban tuyên giáo các cấp nói riêng cần quan tâm một số nội dung sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật tài nguyên nước; về vai trò đặc biệt quan trọng của nguồn nước đối với đời sống sinh hoạt, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước và mỗi địa phương. Từ đó có trách nhiệm, ý thức tự giác trong việc bảo vệ, tái tạo nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả bằng những hành động cụ thể, thiết thực, đó cũng chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội.
2. Tuyên truyền, quán triệt và thực thi nghiêm túc các chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về tăng cường trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ở khu vực miền núi của tỉnh, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Chú trọng khôi phục, tăng diện tích thảm rừng để lưu giữ tối đa lượng nước mưa, đảm bảo vừa phòng chống lũ lụt, sạt lở, cháy rừng, bảo vệ môi trường sống, vừa bổ sung lượng nước ngầm, nước đầu nguồn bền vững.
3. Xây dựng, triển khai thực hiện tốt các chương trình phối hợp giữa các địa phương (cả trong và ngoài tỉnh) có chung lưu vực sông, suối, bảo vệ môi trường nguồn nước mặt; sử dụng khoa học, tiết kiệm, hiệu quả các hồ nước hiện có phục vụ thủy lợi, sản xuất công nghiệp và sinh hoạt. Quản lý khai thác hiệu quả, hợp lý nguồn nước ngầm, nhất là các giếng khoan lớn ở các vùng cây ăn quả, khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung lớn, khu trang trại chăn nuôi.
4. Tuyên truyền nhân dân hạn chế sử dụng hóa học, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp làm ô nhiễm nguồn nước mặt. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những vi phạm về sử dụng nguồn nước, xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, nhất là các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn.
5. Tuyên truyền các cấp, các ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, sử dụng nguồn năng lượng sạch, tham gia tích cực vào cam kết giảm khí thải nhà kính, chống biến đổi khí hậu của Chính phủ; tham gia có trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường; tuyệt đối không xả khí thải, nước thải độc hại chưa quan xử lý ra môi trường. Có trách nhiệm cùng toàn xã hội trong việc thu gom xử lý chất thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ, hệ thống thoát nước; triển khai có hiệu quả các giải pháp, sáng kiến về giảm tác hại do biến đổi khí hậu gây ra trên địa bàn tỉnh/..