Đẩy mạnh công tác lịch sử Đảng góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ ở Đảng bộ tỉnh Bắc Giang
Ngày đăng:12-08-2021
Ngày 28/9/1962, Ban Bí thư (khóa III) ra Thông tri 91-TT/TW về việc thành lập Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng ở các khu, thành, tỉnh miền Bắc đã trở thành sự kiện, mốc son lịch sử đối với ngành lịch sử Đảng. Sau gần 60 năm hình thành và phát triển, công tác lịch sử Đảng ở Đảng bộ tỉnh Bắc Giang luôn được cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Ảnh minh họa
Năm 1988 Trường Chính trị tỉnh và Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng sáp nhập với Ban Tuyên huấn thành Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Mặc dù, tên gọi, cơ cấu tổ chức có sự thay đổi để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, nhưng đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo, công tác lịch sử Đảng luôn nỗ lực phấn đấu, vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần quan trọng xây dựng Đảng, hệ thống trị trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là giáo dục lịch sử vẻ vang của Đảng và đất nước tới cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.
Cùng với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng của tỉnh (nay là một bộ phận quan trọng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) đã tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, biên tập, xuất bản nhiều sách lịch sử của Đảng bộ, tiêu biểu như: “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, tập I (1926-1975)”; “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, tập II (1975-2005)”; “Bắc Giang những chặng đường lịch sử”; “Những tập thể và cá nhân anh hùng tỉnh Bắc Giang”; “Lịch sử an toàn khu II ở huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang”; “Lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tỉnh Bắc Giang”; Kỷ yếu “Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang qua các thời kỳ”’; “Góp phần tìm hiểu lịch sử tỉnh Bắc Giang: Hỏi và Đáp”; “Những tập thể và cá nhân anh hùng tỉnh Bắc Giang thời kỳ từ năm 2004-2020”; hiện nay đang triển khai thực hiện Đề tài khoa học “Sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, biên tập xuất bản sách lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Giang tập III (2005-2020)” và số hóa Văn kiện Đảng bộ tỉnh toàn tập (từ năm 1938 đến nay)... Qua đó, góp phần liên tục tiếp nối, nhân lên ngọn lửa cách mạng của Đảng bộ tỉnh; nâng cao nhận thức, bồi đắp niềm tin, lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng; có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước.
Tính đến nay, đã có 42/51 sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh hoàn thành nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách, kỷ yếu lịch sử; 10/10 huyện, thành phố đã biên soạn, xuất bản, tái bản sách lịch sử đảng bộ; 100% xã, phường, thị trấn hoàn thành biên soạn lịch sử đảng bộ, nhiều đơn vị đã tổ chức tái bản lần 1, lần 2; 100% Trung tâm Chính trị các huyện, thành phố, các trường THPT, trung tâm GDTX-DN, trường THCS trong tỉnh đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy. Các cơ quan báo, đài của tỉnh tích cực tuyên truyền về lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của tỉnh, các ngành, địa phương. Từ năm 2015, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Giang phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình Gameshow “Bắc Giang-Hành trình lịch sử, văn hóa” tạo sân chơi lịch sử, văn hóa bổ ích cho học sinh, thanh thiếu nhi của tỉnh.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác lịch sử cũng gặp không ít khó khăn. Đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử còn thiếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn có mặt hạn chế; kinh phí, cơ sở vật chất để phục vụ nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách lịch sử đảng bộ khó khăn; tư liệu lịch sử còn bị tản mát, nhiều nhân chứng lịch sử đã qua đời... ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ biên soạn, xuất bản sách lịch sử ở một số địa phương.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, biên tập, xuất bản sách lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống và tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, thời gian tới, hệ thống tuyên giáo của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, sáng tạo Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”. Chú trọng công tác tổng kết lịch sử, sưu tầm, số hóa lưu trữ tài liệu, tư liệu lịch sử; kịp thời biên tập, phát hành sách lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của các ngành, địa phương. Tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn kinh phí và đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân để xây dựng các công trình lịch sử; làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo, khai thác hiệu quả và phát huy giá trị các di tích lịch sử. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức sinh động, phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận và thụ hưởng giá trị lịch sử, văn hóa, đặc biệt là học sinh, sinh viên, thanh thiếu nhi./.