Tháng 3 năm 1928, chi hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đầu tiên của tỉnh Bắc Giang thành lập
Ngày đăng:15-03-2016
Sau một quá trình tìm đường cứu nước với nhiều gian khổ, tại Paris (thủ đô của nước Pháp), đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước chân chính theo chủ nghĩa Mác- Lênin vào năm 1920 khi Người đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin.
Tìm được đường lối cứu nước vốn đã khó khăn nhưng truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước để thức tỉnh đồng bào, lãnh đạo đồng bào theo con đường cách mạng vô sản là công việc gặp nhiều khó khăn, gian khổ. Nửa đầu thế kỷ 20, phong trào yêu nước ở tỉnh Bắc Giang rất sôi động với nhiều khuynh hướng yêu nước. Những thanh niên trí thức của Phủ Lạng Thương bằng nhiều con đường đã nhanh chóng tiếp thu được sự truyền bá của chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ năm 1926, những người con ưu tú nhất của tỉnh Bắc Giang như Nguyễn Hữu Căn, Nguyễn Trọng Ngọc, Nguyễn Văn Mẫn… đã tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, con đường cách mạng vô sản do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn từ nước ngoài truyền bá về trong nước. Học viên được học những điều rất mới: sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, phải lập ra Đảng của giai cấp công nhân để lãnh đạo cách mạng, cuộc cách mạng ở Việt Nam trước tiên phải làm cách mạng giải phóng dân tộc rồi tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa; lực lượng cách mạng là công nông, các thành phần khác là bạn; đối tượng của cách mạng là đế quốc và phong kiến; cách mạng nước ta phải đi theo con đường cách mạng nước Nga… Ngoài học tập lý luận, các học viên còn được học tập phương pháp tổ chức “Thanh niên” và các hội phổ thông quần chúng, học năm bước công tác cách mạng: điều tra, tuyên truyền, huấn luyện, đấu tranh. Kết thúc khóa học, đồng chí Nguyễn Hữu Căn và Nguyễn Trọng Ngọc được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và được phân công về Bắc Giang xây dựng cơ sở Hội.
Vốn ở tuổi thanh niên tràn đầy nhiệt huyết yêu nước, có sức khỏe, nhanh nhẹn lại được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện ở Quảng Châu là nền tảng giúp cho cơ sở Việt Nam Cách mạng Thanh niên và phong trào cách mạng trong tỉnh Bắc Giang được xây dựng và phát triển nhanh chóng.
Giữa năm 1927, Kỳ hội Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ đã cử Nguyễn Hữu Căn, Nguyễn Trọng Ngọc đến hỗ trợ Nguyễn Tuân (tức Kim Tôn) xây dựng cơ sở Hội ở Thị Cầu - Đáp Cầu. Tháng 7 năm 1927, chi hội Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Thị Cầu -Đáp Cầu được thành lập. Tại Phủ Lạng Thương, Nguyễn Hữu Căn và Nguyễn Trọng Ngọc tuyên truyền ba anh em Trịnh Hữu Chiêm, Trịnh Thị Uyển, Trịnh Thị Nhu (ở Thùng Đấu, tổng Thọ Xương), Nguyễn Văn Mẫn (ở phố Tiền Môn), Khổng Văn Quỳ (ở Châu Xuyên), Dương Văn Phái quê ở Nội Hoàng, Yên Dũng học ở Phủ Lạng Thương.
Tháng 3 năm 1928, ở Thùng Đấu (thị xã Phủ Lạng Thương nay thuộc thành phố Bắc Giang), Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên của tỉnh Bắc Giang được thành lập gồm Trịnh Hữu Chiêm, Trịnh Thị Uyển, Trịnh Thị Nhu, Nguyễn Văn Mẫn, Khổng Văn Quỳ, Dương Văn Phái, do đồng chí Trịnh Hữu Chiêm làm Bí thư. Cuối năm 1928, Chi hội Ấp Tam Sơn (phủ Lạng Giang) thành lập. Ngoài hai chi hội trên đây, tại làng Thổ Hà (thuộc xã Vân Hà) và làng Đạo Ngạn (thuộc xã Quang Châu, huyện Việt Yên), mỗi làng có một hội viên sinh hoạt ghép với các chi hội của tỉnh Bắc Ninh. Sau khi thành lập, Chi hội Thùng Đấu đã mở lớp học chính trị ngắn ngày cho các hội viên, nhằm trau dồi cho hội viên những kiến thức cần thiết về cách mạng. Đồng thời cả hai chi hội cũng đề ra kế hoạch mở rộng địa bàn hoạt động, phát triển cơ sở Hội, phát triển hội viên. Trong điều kiện vận động, tuyên truyền và giác ngộ cách mạng tới đội ngũ thanh niên trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm trước sự lùng bắt, khủng bố của chính quyền thực dân và tay sai nhưng với nhiệt huyết yêu nước và sự nhanh nhẹn, sáng tạo của tuổi thanh xuân, Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả ban đầu.
Sự ra đời của Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên của tỉnh Bắc Giang đánh đấu sự chuyển biến mạnh mẽ của phong trào yêu nước nước, đó là sự kế thừa truyền thống, đồng thời là sự xác lập nền tảng của tổ chức cách mạng theo Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở tỉnh Bắc Giang, tạo đà vững chắc cho phong trào cách mạng về sau.
Ngô Văn Cường- Phòng Lý luận Chính trị và Lịch sử Đảng