Tỉnh Bắc Giang bước vào những ngày đầu mùa hạ cũng là lúc bước vào trận chiến với quân địch mới vô hình mang tên vi rút Sars-CoV-2. Điều đặc biệt và khó khăn đối với Bắc Giang trong làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam đó là số ca nhiễm Covid-19 xuất hiện ở các khu công nghiệp. Nơi địa bàn dân cư đông đúc, công nhân trong mỗi xưởng sản xuất hàng trăm, mỗi công ty hàng nghìn người hằng ngày sinh hoạt, ăn, nghỉ, làm việc cùng nhau. Như vậy việc lây nhiễm có nguy cơ cao hơn.
Là một sinh viên Y khoa đang theo học năm thứ 3 Trường Đại học Y Thái Nguyên, tôi được trở về nhà do nhà trường cho sinh viên nghỉ học để chống dịch. Đó là những biện pháp đầu tiên của trường học để đối phó với làn sóng lần thứ 4 này. Một quyết định đúng đắn và kịp thời. Hằng ngày, ngoài việc học online theo chương trình của Khoa, tôi dành thời gian nghe thời sự Bắc Giang, VTV1 , đọc báo, xem tin tức và thực hiện 5K, “Ai ở đâu ở yên chỗ đó”, hạn chế tối đa không ra khỏi nhà theo hướng dẫn của tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng và các thông báo thường xuyên trong tỉnh được phát đi. Những ngày sau đó, số ca mắc Covid-19 trong tỉnh ngày một tăng theo cấp số nhân. Từ vài chục trường hợp đến vài trăm trường hợp một ngày. Lại hay tin bạn bè trong trường mình ở những khu vực không bị hạn chế đi lại đã đăng ký và được thành lập đội hình do các thầy cô giáo dẫn đầu đi tình nguyện chống dịch ở các địa phương. Trong lòng như có lửa đốt, một sinh viên năm 3 như mình có thể đóng góp có ích cho tỉnh mình trong công cuộc dập dịch này như thế nào? Đang trăn trở thì thấy vài bạn bè trên mạng xã hội đang lan truyền hình ảnh bức thư kêu gọi Thanh niên xung phong tham gia chống dịch bệnh Covid-19 của Tỉnh đoàn Bắc Giang. Giống như một luồng ánh sáng chạy qua mắt, “Đây rồi!” tôi như hét lên. Và thế là tôi cùng hằng trăm người bạn trẻ đã đăng ký tham gia Đội Thanh niên tình nguyện phản ứng nhanh cấp tỉnh phòng chống dịch bệnh Covid-19 như thế.
Quang cảnh buổi họp thành lập tổ tình nguyện số 3
Ngày 17/5/2021, sau một ngày nộp đơn đăng ký tham gia tình nguyện chúng tôi đã được triệu tập đến Phòng họp số 3, tầng 4, Trung tâm Hội nghị tỉnh để thành lập đội và nghe phổ biến nhiệm vụ. Lần đầu gặp nhau, không ai quen ai, ngồi trong cùng 1 phòng họp, tất cả mọi người đều giữ trật tự. Có một điểm chung giữa những con người đang ngồi đây là đôi mắt ai cũng sáng, cũng ánh lên vẻ quyết tâm, hy vọng và chờ đợi nhiệm vụ của mình. Sau khi được nghe các đồng chí ở Tỉnh đoàn Bắc Giang thông tin vắn tắt, chúng tôi được biết chỉ sau 48 giờ mở cổng đăng ký tình nguyện online của Tỉnh đoàn Bắc Giang đã có trên 800 lượt người đăng ký tham gia tình nguyện. Đến thời điểm này đã có 02 tổ tình nguyện đi vào hoạt động. Hôm nay, Tỉnh đoàn tiếp tục tuyển tình nguyện viên để thành lập tổ số 3 tạm gọi là “Nhập dữ liệu tại CDC 45 Nghĩa Long”. Sau khi lọc theo yêu cầu nhiệm vụ, 60 người chúng tôi được tách ra thành lập tổ tình nguyện số 03 thuộc Đội Thanh niên tình nguyện phản ứng nhanh cấp tỉnh phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Đồng chí Giáp Xuân Cảnh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang thăm, động viên, tặng áo đồng phục, giao nhiệm vụ cho Tổ tình nguyện số 03
Ngày 18/5/2021, ngày đầu tiên làm nhiệm vụ tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang. Sau một hồi tập huấn, chúng tôi bắt tay ngay vào thực hiện. Công việc của tổ là nhập dữ liệu thông tin người được mẫu xét nghiệm. Từng thông tin về người được lấy mẫu được nhập vào trường dữ liệu của Trung tâm. Hằng ngày, hầu hết các mẫu thu được từ các địa phương trong tỉnh phần lớn sẽ được chuyển đến đây để xét nghiệm. Một số ít được chuyển đến Hà Nội. Ngày đầu tiên làm việc, do mới bắt đầu, các tình nguyện viên mất khá thời gian để làm quen, học cách làm việc và do phải nhập số lượng lớn dữ liệu từ những ngày trước đó (Do không đủ nhân lực) nên chúng tôi phải làm việc đến 23h30’ mới xong nhiệm vụ và được trở về nhà. Ngày hôm nay nhập được 10.475 dữ liệu mẫu trên máy tính.
Ngày 19/5/2021, ngày thứ hai làm việc tại Trung tâm, công việc đã bắt đầu quen tay, mọi người tập trung với trường dữ liệu của mình. Một không khí rất khẩn trương, nghiêm túc, cẩn trọng. Ngoài kia các y bác sĩ, công an, quân đội … đang “Thần tốc dập dịch”. Vậy được ngồi trong phòng làm việc, tổ chúng ta cũng phải mau lẹ. Một bạn tình nguyện viên bất giác “Hôm nay là sinh nhật Bác”. Mọi người dừng lại một chút, mấy chục con mắt nhìn nhau, nở nụ cười “Nhớ về Bác, lòng con trong sáng hơn. 19/5 năm nay, những học sinh sinh viên chúng con đón một sinh nhật Bác trong điều kiện đặc biệt. Không có âm nhạc, sinh hoạt truyền thống, không có tập trung tại sân trường. Nhưng chúng con vẫn luôn ghi nhớ và càng càng quyết tâm hơn thực hiện lời dạy của Người – đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Công việc của ngày thứ hai khép lại vẫn là 23h30’ với tổng số dữ liệu được nhập là 18.000.
Công việc những ngày sau đó tiếp tục như thế cho đến hết ngày 22/5/2021, tổng số dữ liệu được nhập là 65.000. Tổ số 03 chúng tôi được nghỉ một ngày. Đến cuối ngày nghỉ đó, các anh chị cán bộ Đoàn phụ trách tổ thông tin việc nhập dữ liệu đã được thay đổi mô hình, cách thức làm việc chuyển việc nhập liệu về các huyện, thành phố. Nơi nào được lấy mẫu xét nghiệm sẽ phải bố trí tình nguyện viên tại địa phương nhập liệu để đảm bảo tiến độ.
Vậy là từ ngày 23-29/5/2021, cả nhóm chúng tôi được tạm nghỉ công việc nhập liệu tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh mà nhập với tổ tình nguyện số 4 tham gia vận chuyển hàng hóa, lương thực, thiết bị bảo hộ y tế từ các tỉnh bạn đến Bắc Giang, thông qua tổ chức Đoàn Thanh niên chuyển đến các khu cách ly tập trung, vùng cách ly tại nhà trọ công nhân, khu dân cư gặp khó khăn, trang thiết bị y tế cho các y bác sĩ… Mỗi ngày có hàng nghìn thùng hàng được vận chuyển đến nơi tập kết và được vận chuyển đi. Có ngày có đến 6-7 tấn gạo. Hằng ngày, những học sinh, sinh viên như chúng tôi được gia đình chăm sóc, bao bọc, chỉ quen làm việc với bút, giáo án, bài vở, xem điện thoại khiến cho tôi cảm giác như những “tiểu thư, công tử” trắng trẻo mà cớm nắng. Khi mới đến nhận nhiệm vụ “khuân vác” ai nấy đều sạch sẽ, gọn gàng. Lần đầu chưa quen phải vác những bao gạo 20kg trên vai có những bạn “ui za!”. Nhưng quả nhiên không gì ngăn được sức trẻ “tuổi 19, đôi mươi bẻ gãy sừng trâu” giờ mới được hiện thực hóa. Qua mấy lần đón bao gạo 20kg lên vai và đi phăm phăm hết chuyến này đến chuyến khác các bạn nữ đã cột tóc lên gọn gàng, các bạn nam có bạn to khỏe sẵn sàng vác cả 2 bao cùng một lúc. Bê vác nặng như vậy nhưng tình nguyện viên vẫn thực hiện các quy tắc phòng chống dịch như liên tục sát khuẩn tay, phun khử khuẩn toàn bộ người, đeo khẩu trang y tế đúng cách.
Thanh niên tình nguyện tham gia thành lập bệnh viện, khu điều trị bệnh nhân dã chiến
Thế nhưng, những công việc đó vẫn chưa thấm vào đâu so với nhiệm vụ tiếp theo của liên quân tổ 3 cộng tổ 4 đó là đi “setup” thành lập liên tục những bệnh viện, trung tâm điều trị bệnh nhân dã chiến. Đây mới thực sự là một trải nghiệm đáng nhớ nhất từ ngày đầu đi tình nguyện đến giờ. Chúng tôi liên tục đến từng địa điểm khác nhau. Cứ xong một bệnh viện dã chiến này lại đến một khu điều trị bệnh nhân dã chiến khác. Nhiệm vụ của tình nguyện viên là khuân hết đồ đạc từ trong phòng ở ký túc xá hay phòng học của những phòng ở, trường học ra ngoài, phân loại, sắp xếp cẩn thận. Dọn vệ sinh sạch sẽ trong phòng. Đón giường gỗ, giường sắt từ những chuyến xe tải liên tục cập “bến”. Khiêng lên phòng và lắp. Mỗi một bệnh viện dã chiến như vậy có sức chứa thường vài trăm cho đến 1000 giường bệnh. Điều quan trọng là phải làm xong mới được nghỉ vì số lượng bệnh nhân dương tính vẫn đang rất nóng. Bất kể là tối muộn hay ban ngày nóng như thiêu như đốt. Chưa kể đến những khu vực từng là khu cách ly tập trung của F1 giờ chuyển thành khu điều trị bệnh nhân dương tính, chúng tôi vừa lao động vừa phải mặc bộ đồ bảo hộ y tế kín như bưng. Có những lần khi xong việc là khoảng 1 giờ sáng ngày hôm sau.
Ngày 30/5/2021, một buổi sáng tỉnh giấc sau đêm đi lao động về muộn, tôi nhắm mắt lại vì muốn được ngủ thêm. Có thoáng qua cảm giác ngại. “Hay là nghỉ một ngày nhỉ? Tự thưởng cho mình sau 2 tuần lao động?”. Bỗng nghe tiếng mẹ nói chuyện dưới nhà “Hàng cây muồng hoàng yến ở khuôn viên trước nhà mình đã nở hoa vàng rực sai trĩu cành rồi mà không có người ngắm. Mọi năm thanh niên đến chụp ảnh, ngắm cây đông lắm”. Phải rồi, điều gì đã khiến cho thành phố xinh đẹp của chúng tôi trở nên buồn như thế? Dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho thành phố đang phát triển sôi động bỗng chậm lại. Phải đi chứ, mỗi hành động tình nguyện đúng đắn từ mỗi người dân lúc này đều góp sức cùng với chính quyền đẩy lùi dịch bệnh.
Tôi cùng 28 thành viên trong tổ số 3 được phân công thực hiện nhiệm vụ mới phù hợp với chuyên môn học ngành y. Các bạn còn lại tiếp tục hỗ trợ tổ 4 lao động. Suốt 2 ngày chúng tôi được Phòng xét nghiệm dã chiến BioCovid tập huấn cho cách lấy mẫu tại cộng đồng, cách phân luồng hướng dẫn người dân xếp hàng thứ tự, nhập dữ liệu thông tin người được lấy mẫu, đóng gói và vận chuyển mẫu về Phòng xét nghiệm dã chiến BioCovid.
Tổ tình nguyện đi thu mẫu tại cộng đồng
Những ngày sau, khi công việc đã vận hành thành thạo, tình nguyện viên chúng tôi được xét nghiệm với Sars-CoV-2 cứ 5-6 ngày một lần để đảm bảo an toàn. Từ ngày 31/5/2021 đến nay, nhóm chúng tôi đã hỗ trợ các y bác sỹ thu được trên 20.000 nghìn mẫu. Một buổi chiều, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bàn giao công việc lại cho ca trực sau, nhẹ nhàng ra ngoài, bỗng nghe đoạn nhạc vang lên từ chiếc loa di động của một bạn tình nguyện viên “Hãy bay lên nào trái tim thanh niên. Vì cuộc sống này từng ngày bình yên. Khi Tổ quốc cần thanh niên ta tiến lên…”. Bạn có khi nào nghe nhạc mà xúc động như chúng tôi lúc này? Một cảm giác cay cay sống mũi và tự hào vì thanh xuân chúng tôi đã đi cùng nhau, sống có ích…