Bắc Giang: kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao
Ngày đăng:29-04-2021
Sau 10 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ thể dục thể thao đến năm 2020”, công tác thể dục thể thao tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào thành tích chung trong sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch, nhất là chuẩn bị bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Đẩy mạnh phát triển thể dục thể thao toàn dân, thể thao trong cộng đồng; tập trung phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp. Phát triển mạnh các phong trào rèn luyện thân thể. Tăng cường công tác y tế học đường”.
Công tác thể dục thể thao là một bộ phận quan trọng, không thể thiếu trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nhằm nâng cao sức khỏe, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, tạo sức mạnh và động lực phát triển đất nước. Nhận thức rõ điều này, ngay sau khi Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 01-12-2011 về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020”; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác này như: Công văn số 246-CV/TU, ngày 17/4/2012 về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND, ngày 11/7/2019 Quy định mức chi để thực hiện chế độ đối với HLV, VĐV thể thao thành tích cao, hỗ trợ chế độ dinh dưỡng đối với học sinh năng khiếu thể thao, chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Quyết định số 411/QĐ-UBND ngày 30/11/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và triển khai thực hiện một số nội dung trong Quy hoạch phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang; Quyết định số 1712/QĐ-UBND ngày 8 tháng 6 năm 2012 về phê duyệt “Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020”; Quyết định số 1025/QĐ-UBND ngày 10/6/2015 về việc phê duyệt Đề án phát triển hệ thống thiết chế Văn hóa, Thể thao tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030…
Ảnh minh họa
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08- NQ/TW ở Đảng bộ tỉnh, với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội cùng những nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, người lao động trong ngành, công tác TDTT của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào thành tích chung trong sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch, nhất là chuẩn bị bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác TDTT đã được nâng lên rõ rệt. Nhờ đó, việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và phát triển phong trào TDTT đã được chú trọng, quan tâm tốt hơn. Ở nhiều địa phương, các cấp uỷ đảng, chính quyền đã coi trọng, xác định TDTT là một trong những hình thức, biện pháp hữu hiệu để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hoá mới, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay 100% số trường thực hiện đầy đủ nội dung, chương trình môn học giáo dục thể chất trong chương trình giáo dục; toàn tỉnh hiện có trên 95% cơ sở giáo dục có đủ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học, đáp ứng nhu cầu tối thiểu theo quy định; có gần 2.000 câu lạc bộ thể thao trong các cơ sở giáo dục; 118 bể bơi cố định và lắp ghép, 53 nhà đa năng, hơn 500 sân tập. Phối hợp tập huấn và tham gia thi đấu Hội khỏe Phù đổng toàn quốc lần thứ VIII/2012 tại Cần Thơ giành được 106 huy chương các loại (34 HCV, 24 HCB, 48 HCĐ) và xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố về tổng sắp huy chương và xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố về điểm (thành tích chung của đoàn Bắc Giang); Hội khỏe Phù đổng toàn quốc lần thứ IX năm 2016 đoàn thể thao Bắc Giang tham gia thi đấu đạt được 133 huy chương các loại (40 HCV, 44 HCB, 49 HCĐ) xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố về tổng số huy chương và xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố về điểm.
Phong trào TDTT quần chúng ở cơ sở tiếp tục được phát triển rộng trên tất cả các đối tượng và địa bàn theo hướng xã hội hóa với nhiều hình thức đa dạng; chất lượng phong trào từng bước được nâng lên. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được mở rộng, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng, đến hết năm 2020 toàn tỉnh đã có 35,5% tỷ lệ người tập TDTT thường xuyên (tăng 8,3% so năm 2011 là 27,2%); số hộ gia đình thể thao là 55.600 hộ (tăng 9.600 hộ so năm 2011 là 46.000); số hội, câu lạc bộ TDTT theo quy định là 2.700 câu lạc bộ TDTT đơn môn, đa môn (tăng 1.102 CLB so năm 2011 là 1.598). Các giải thể thao trong quần chúng, lực lượng vũ trang thường xuyên được tổ chức. Hệ thống thiết chế thể thao ở cơ sở được quan tâm xây dựng. Các hoạt động thể dục, thể thao cho người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm thực hiện.
Thể thao thành tích cao có bước tiến bộ vượt bậc; số huy chương đạt được trong các giải quốc gia, khu vực, quốc tế của thể thao Bắc Giang năm sau đều cao hơn năm trước: năm 2012 tập huấn và thi đấu 41 giải quốc gia, quốc tế, giành được 94 huy chương các loại; đến năm 2020,tập huấn và tham gia thi đấu 50 giải trong nước, giành được 295 huy chương các loại.
Hệ thống cơ sở vật chất từng bước được quan tâm đầu tư xây dựng, toàn tỉnh hiện có 534 nhà tập luyện, thi đấu, hơn 600sân bóng đá các loại, trên 3.000 sân bóng chuyền hơi, 60 sân quần vợt và 01 Nhà thi đấu thể thao mới được khánh thành và đã đi vào hoạt động với sức chứa 4.500 chỗ ngồi…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác TDTT của tỉnh Bắc Giang thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Do nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của công tác TDTT, nên một số cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là ở cơ sở còn chưa thực sự quan tâm đến công tác này; phong trào TDTT phát triển chưa sâu rộng, nhất là ở nông thôn, miền núi và ở các khu công nghiệp; công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong học sinh, sinh viên kết quả đạt chưa như mong muốn; văn minh, văn hóa trong thể thao và hưởng thụ thể thao còn thấp; các nguồn lực đầu tư cho TDTT còn hạn hẹp, việc quy hoạch sân bãi, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục thể chất trong nhà trường còn hạn chế…
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác TDTT theo tinh thần Nghị quyết số 08- NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như:
Một là, tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 08- NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác TDTT, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác TDTT.
Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học-bộ phận quan trọng của phong trào TDTT; phát triển mạnh các hoạt động thể thao của học sinh, sinh viên bảo đảm mục tiêu phát triển thể lực toàn diện và kỹ năng vận động cơ bản của học sinh, sinh viên, góp phần đào tạo năng khiếu và tài năng thể thao…
Ba là, đẩy mạnh hoạt động TDTT quần chúng thông qua phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”; phát triển các môn thể thao dân tộc và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong các hoạt động TDTT; chú trọng phát triển TDTT trong lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Bốn là, nâng cao hiệu quả đào tạo tài năng TDTT, chú trọng đội ngũ kế cận có chất lượng; đổi mới tổ chức, quản lý thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp; ưu tiên đầu tư của Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo vận động viên các môn thể thao, nhất là những môn thể thao trọng điểm,…
Năm là, tích cực và chủ động thể chế hoá các chủ trương của Đảng, nhằm tạo dựng các hành lang pháp lý để tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá TDTT và thu hút mọi nguồn lực của xã hội, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia phát triển sự nghiệp TDTT…
Sáu là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài và cán bộ TDTT, đặc biệt là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho các vận động viên, huấn luyện viên trong các đội tuyển với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Đảng.
Bảy là, các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác TDTT, nhất là TDTT cơ sở; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác TDTT; xây dựng tổ chức và bố trí cán bộ có phẩm chất và năng lực để lãnh đạo, quản lý công tác TDTT; trong đó, chú trọng cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ về TDTT tham gia cơ cấu lãnh đạo, quản lý./.