Ngày 16 tháng 2 năm 1940, Chi bộ Đảng tổng Hoàng Vân (Hiệp Hòa) được thành lập, góp phần làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Bắc Giang
Ngày đăng:22-02-2016
Nhờ vị trí địa lý Sông Cầu có nhiều soi bãi rộng, cây cối um tùm nên nhiều làng, xóm của huyện Hiệp Hòa và Phú Bình rất thuận tiện cho hoạt động bí mật của cán bộ cách mạng như hội họp, mở các lớp huấn luyện về chính trị, quân sự...
Trong các làng, xóm ven sông Cầu nhân dân sống khổ cực do sự cai trị hà khắc của bọn quan lại và cách chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, nhân dân đoàn kết chống sưu cao, thuế nặng, nhiều người tìm đến ánh sáng cách mang.
Tháng 8 năm 1938, đồng chí Ngô Tuấn Tùng (con cụ Đồ Ba, làng Vân Xuyên, được anh trai là Ngô Văn Đán đang theo học ở Sen Hồ giác ngộ cách mạng) được giao nhiệm vụ bí mật đưa đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ từ Phủ Lạng Thương về Hoàng Vân ở tại nhà cụ Đồ Ba để gây dựng cơ sở cách mạng. Kể từ đó gia đình cụ Đồ Ba trở thành cơ sở cách mạng của Đảng, có nhiều cán bộ cách mạng đi lại, ăn ở được cụ tiếp đón, nuôi giấu chu đáo. Cũng từ đây đồng chí Hoàng Quốc Việt được đồng chí Ngô Tuấn Tùng bí mật đưa đi tìm hiểu các xóm làng, địa hình và tuyên truyền giác ngộ vào những gia đình nông dân thuộc làng Vân Xuyên và các làng xung quanh. Trong thời gian ngắn cơ sở đã được mở rộng tới cả ba xóm của Vân Xuyên: xóm Đông, xóm Trung và đặc biệt là xóm Đá. Xóm Đá, làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa đã có nhiều gia đình trở thành cơ sở cách mạng. Xóm Đá có 37 hộ thì có 33 gia đình nuôi, bảo vệ cán bộ về hoạt động, là cơ sở của Đảng vững chắc. Cán bộ về hoạt động ở nhà ai cũng được, trong đó có nhiều gia đình thường xuyên nuôi, bảo vệ cán bộ như gia đình cụ Đồ Ba, ông Chế, bác Cống, bác Thơ Nhân, bà Sính... Kể từ đó, xóm Đá được cán bộ cách mạng về hoạt động mở lớp huấn luyện, chỉ đạo phong trào cách mạng ở đây gọi xóm Đá là xóm Đỏ. Với cơ sở cách mạng được xây dựng trên nền tảng với điều kiện địa lý thuận lợi, nhân dân giàu truyền thống yêu nước, sự giác ngộ cách mạng đông đảo của nhân dân nên từ năm 1938 đến năm 1939, Hoàng Vân trở thành cơ sở cách mạng vững chắc.
Thi hành chủ trương của Trung ương, tháng 6 năm 1939 Xứ ủy Bắc kỳ cử đồng chí Lê Hoàng, Xứ ủy viên Bắc Kỳ về phụ trách phong trào cách mạng hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, với nhiệm vụ: Củng cố cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng, chuẩn bị rút vào bí mật; xây dựng một hệ thống cơ sở cách mạng từ Bắc Ninh lên Bắc Giang làm đường dây liên lạc của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ lên các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên.
Với nhiệm vụ cụ thể được Trung ương giao, đồng chí Lê Hoàng đã xây dựng được một số cơ sở ở Hoàng Vân, ấp Ba huyện (Hiệp Hòa), Hương Gián (Yên Dũng), Đại Từ (Lục Nam)...
Tại huyện Hiệp Hòa, sau một thời gian hoạt động ở tổng Hoàng Vân, gây dựng được cơ sở vững chắc, giác ngộ được nhiều quần chúng tin theo Đảng, ngày 16 tháng 2 năm 1940, đồng chí Lê Hoàng đã lựa chọn và tổ chức kết nạp 3 quần chúng là Ngô Văn Triệu (Tiêu), Nguyễn Văn Cường (Ấp), Ngô Duy Thạnh (Phương) vào Đảng Cộng sản Đông Dương (tức Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay) và tổ chức ra chi bộ Hoàng Vân, đồng chí Lê Hoàng trực tiếp làm Bí thư. Trong bối cảnh hoạt động với nhiều hiểm nguy của kẻ địch, ra đời dù trong không gian hẹp nhưng Chi bộ Đảng Hoàng Vân đã có vai trò xây dựng cơ sở, tuyên truyền, giác ngộ quần chúng theo cách mạng, là nơi đào tạo, rèn luyện nhiều cán bộ, Đảng viên của Đảng bộ tỉnh, góp phần làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Bắc Giang.
Ngô Văn Cường- Phòng Lý luận Chính trị và Lịch sử Đảng