Giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống: Tạo “sức đề kháng” trước sản phẩm văn hóa độc hại
Ngày đăng:27-01-2021
Công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc tạo “sức đề kháng”, ngăn chặn, đẩy lùi sự xâm nhập của văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội; góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện để con người Bắc Giang phát triển toàn diện, tạo tiền đề để kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển bền vững.
Nhận thức rõ điều này, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sởthực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
BTV Tỉnh ủy ban hành và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 14 ngày 7/4/2014 về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; Nghị quyết số 114 ngày 25/7/2016 về “Tăng cường công tác tư tưởng ở Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2016-2020”.
Chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội. Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã xây dựng nội quy, quy chế, quy định về đạo đức công vụ, tác phong cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng để thực hiện tốt nhiệm vụ, coi đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ công chức, đảng viên hàng năm.
Hằng năm, Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy các cấp xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, trọng tâm là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên thông qua hệ thống trường chính trị, các lớp tập huấn.
Chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền trên cơ sở các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước chủ động xây dựng các quy định, quy chế của ngành, đơn vị về việc ngăn chặn, bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại gắn với thực hiện các quy tắc ứng xử trong cộng đồng với việc thực hiện quy ước, hương ước.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền chú trọng; trong đó, việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng dạy làm người gắn liền với dạy chữ trong nhà trường được đặc biệt coi trọng. Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh trung học cơ sở tỉnh Bắc Giang”; đẩy mạnh thực hiện Quy chế phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi, giáo dục ngoại khóa tạo sân chơi bổ ích, giáo dục toàn diện và phát huy phẩm chất, năng lực học sinh, sinh viên, kiên quyết bài trừ văn hóa phẩm độc hại xâm nhập vào giới trẻ và học đường. Các trường phổ thông đưa nội dung văn hóa, lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy. Triển khai tới 100% các nhà trường phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; xây dựng các tổ tư vấn cho học sinh, sinh viên về văn hóa ứng xử, kỹ năng sống; đến nay, có trên 99% các trường học trên địa bàn tỉnh xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử văn hóa cho học sinh, sinh viên.Phong trào học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng được quan tâm triển khai thực hiện.
Tỉnh đoàn thanh niên tập trung các giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh niên với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo, hiệu quả.Phát động và triển khai các cuộc thi tìm hiểu về các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Đoàn các cấp trên mạng iternet; Chương trình “Xây dựng hình mẫu thanh niên thời kỳ mới” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng chuyên mục “Hình mẫu thanh niên thời kỳ mới” trên mạng xã hội và trong Chương trình “Phát thanh thanh niên”; triển khai sâu rộng Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên mạng xã hội; tổ chức các cuộc thi viết, tuyên truyền về các gương điển hình tiêu biểu. Việc khai thác và phát huy thuận lợi của việc tuyên truyền, giáo dục trong thời kỳ công nghệ thông tin và phương tiện truyền thông xã hội phát triển được các cấp bộ đoàn quan tâm, coi trọng. Hiện nay, toàn tỉnh duy trì hơn 400 tài khoản tuyên truyền trên Facebook của tổ chức Đoàn, hơn 500 tài khoản của tổ chức Đội các cấp, duy trì 01 tài khoản “Tỉnh Đoàn Bắc Giang” và Fanpage “Tỉnh Đoàn Bắc Giang” trên mạng xã hội Facebook, Instagram, Youtube…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cấp ủy đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nhận diện, bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại. Thường xuyên chú trọng công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh; đẩy mạnh thực hiện cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về những chủ đề thiết thực, nhất là xây dựng nông thôn mới, xây dựng con người mới ở tỉnh Bắc Giang. Quan tâm đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng các tác phẩm đăng trên Tạp chí Sông Thương và các trang văn học nghệ thuật trên Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh...
Việc thực hiện Chỉ số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các cấp, các ngành triển khai một cách hiệu quả, thiết thực. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc triển khai chuyên đề toàn khóa và hằng năm; chủ động ban hành hệ thống văn bản một cách đồng bộ, sáng tạo, thiết thực và cụ thể hơn. Việc xây dựng kế hoạch học tập, đăng ký làm theo và công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết được thực hiện bài bản, bám sát hướng dẫn của Trung ương, phù hợp với thực tế địa phương; sát với yêu cầu nhiệm vụ chính trị, phong trào thi đua của từng cơ quan, đơn vị và chức trách của từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Trong 05 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, toàn tỉnh đã có trên 15 nghìn việc làm tốt của tập thể, gần 100 nghìn việc làm tốt của cá nhân được đăng ký, kết quả thực hiện đạt trên 96%. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo mỗi huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy lựa chọn ít nhất 1/3 số cấp trưởng của cấp ủy, cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp mình quản lý để xây dựng điển hình người đứng đầu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; mỗi cấp ủy, chi bộ, cơ quan, đơn vị chọn ít nhất 02 đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là những cá nhân tiêu biểu để bồi dưỡng, xây dựng thành điển hình. Hoạt động biểu dương, khen thưởng, báo công dâng Bác được các cấp ủy quan tâm khi sơ kết định kỳ vào dịp 19/5 hằng năm, tạo sự lan tỏa, nhân rộng “người tốt, việc tốt” trong hệ thống chính trị và trong xã hội. Đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, trong các tầng lớp nhân dân; nhiều người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên thực sự gương mẫu đã tạo được hiệu ứng tốt trong xã hội, tạo được niềm tin của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 52-KH/TU ngày 17/7/2018 tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận trên địa bàn tỉnh Bắc Giang từ nay đến năm 2020, trong đó giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì tham mưu thực hiện chuyên đề tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận “Các quan niệm xã hội hiện nay về “Chân- Thiện- Mỹ”, về “Đức và Tài”, khuyến nghị các giải pháp thúc đẩy phát triển các giá trị tích cực và ngăn chặn những xu thế tiêu cực trong đời sống xã hội hiện nay” ở tỉnh Bắc Giang. Chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo chuyên đề “Yếu tố Đức và Tài trong công tác cán bộ ở tỉnh Bắc Giang hiện nay”; Trường Chính trị tỉnh tổ chức Hội thảo “Quan niệm xã hội hiện nay về “Chân - Thiện - Mỹ”, về “Đức và Tài”; những vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở địa phương trong thời gian tới”; Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức hội thảo “Tính chân - thiện - mỹ trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật Bắc Giang trên Tạp chí Sông Thương ở thời kỳ mới”; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo “Xây dựng môi trường văn hóa, trọng tâm là xây dựng văn hóa gia đình tạo nền tảng để xây dựng nhân cách con người Bắc Giang phát triển toàn diện”; chỉ đạo, hướng dẫn ban tuyên giáo cấp huyện tham mưu giúp cấp ủy cùng cấp tổ chức các hội thảo, tọa đàm về xây dựng con người hướng tới chân - thiện - mỹ và giá trị đức - tài trong giai đoạn hiện nay ở địa phương.
Năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát động và tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh; Bác Hồ vĩ đại; quê hương, đất nước đổi mới” trong toàn Đảng bộ tỉnh, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh với trên 92 nghìn bài dự thi. Trong đó có nhiều bài viết thể hiện sự nhận thức sâu sắc về vai trò lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, tình yêu, sự kính trọng thiêng liêng với Bác; tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng đổi mới… từ đó thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cá nhân, nhất là học sinh, sinh viên trong việc xây dựng quê hương, đất nước. Cuộc thi là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, qua đó giáo dục về truyền thống, bồi đắp lý tưởng, lòng yêu nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Tích cực chỉ đạo việc biên soạn tài liệu lịch sử đảng bộ, lịch sử địa phương, đến nay 10/10 huyện, thành phố và 230/230 xã, phường, thị trấn trong Đảng bộ tỉnh hoàn thành việc xây dựng lịch sử đảng bộ địa phương; chỉ đạo lựa chọn nội dung phù hợp từ lịch sử đảng bộ địa phương để biên soạn, đưa vào giảng dạy trong các trường học. Hằng năm, 100% các trường phổ thông tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cho học sinh tại các di tích lịch sử, văn hóa, nhận và chăm sóc di tích lịch sử văn hóa, nghĩa trang liệt sỹ, Mẹ Việt Nam anh hùng. Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh phối hợp tổ chức cuộc thi “Bắc Giang hành trình lịch sử, văn hóa”, tạo sân chơi văn hóa bổ ích cho học sinh trong tỉnh trên sóng của ĐPTTH tỉnh...
Có thể khẳng định, công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thời gian qua đã được quan tâm chỉ đạo, triển khai một cách đồng bộ, kịp thời với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành. Qua đó giúp nâng cao nhận thức chính trị, giáo dục lòng yêu nước, tăng cường ý thức, trách nhiệm công dân.
Từ đó tạo “sức đề kháng”, giúp ngăn chặn, đẩy lùi những sản phẩm văn hóa độc hại, góp phần xây dựng con người Bắc Giang phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh nói riêng, đất nước nói chung.
Trên cơ sở kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ thông qua nhiều hình thức, sáng tạo, phù hợp, hiệu quả.
Trong đó tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; tăng cường chỉ đạo học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả, chất lượng bền vững phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Tăng cường kỷ cương, nền nếp trong giáo dục và đào tạo, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kiến thức pháp luật, ý thức trách nhiệm công dân; kết hợp giữa “dạy chữ”, “dạy người” và “dạy nghề” nhằm mục tiêu xây dựng con người Bắc Giang hướng tới chân - thiện - mỹ…