Thành công của cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 đánh dấu sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Kể từ đó đến nay, Quốc hội nước ta đã trải qua 13 khóa hoạt động, thông qua 5 bản Hiến pháp với nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đất nước. Căn cứ vào từng giai đoạn tương ứng với việc ra đời của các bản Hiến pháp, có thể phân chia các thời kỳ phát triển của Quốc hội như sau:
Thời kỳ 1946 - 1960:
Đây là giai đoạn Quốc hội nước ta cùng với dân tộc trải qua nhiều khó khăn, gian khó để thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quốc hội Việt Nam giai đoạn này được xem như Quốc hội kháng chiến, các đại biểu Quốc hội tùy năng lực, địa vị mà tham gia vào mọi công tác kháng chiến. Trong giai đoạn này, Quốc hội đã giao quyền bính tập trung vào Chính phủ, cùng với Chính phủ chỉ đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Trong nhiệm kỳ 14 năm hoạt động, Quốc hội khóa I đã tổ chức 12 kỳ họp. Tại kỳ họp thứ nhất vào ngày 2/3/1946 tại Hà Nội, Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách các thành viên Chính phủ liên hiệp kháng chiến gồm 12 đồng chí.
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I (Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội
Tại kỳ họp thứ hai diễn ra từ 28/10 đến 9/11/1946, Quốc hội đã thảo luận và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với 240/242 đại biểu biểu quyết tán thành. Bên cạnh Hiến pháp năm 1946, trong giai đoạn này, Quốc hội khóa I cũng đã thông qua Hiến pháp năm 1959; thông qua 16 đạo luật và 50 Nghị quyết, trong đó có những đạo luật quan trọng như: Luật cải cách ruộng đất, Luật quy định quyền tự do hội họp, Luật bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân, Luật về chế độ báo chí…Đánh giá công lao to lớn của Quốc hội khóa I, tại kỳ họp thứ 12, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Quốc hội ta đã hết lòng vì dân vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những đại biểu của nhân dân”.
Thời kỳ 1960 - 1980:
Đây là thời kỳ Quốc hội hoạt động trong điều kiện miền Bắc tiến hành xây dựng CNXH làm hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam với 5 khóa hoạt động, trong đó có 4 khóa Quốc hội phải hoạt động trong điều kiện đất nước bị chia cắt (Khóa II 1960 - 1964; Khóa III 1964 - 1971; Khóa IV 1971 - 1975; Khóa V 1975 - 1976). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, kể từ Khóa VI 1976 - 1981, Quốc hội trở thành Quốc hội chung của cả nước Việt Nam thống nhất.
Thời kỳ 1980 - 1992:
Đây là thời kỳ Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp 1980 và Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước 1981. Hiến pháp 1980 đã có sự điều chỉnh lớn về cơ cấu tổ chức của Quốc hội. Trong thời kỳ này, Quốc hội trải qua 2 khóa hoạt động:
Quốc hội khóa VII (1981 – 1987) được bầu ngày 26/4/1981; tổng số có 496 đại biểu. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VII, với 12 kỳ họp, Quốc hội đã ban hành được 10 đạo luật và 35 nghị quyết; Hội đồng Nhà nước ban hành được 15 pháp lệnh. Ngoài các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước được ban hành mới theo Hiến pháp 1980, đáng chú ý là lần đầu tiên Quốc hội đã ban hành Bộ luật hình sự (1985) gồm 280 điều quy định về tội phạm và hình phạt; Luật hôn nhân gia đình (1986) gồm 57 điều trên cơ sở kế thừa và phát triển Luật hôn nhân và gia đình năm 1959, thể hiện bước phát triển đáng kể trong hoạt động lập pháp của Quốc hội.
Quốc hội khóa VIII (1987 – 1992) được bầu ngày 19/4/1987; tổng số có 496 đại biểu. Quốc hội khóa VIII là Quốc hội của giai đoạn đầu sự nghiệp Đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra. Để đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước bằng pháp luật, trong nhiệm kỳ khóa VIII với 11 kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 2 bộ luật, 25 đạo luật; Hội đồng Nhà nước đã ban hành 39 pháp lệnh. Tại kỳ họp thứ 5 (tháng 6/1989), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp để tiến hành sửa đổi Hiến pháp 1980 một cách cơ bản và đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới.
Thời kỳ 1992 đến nay:
Đây là thời kỳ Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp 1992. Hiến pháp 1992 tiếp tục khẳng định Quốc hội có ba chức năng cơ bản: Là cơ quan duy nhất nhất có quyền lập hiến và lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của đất nước. Hiến pháp 1992 quy định Quốc hội có 14 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và bãi bỏ quy định “Quốc hội có thể định cho mình những nhiệm vụ và quyền hạn khác khi xét thấy cần thiết” theo Hiến pháp 1980.
Để phân biệt rõ chức năng nguyên thủ quốc gia và chức năng là cơ quan thường trực của Quốc hội, Hiến pháp 1992 đã có sự điều chỉnh quan trọng là bãi bỏ chế định Hội đồng Nhà nước và thiết lập hai chế định là Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, thay mặt nhà nước về đối nội và đối ngoại. Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội.
Quang cảnh kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII
Trong thời kỳ này, Quốc hội trải qua 5 khóa hoạt động: Quốc hội khóa IX (1992 - 1997); Quốc hội khóa X (1997 - 2002); Quốc hội khóa XI (2002 - 2007); Quốc hội khóa XII (2007 - 2011). Đặc biệt, Quốc hội khóa XIII (2011 - 2016) được bầu ngày 22/5/2011. Đây là lần đầu tiên cử tri cả nước tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 trong cùng một ngày với quy mô lớn. Cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp với 99,51% cử tri đi bỏ phiếu, bầu ra 500 đại biểu Quốc hội tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thành tựu lớn nhất trong hoạt động lập hiến, lập pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ này là Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Hiến pháp năm 2013. Tại kỳ họp thứ sáu, vào ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII đã biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp năm 2013 với 486 đại biểu, chiếm 97,59% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Đây là bản Hiến pháp thể hiện tinh thần đổi mới sâu sắc, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho sự vận hành toàn bộ đời sống xã hội trên nền tảng dân chủ, pháp quyền và tạo động lực mạnh mẽ để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cũng đánh dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên trong gần 70 năm hoạt động của mình, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Về hoạt động đối ngoại, việc đăng cai tổ chức Đại hội đồng lần thứ 132 của Liên minh nghị viện thế giới tại Hà Nội trong tháng 3/2015 là một sự kiện chính trị quan trọng có ý nghĩa lịch sử ngoại giao hết sức to lớn, thể hiện tinh thần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng của Quốc hội nước ta, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, lần đầu tiên Quốc hội đã ban hành nghị quyết về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Văn phòng Quốc hội cũng được tổ chức lại theo hướng đổi mới mô hình tổ chức bộ máy giúp việc có tính chuyên nghiệp, hiệu quả, hợp lý để nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Quốc Hội khóa XIV (2016 - 2021): dự kiến diễn ra vào ngày 22/5/2016.