Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, 86 năm qua là những chặng đường lịch sử hết sức vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước của Đảng. Với sứ mệnh lịch sử đang đặt trên vai Đảng: là chính Đảng duy nhất lãnh đạo đưa đất nước lên một tầm cao mới, một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Chỉ như vậy, Đảng luôn xứng đáng với niềm tin của dân tộc - người đã nuôi dưỡng, xây dựng và bảo vệ Đảng!
Đảng luôn đi đầu trong gian khó, dân tin! Trong thời kỳ chiến tranh, bà má Miền Nam đào hầm nuôi cán bộ cộng sản, bà mẹ Miền Bắc gửi con trai mình ra mặt trận theo lời kêu gọi "không có gì quý hơn độc lập tự do", chắc các mẹ ấy không boăn khoăn xem Đảng là của giai cấp công nhân hay của ai. Mà quả thật có định tìm hiểu, chắc bà cũng không sao hiểu nổi "tính triệt để cách mạng của giai cấp công nhân là do vị trí khách quan của giai cấp ấy trong phương thức sản xuất xã hội quy định"!
Hình tượng "Người Mẹ Việt Nam" đã nói lên một sự thật. Tuyệt đại bộ phận những người Việt Nam yêu nước, không cam chịu nhục nô lệ đã "giác ngộ", đi theo tiếng gọi cứu nước và trở thành đảng viên cộng sản, hoặc những người cưu mang, giúp đỡ Đảng, sẵn sàng nhận sự hiểm nguy cho bản thân hoặc cả gia đình mình, thậm chí hy sinh để bảo vệ Đảng, thì tuyệt đại bộ phận những người "giác ngộ" ấy cũng chỉ xoay quanh nội dung yêu nước, ghét áp bức bất công. Đây là điều mà trong bài viết "Con đường dẫn tôi tới chủ nghĩa Lênin", Hồ Chí Minh gọi là "theo cảm tính tự nhiên"! Có được sự thật ấy là vì, sâu thẳm trong đạo lý và tình cảm của dân tộc ta, cứu nước là nghĩa vụ thiêng liêng. Đó là vấn đề nhạy cảm nhất trong hoạt động của con người Việt Nam, trong tâm thế dân tộc, không phân biệt tầng lớp, giai cấp, tín ngưỡng, tôn giáo.
Trải qua quá trình sàng lọc khắc nghiệt của lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam được giao phó sứ mệnh cứu nước, đảng viên của Đảng đi đầu trong gian khổ, hy sinh vì nhiệm vụ cao cả đó. Bằng chính hành động ấy, dân tin Đảng, xem Đảng là Đảng của mình.
Vào những thời điểm lịch sử của cách mạng và kháng chiến, khi mà người cộng sản luôn đứng ở vị trí nguy hiểm nhất, hiên ngang đương đầu với tù đày, sống chết, thì bộ phận những người Việt Nam ưu tú nhất trong tất cả mọi tầng lớp nhân dân, đều thấy rõ nghĩa vụ và vinh dự được đứng trong đội ngũ của Đảng, trở thành người đảng viên của Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức, rèn luyện và lãnh đaọ.
Đảng là một tổ chức chính trị, vấn đề chính đảng không là vấn đề của riêng nước ta mà là mối bận tâm của cả loài người. Khi giải thích cho quần chúng nhân dân đông đảo hiểu được vì sao cần có Đảng, Hồ Chí Minh chỉ nói hết sức đơn giản: "Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin"!
Vào thời điểm ấy, Hồ Chí Minh nhận thức "chủ nghĩa Lênin" là "chủ nghĩachân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất ", đó là "cái cần thiết cho chúng ta", vì nó vạch ra "con đường giải phóng chúng ta". Ở đây, "chủ nghĩa" chính là lý luận soi đường, giúp Người vững tin vào mục đích trước sau như một của mình và cách thực hiện mục đích đó : cứu nước, giành lấy độc lập cho đất nước, dân chủ, tự do và hạnh phúc cho nhân dân đang bị đọa đày đau khổ của mình. Cả cuộc đời của Hồ Chí Minh dành trọn cho mục đích đó. Đến khi về cõi vĩnh hằng thì "điều mong muốn cuối cùng" của Người cũng chính là mục đích đó : "xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào cách mạng thế giới"!
Đoàn kết dân tộc tạo nên sức mạnh! Với sự lãnh đạo của Đảng, Cách mạng Tháng 8 thành công, giai cấp công nhân Việt Nam đã cùng với các tầng lớp xã hội khác trở thành công dân của một nước độc lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mà Độc lập, Tự do và Hạnh phúc là nội dung của thực thể chính trị ấy.
Nội dung ấy cũng là khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc nhằm hướng tới mục tiêu ở phía chân trời. Để thực hiện khát vọng đó, bao thế hệ Việt Nam đã "đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải" để thực hiện bằng được lời thề trong Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945. Với các cuộc kháng chiến chống xâm lược ròng rã mấy mươi năm trong thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam đã giữ trọn lời thề ấy.
Nhân tố quyết định của mọi thắng lợi chính là sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Mãi mãi đại đoàn kết dân tộc. Đây là điểm độc đáo của tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong tư tưởng của C.Mác, Ph Angghen, V.I Lênin không tìm thấy điều này, hoặc nếu có thì chỉ đôi điều nói thoáng qua chứ không tập trung, nổi bật như của Hồ Chí Minh.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh có thể có những thay đổi về mục tiêu cụ thể, thay đổi về nhiệm vụ, chủ trương và phương pháp nhưng không có sự thay đổi về lực lượng cách mạng. Trong học thuyết và tư tưởng của C.Mác, Ph Angghen, V.I Lênin có khái niệm "bạn đường một đoạn", còn trong Hồ Chí Minh không hề có điều ấy.
Lợi ích dân tộc là tối thượng! Nhất quán với quan điểm ấy, để lãnh đạo được, Đảng đã thu hút vào mình những lực lượng tinh hoa nhất của dân tộc. Nói theo ngôn ngữ của người xưa là quy tụ được "hiền tài - nguyên khí quốc gia", hoặc như cách gọi của Hồ Chí Minh là "những bực tài đức". Không làm được điều đó, Đảng không thể "có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong" như điều mà V.I Lênin đã từng yêu cầu!
Thực tế đã chứng minh rằng, lúc nào thật sự quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vững quan điểm dân tộc, lấy lợi ích dân tộc là tối thượng với tinh thần Tổ quốc trên hết, thì cách mạng thu được thắng lợi.
Lúc nào đi chệch khỏi tư tưởng của Hồ Chí Minh, thổi phồng vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp xem đó là động lực của cách mạng, của phát triển xã hội, thì cách mạng thất bại. Cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, "công tư hợp doanh" là những ví dụ mà ai cũng nhớ. Bài học của lịch sử vẫn còn nóng bỏng, nhưng thấm nhuần để rồi vận dụng thật nghiêm cẩn và sáng tạo vào trong đời sống đương đại quả thật không dễ. Không dễ, song tuyệt đối không phải là không thể.
Một minh chứng sống động của điều này là thời gian gần đây, vấn đề đồng thuận xã hội được thường xuyên nhắc đến, xem đó là một nhân tố quyết định của tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, là động lực của sự phát triển.
Giáo sư Joseph Nye, nhà tư tưởng đối ngoại hàng đầu nước Mỹ, tác giả học thuyết "sức mạnh mềm" và "sức mạnh thông minh" từng đưa ra nhận định: "Việt Nam là một trong những ít nước có chủ nghĩa dân tộc lành mạnh, thể hiện qua cuộc đấu tranh của Việt Nam chống lại xâm lược của các nước lớn: Trung Quốc, Pháp, Mỹ... Việt Nam có chủ nghĩa dân tộc lành mạnh theo nghĩa như thế. Ngày nay Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng chủ nghĩa dân tộc lành mạnh đó cho sự phát triển của mình".
Và cũng là biện chứng của lịch sử khi Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, để làm trọn sứ mệnh cao cả của mình, thì Đảng phải là Đảng của dân tộc Việt Nam.