Yên Dũng: quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện
Ngày đăng:07-12-2020
Yên Dũng là một huyện nằm ở tiểu vùng miền núi và trung du của tỉnh Bắc Giang, được bao bọc bởi 3 con sông là sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam. Đây là một vùng đất cổ có bề dày về lịch sử văn hoá và truyền thống khoa bảng. Yên Dũng tự hào là một vùng đất thiêng với huyền thoại 99 con chim phượng hoàng hốt cấu tạo nên dãy Nham Biền kỳ vĩ; có chốn tổ Vĩnh Nghiêm của thiền phái Trúc lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ XIII, chùa được coi là trường Đại học phật giáo đầu tiên ở Việt Nam.
Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng trên dãy núi Nham Biền thu hút đông đảo du khách thập phương (ảnh minh họa)
Đặc biệt, Yên Dũng có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều di tích, di sản được vinh danh như: mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương); di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Kem; khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Tân An (di tích quốc gia); lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm (di sản văn hóa phi vật thể quốc gia); Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng… Các di sản văn hóa trên có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đời sống văn hóa; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đặc trưng, bản sắc văn hóa, vùng đất, con người nơi đây đến với bạn bè trong, ngoài nước; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày một phát triển bền vững.
Xác định rõ ý nghĩa, vai trò quan trọng của các di sản văn hóa đối với xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, cũng như phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Yên Dũng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện. Thường xuyên tổ chức các hội nghị quán triệt, triển khai, thực hiện cũng như sơ, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực văn hóa, trong đó có nội dung về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; chỉ đạo hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở nghiêm túc quán triệt, triển khai, đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Công tác tuyên truyền việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa được quan tâm thực hiện hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn, hội thi, liên hoan văn hóa văn nghệ, Trang thông tin điện tử, mạng xã hội, Bản tin Thông báo nội bộ huyện; tuyên truyền trực quan bằng pa nô, băng rôn, khẩu hiệu; tuyên truyền trên hệ thống Đài Truyền thanh huyện, Đài Truyền thanh xã và hệ thống truyền thanh thôn, tiểu khu, tổ dân phố; lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp…
Công tác kiểm kê, phân loại di tích được tiến hành thường xuyên, qua đó kịp thời lập danh sách các di tích có đủ điều kiện để đề nghị UBND tỉnh xếp hạng. Đối với các di tích đã được xếp hạng, tiến hành đánh giá thực trạng; đề nghị tu bổ, tôn tạo đối với các di tích bị xuống cấp. Đến nay, toàn huyện đã có 80 di tích được xếp hạng, trong đó có 76 di tích cấp tỉnh, 02 di tích cấp quốc gia, 01 di tích quốc gia đặc biệt và 1 di tích nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế (chùa Kem).
Công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di tích, di sản văn hóa được thực hiện đúng quy định và nhận được sự quan tâm lớn của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 68/80 di tích xếp hạng được tu bổ, tôn tạo đạt tỷ lệ 85%, với tổng kinh phí 155.731triệu đồng (nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 5.060 triệu đồng, huyện hỗ trợ 8.680 triệu đồng, xã hội hóa 141.991triệu đồng). Đặc biệt, huyện đang tập trung cao vào các dự án liên quan đến chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng, chùa Kem, chùa Thiên Lai.
Huyện ủy, UBND huyện thường xuyên quan tâm công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với việc nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân như: thành lập và duy trì thường xuyên, hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ hát chèo, hát quan họ, hát dân ca, ca trù (toàn huyện thành lập được 06 câu lạc bộ với 116 thành viên); hằng năm đều tổ chức Hội thi Hát chèo - Hát dân ca, Hội thi “Em yêu lịch sử quê hương Yên Dũng” cấp cơ sở, cấp huyện; tổ chức 22 lớp truyền dạy hát quan họ, hát chèo, hát dân ca; tổ chức được 4 lớp truyền dạy hát chèo, hát dân ca miễn phí cho học sinh các trường Mầm Non, Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện với trên 100 học sinh tham gia...
Công tác tổ chức, nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa được quan tâm. Hiện nay, 80 di tích đã được xếp hạng đều có Ban quản lý di tích do thôn, tiểu khu, tổ dân phố cử để trông coi, quản lý và tổ chức các hoạt động trong năm, nhất là mùa lễ hội. Các thôn, tiểu khu, tổ dân phố thành lập Tiểu ban quản lý di tích đối với di tích chưa được xếp hạng.
Công tác thanh tra, kiểm tracác hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa và các lễ hội được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Giai đoạn 2011-2020, đã kiểm tra, giám sát việc tu bổ, tôn tạo tại 53 di tích; Đội kiểm tra liên ngành đã kiểm tra gần 500 lượt lễ hội. Thông quan kiểm tra, các vi phạm trong công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội đều được nhắc nhở và xử lý kịp thời.
Du khách thăm chùa Vĩnh Nghiêm (ảnh minh họa)
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn huyện Yên Dũng thời gian qua cũng còn tồn tại những hạn chế cần khắc phục như: một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở còn chưa lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; công tác tuyên truyền, vận động có lúc, có nơi còn chưa chưa thường xuyên, liên tục, chưa thực sự tập hợp, thu hút và phát huy hết tiềm năng, sức mạnh của nhân dân tham gia thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa; công tác quy hoạch tổng thể một số di tích làm chưa tốt; ban quản lý di tích một số địa phương hoạt động còn chưa thực sự hiệu quả…
Để tiếp tiếp tục phát huy những kết quả tích cực, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Yên Dũng, cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như:Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội của huyện; quan tâm xây dựng quy hoạch, quản lý và tổ chức lễ hội, tập trung khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống; tăng cường giới thiệu, quảng bá, phát huy tiềm năng, thế mạnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch tại địa phương, đặc biệt là lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm.Tích cực quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa trên địa bàn huyện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tiêu cực, đẩy lùi các hủ tục, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội trong các hoạt động văn hóa, góp phần ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển…