Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam
Ngày đăng:19-01-2016
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đấu tranh ngoại giao là một trong ba mặt trận đấu tranh của nhân dân ta bên cạnh đấu tranh quân sự và chính trị, trong đó "đánh tranh quân sự và đấu tranh chính trị là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao". Đặc điểm của đấu tranh ngoại giao trong chống Mỹ là "Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường, mà trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc chiến tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động" (1).
Khác với Hội nghị quốc tế Giơnevơ về Đông Dương năm 1954, Hội nghị Pari là một cuộc đàm phán tay đôi do Việt Nam thắng lớn và chủ động đề xướng. Còn Mỹ, bị thất bại nặng nề buộc không thể không chấp nhận thương lượng để tìm một lối thoát danh dự. Mỹ phải coi Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một bên đối thoại trực tiếp và bình đẳng để giải quyết mọi vấn đề của cuộc chiến tranh Việt Nam. Cuộc đàm phán Pari mở ra cục diện“vừa đánh, vừa đàm”, phản ánh một giai đoạn chiến đấu cực kỳ gay go, quyết liệt giữa Việt Nam và Mỹ. Đây cũng là đỉnh cao của sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng cả 3 mặt trận, quân sự, chính trị và ngoại giao; giữa cuộc chiến đấu của quân và dân Việt Nam trên chiến trường với cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán và trên trường quốc tế.
Mục tiêu đấu tranh ngoại giao trước mắt của ta là đòi Mỹ chấm dứt không điều kiện các cuộc ném bom bắn phá và mọi hoạt động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, coi đó là điều kiện tiên quyết để đi đến cuộc thương lượng ở bàn hội nghị.
Ngày 31-3-1968, sau đòn bất ngờ, mạnh mẽ của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của quân dân ta, Tổng thống Mỹ Giônxơn tuyên bố ngừng ném bom bắn phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và bắt đầu nói đến thương lượng với Việt Nam.
Ngày 13-5-1968, cuộc thương lượng chính thức hai bên - giữa đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện Chính phủ Hoa Kỳ - họp phiên đầu tiên ở Pari. Phái đoàn Mỹ do Hariman đứng đầu. Bộ trưởng Xuân Thủy, trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát biểu trước, khẳng định lập trường không thay đổi của Việt Nam là trước tiên Mỹ phải chấm dứt không điều kiện các cuộc ném bom bắn phá và mọi hoạt động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rồi mới bàn các vấn đề có liên quan đến hai bên.
Hội nghị Hai bên ở Pari sau nhiều phiên họp trong năm 1968 vẫn chưa giải quyết được vấn đề gì cơ bản, nhưng đã mở đầu cho một thời kỳ ta tiến công trực diện địch về ngoại giao trên bàn hội nghị.
Ngày 1-11-1968, Giônxơn tuyên bố ngừng tất cả các cuộc ném bom bắn phá trên toàn miền Bắc. Sau sự kiện này, đấu tranh giữa ta và Mỹ xoay quanh vấn đề chủ yếu về hình thức, thành phần hội nghị và đã đi đến thống nhất về hình thức Hội nghị Bốn bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau đó là Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hòa (chính quyền Sài Gòn).
Sau cuộc họp trù bị ngày 18-1-1969, Hội nghị Bốn bên về Việt Nam chính thức họp phiên đầu tiên ngày 25-1-1969 tại Pari. Tham dự Hội nghị, ngoài trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ, còn có trưởng đoàn hai bên miền Nam Việt Nam: Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam cộng hòa.
Phiên họp đầu tiên của "Hội nghị Pari về Việt Nam (1969)"
Từ khi họp phiên đầu tiên đến khi đạt được dự thảo Hiệp định Pari về Việt Nam (10-1972), Hội nghị Bốn bên ở Pari trải qua nhiều phiên họp chung công khai và nhiều cuộc tiếp xúc riêng (2). Lập trường bốn bên mà thực chất là của hai bên Việt Nam và Mỹ rất xa nhau, mâu thuẫn nhau, khiến cho cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt trên bàn thương lượng đến mức nhiều lúc phải gián đoạn cuộc thương lượng.
Trong các phiên họp chung công khai cũng như trong các cuộc tiếp xúc riêng, phía Việt Nam không bỏ qua bất cứ vấn đề quan trọng nào có liên quan đến cuộc chiến tranh ở Đông Dương, nhưng tập trung mũi nhọn đấu tranh vào hai vấn đề mấu chốt nhất là đòi rút hết quân viễn chinh của Mỹ và quân của 5 nước thân Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương khỏi miền Nam, đòi họ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Còn phía Mỹ, trước sau nêu quan điểm "có đi có lại", đòi hai bên (cả quân đội miền Bắc có mặt ở miền Nam) "cùng rút quân". Họ đã đặt ngang hàng kẻ đi xâm lược và người chống xâm lược.
Do liên tiếp bị thất bại nặng nề về quân sự và để giành thắng lợi trong cuộc tranh cử tổng thống vào đầu tháng 11-1972, Níchxơn dùng thủ đoạn lùi bước trong thương lượng với ta ở Pari và xuống thang chiến tranh phá hoại miền Bắc.
Đầu tháng 10-1972, phái đoàn Mỹ đến Pari để nối lại cuộc đàm phán đã bị gián đoạn từ tháng 3-1972. Trong cuộc tiếp xúc riêng với đại diện Mỹ ngày 8-10-1972 tại Pari, ta đưa ra dự thảo "Hiệp định về chất dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở việt Nam" và đề nghị thảo luận để đi đến ký kết. Ngày 17-10-1972, văn kiện Hiệp định được hoàn tất và hai bên đã thỏa thuận đến ngày 31-10-1972 đã ký chính thức. Trước khi ký, ngày 22-10-1972 Níchxơn tuyên bố ngừng mọi hoạt động chống phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra.
Nhưng thỏa thuận xong, Mỹ lại dây dưa, trì hoãn việc ký kết. Chúng đòi ta thảo luận thêm, đòi xét lại văn bản Hiệp định đã thỏa thuận, thay đổi một số điều khoản quan trọng không có lợi cho chúng, trong đó có vấn đề quân miền Bắc rút khỏi miền Nam. Mỹ trì hoãn ký kết hiệp định còn nhằm có thêm thời gian chuyên chở vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh cho quân đội Sài Gòn để chúng có thể đứng vững sau khi Mỹ rút quân.
Để ép ta nhân nhượng, ký một hiệp định do Mỹ đưa ra, Níchxơn âm mưu giành một thắng lợi quân sự quyết định. Cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52 vào Hà Nội và Hải Phòng trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 là nhằm mục đích đó. Nhưng cuộc tập kích đã bị phá sản hoàn toàn. Thất bại của Mỹ trên chiến trường đã quyết định thất bại của chúng trên bàn thương lượng.
Sau khi buộc phải chất dứt hoàn toàn các cuộc ném bom bắn phá và mọi hoạt động chiến tranh khác chống miền Bắc, Mỹ cử đại diện đến Pari để nối lại cuộc đàm phán. Đứng trên tư thế người chiến thắng, phái đoàn ta tại cuộc đàm phán đã kiên quyết đấu tranh giữ nội dung cơ bản của dự thảo Hiệp định đã được thỏa thuận. Qua nhiều cuộc trao đổi, đến ngày 13-1-1973 bản dự thảo Hiệp định về cơ bản đã được thông qua.
Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký tắt ngày 13-1-1973 giữa đại diện hai Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ, ký chính thức ngày 27-1-1973 giữa bốn bộ trưởng đại diện các chính phủ tham dự hội nghị (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hoa Kỳ, Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Việt Nam cộng hòa) tại Trung tâm các hội nghị quốc tế Clêbe (Pari). Hiệp định Pari bắt đầu có hiệu lực từ ngày ký chính thức.
Lễ ký chính thức "Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" (27-1-1973)
Bản Hiệp định Pari về Việt Nam gồm 9 chương, 23 điều. Nội dung Hiệp định ghi rõ:
- Hoa Kỳ và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
- Hoa Kỳ rút hết quân viễn chinh và quân các nước thân Mỹ, phá hết các căn cứ quân sự Mỹ, cam kết không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.
- Các bên để nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của họ thông qua tổng tuyển cử tự do.
- Các bên công nhận thực tế miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị.
- Các bên ngừng bắn tại chỗ, trao trả cho nhau tù binh và dân thường bị bắt.
Ngày 28-1-1973, ngừng bắn trên toàn miền Nam.
Ngày 31-1-1973, Tổng thống Nichxơn gửi công hàm cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc Hoa Kỳ đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam.
Ngày 2-3-1973, Hội nghị quốc tế về Việt Nam được triệu tập tại Pari, gồm đại biểu của các nước Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, bốn bên tham gia ký Hiệp định và bốn nước trong Ủy ban giám sát và kiểm soát quốc tế (Ba Lan, Canađa, Hunggari, Inđônêxia), với sự có mặt của ông Tổng thư ký Liên hợp quốc. Tất cả các nước tham dự Hội nghị đã ký vào bản Định ước công nhận về mặt pháp lý quốc tế Hiệp định Pari về Việt Nam và bảo đảm cho Hiệp định được thi hành nghiêm chỉnh.
Ngày 29-3-1973, người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi miền Nam Việt Nam.
Quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam (1973)
Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam cuốn cờ rút khỏi Việt Nam (1973)
Hiệp định Pari về Việt Nam là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân dân ta ở cả hai miền đất nước, đã tạo ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.
Với Hiệp định Pari, ta đã buộc được "Mỹ cút" - thắng lợi lịch sử quan trọng, tạo thời cơ thuận lợi để nhân dân ta tiến lên "đánh cho ngụy nhào"./.
Ngô Toàn - Bộ phận Chuyên trách CT03
----------------------
(1) Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 13 (1-1967)
(2) Hội nghị Pari về Việt Nam trải qua tất cả 202 phiên họp chung công khai, 24 cuộc tiếp xúc riêng trong thời gian 4 năm 9 tháng (từ 13-5-1968 đến 27-1-1973)