Bắc Giang: thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW, góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế
Ngày đăng:28-09-2020
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020; chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt được nhiều kết quả tích cực. Số người tham gia BHXH, BHYT, số thu, số chi đều tăng mạnh; quyền lợi của đối tượng luôn được đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng chế độ quy định; góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế của tỉnh trong những năm qua.
Ảnh minh họa
Để nhanh chóng đưa Nghị quyết đi vào đời sống, Tỉnh ủy Bắc Giang đã tổ chức quán triệt Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đến cán bộ chủ chốt của tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 42-KH/TU ngày 30/01/2013 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020; chỉ đạo các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Đảng bộ tỉnh tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 01/9/2016 về việc đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016- 2020; hằng năm đều ban hành văn bản chỉ đạo đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHYT và phát động Tháng cao điểm vận động nhân dân tham gia BHYT. Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh đưa chỉ tiêu tham gia BHXH, BHYT là một trong những chỉ tiêu trong Nghị quyết phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh hằng năm. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2583/KH-UBND ngày 30/9/2013 thực hiện lộ trình BHYT toàn dân giai đoạn 2012- 2020 trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 03/CT- UBND về tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT; Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 28/9/2016 triển khai thực hiện Chỉ thị số 08- CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Quyết định số 927/QĐ-UBND ngày 01/6/2017 về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN và BHXH tự nguyện giai đoạn 2017- 2020... làm cơ sở để triển khai thực hiện. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện đã phát huy vai trò của tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, quản lý; đồng thời phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công nhân viên và người lao động tại cơ sở.
Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp các ngành liên quan khảo sát, báo cáo sơ kết 1 năm; 2 năm; 3 năm, 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương. Công tác thanh tra, kiểm travà xử lý các vi phạm về thực hiện chế độ BHXH, BHYT luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo.Từ năm 2013-2020, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 1.828 đơn vị sử dụng lao động và cơ sở KCB BHYT, đại lý thu, đại diện chi trả… Kết quả: Thu hồi về quỹ BHXH 1,25 tỷ đồng; xuất toán về quỹ BHYT 11,2 tỷ đồng; yêu cầu đóng BHXH bổ sung cho 15.541 lao động; đôn đốc, thu hồi nợ BHXH 140 tỷ đồng.
Cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT đã được tổ chức rộng khắp với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể; từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT. Ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của chủ sử dụng lao động và người lao động được nâng lên. Nhờ đó, số lượng người tham gia BHXH, BHYT hàng năm tăng lên.
Đến hết tháng 6/2020, số người tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh là 289.699 người, chiếm 30,2% so với lực lượng lao động; tăng 150.182 người (107,6%) so với năm 2012; đặc biệt, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh với 16.483 người tham gia, tăng 14.489 người, gấp 7,3 lần so với năm 2012; số người tham gia BHTN trên địa bàn tỉnh là 265.984 người, chiếm 27,7% so với lực lượng lao động; tăng 142.732 người (115,8%) so với năm 2012. Tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh, tăng nhanh qua các năm, từ 64% dân số có thẻ BHYT vào năm 2012 tăng lên 96,3% dân số có thẻ BHYT năm 2019 (tăng 32,3% so với năm 2012, vượt 9,0% so với Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện năm 2019). Tình hình cân đối, sử dụng quỹ KCB BHYT như sau: Năm 2013, có 1,77 triệu lượt KCB với tổng chi phí BHYT là 632,058 tỷ đồng (chiếm 94,6 % Quỹ BHYT); năm 2018, có 3,0 triệu lượt KCB (tăng 5,7% so với năm 2017) với tổng chi phí BHYT là 1.191,5 tỷ đồng, (chiếm 104,9 % dự toán giao); năm 2019, có 3,4 triệu lượt KCB (tăng 11,2% so với năm 2018) với tổng chi phí BHYT là 1.396,5 tỷ đồng (tăng 17% so với năm 2018, chiếm 114,3% dự toán giao). Công tác quản lý và sử dụng quỹ KCB BHYT trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả.
Năm 2012, số thu BHXH, BHYT đạt 1.716,25 tỷ đồng, đạt 111,2% so với chỉ tiêu được giao, ước năm 2020, số thu BHXH, BHYT toàn tỉnh đạt 6.275,9 tỷ đồng, tăng 4.559,6 tỷ đồng (265,7%) so với năm 2012. Thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH đảm bảo an toàn với tổng số tiền trên 18.000 tỷ đồng. Năm 2012, toàn tỉnh có 45.973 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, với tổng số tiền là 1.305,4 tỷ đồng thì đến năm 2019, số đối tượng này là 54.700 người, tăng 8.727 người (= 19%), với tổng số tiền chi trả là 2.622,9 tỷ đồng, tăng 1.317,5 tỷ đồng (= 100,9%) so với năm 2012...
Nhìn chung, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 42- KH/TU ngày 30/01/2013 của Tỉnh ủy đạt nhiều kết quả. Các cấp đã kịp thời triển khai quán triệt Nghị quyết, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Chú trọng công tác quản lý, tham mưu, xây dựng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên tuyên truyền về BHXH, BHYT. Cơ quan BHXH đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và hoạt động; công tác cải cách hành chính đạt được nhiều kết quả, nhất là việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ hành chính công và thực hiện giao dịch điện tử đã tạo nhiều thuận lợi cho các đơn vị sử dụng, cá nhân; chất lượng dịch vụ được nâng lên, quyền lợi của các đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN được bảo đảm. Kết quả này đã góp phần ổn định xã hội và phát triển kinh tế của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số mặt hạn chế, đó là: Công tác tuyên truyền, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác BHXH, BHYT và vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội của một số ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ lao động tham gia BHXH và BHTN có nơi còn thấp. Tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, nhất là tình trạng nợ BHXH ở doanh nghiệp còn diễn ra, chưa được khắc phục đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Chất lượng khám chữa bệnh BHYT tuy đã được cải thiện, song chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, nhất là tuyến cơ sở.
Ảnh minh họa
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là,tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trọng tâm là Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 42-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhằm tạo chuyến biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, chú trọng hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.Cấp uỷ, chính quyền các cấp tiếp tục đưa các chỉ tiêu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương, đơn vị, xác định đây là nội dung quan trọng trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Tăng cường phối hợp giữa các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quản lý, cung cấp thông tin về các doanh nghiệp thành lập mới, sự biến động của các doanh nghiệp và số lao động tăng, giảm trong doanh nghiệp làm cơ sở xây dựng kế hoạch mở rộng, phát triển đối tượng.
Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người tham gia đảm bảo kịp thời, đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế an toàn, hiệu quả; phòng, chống lạm dụng trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.
Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện, phòng ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Năm là, tiếp tục “Hoàn thiện mô hình quản lý và phát triển hệ thống tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả hướng tới sự hài lòng của chủ thể tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ trực tiếp làm công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế./.