Xã Quang Thịnh: Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Ngày đăng:14-09-2020
Quang Thịnh là xã nằm ở phía Bắc huyện Lạng Giang và là một vùng đất sớm được hình thành đơn vị hành chính trong lịch sử các làng xã Việt Nam. Xã Quang Thịnh có diện tích 11,34 km², dân số năm 2007 là 8632 người, mật độ dân số đạt 761 người/km².
Xã Quang Thịnh giáp ranh với các xã: Hương Sơn, Tân Thịnh, Nghĩa Hòa (Lạng Giang), xã Đông Sơn (Yên Thế), xã Minh Sơn (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn). Đây là một xã miền núi với truyền thống lâu đời, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Hiện nay nhờ vào cơ chế đổi mới của nhà nước nên đời sống của người dân có nhiều thay đổi đáng kể. Nơi đây có tuyến đường sắt Hà-Lạng và Quốc lộ 1A chạy qua, đó là điều kiện để Quang Thịnh giao lưu, trao đổi kinh tế với các vùng lân cận.
Quang Thịnh là địa phương có vị trí quân sự quan trọng nằm trên quốc lộ 1A – nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn. Phía nam xã có ga xe lửa trung chuyển Bắc – Nam – đi Thái Nguyên – đi Quảng Ninh và không xa có sân bay quân sự. Phía bắc xã có Cầu Lường nối đôi bờ sông Thương trên quốc lộ 1A. Phía đông có đập nước Kè Sơn.
Trong thời kỳ tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Quang Thịnh đã có những người con ưu tú sớm đi theo cách mạng và sau đó đã trở thành đảng viên. Từ một tổ Đảng, đến năm 1953 Quang Thịnh có 1 chi bộ và tháng 01 năm 1962 phát triển lên thành Đảng bộ.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, địa bàn Quang Thịnh luôn là một vùng hậu cứ của các cơ quan trong huyện, tỉnh đến đặt trụ sở làm việc như: Tỉnh ủy Hưng Yên, Hải Phòng, Hồng Quảng cùng các huyện bạn Lục Ngạn, Lục Nam… ở Rừng Lẩm, còn có 01 kho gạo của Nhà nước; ở đình Bơi có kho súng đạn của bộ đội chủ lực…luôn được bà con địa phương bảo vệ chu đáo.
Quang Thịnh còn là nơi nuôi dưỡng và bảo vệ nhiều đơn vị bộ đội địa phương quân và bộ đội chủ lực đến đúng chân lâu dài cũng như trạm trú dăm bẩy ngày. Tại Quang Hiển và khu Tân Lạc có tiểu đoàn 517 (chủ lực tỉnh), trung đoàn ông Nam Long. Các đồng chí Vương Thừa Vũ, Văn Tiến Dũng, Chu Văn Tấn cũng đã nhiều lần đưa bội đội hành quân tạm trú tại đất Quang Thịnh.
Tại Ngọc Sơn đầu năm 1948, còn có một trạm giao thông hỏa tốc của Ty giao thông Bắc Giang. Trạm đặt tại nhà ông Đặng Đình Nho. Đây là trạm trung chuyển của các loại thư, báo, công văn… Đặc biệt là chuyển gấp những công văn tuyệt mật sang Hữu Lũng (lúc đó Hữu Lũng trực thuộc tỉnh Bắc Giang). Tổ chức cán bộ đó hiện có ông Dương Văn Thắng (người Nội Hoàng – Yên Dũng) định cư tại khu Vườn Chùa, thôn Quang Hiển.
Phát hiện ra Quang Thịnh là nơi có nhiều đơn vị bộ đội thường xuyên qua lại và có nhiều cơ quan đến ở, thực dân Pháp đã nhiều lần câu đại bác bắn từ Bắc Giang lên và đã dùng máy bay Đakôta thả bom xuống làng Phan, làng Hiển và Thanh Lương, trong đó có trận 17 tháng chạp năm 1950, chúng thả bom làm cháy dóc 3 làng kể trên, làm chết 6 người. Bà con Quang Thịnh đã dành nhà ở, vườn bãi để bộ đội ở hoặc làm lán trại. Hàng ngày thường dành lương thực, thực phẩm cùng Chính phủ nuôi bộ đội. Thu đông 1947 và những năm 1949, 1950 bà con đã ủng hộ các đơn vị gần 30 con trâu, bò và hàng chục tấn thóc gạo để hưởng ứng chủ trương toàn dân nuôi quân và khao quân của Hồ Chủ tịch.
Trong chiến dịch Đông - Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân Quang Thịnh đi dân công phục vụ các chiến dịch. Nhân dân Quang Thịnh đã tập trung được hơn 20 chiếc xe đạp, tham gia vận tải lương thực, vũ khí. Mặc dù đường sá gập ghềnh, đi lại khó khăn nhưng các đoàn dân công của ta đều vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều người đã được nhận danh hiệu “Chiến sỹ dân công Điện Biên Phủ”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là từ khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Từ năm 1965-1972, máy bay Mỹ đã đánh xuống Quang Thịnh hơn 30 trận lớn nhỏ, với hàng trăm tấn bom đạn các loại, gây cho ta nhiều thiệt hại. Trong đó, thôn Ngọc Sơn bị đánh phá mang tính hủy diệt. Cầu Lường bị phá sập hoàn toàn.
Điển hình như trận đánh ngày 20/9/1965, đế quốc Mỹ cho nhiều tốp máy bay đánh phá miền Bắc trên địa bàn rộng lớn: Hà Bắc, Lạng Sơn, Quảng Ninh… Ở Hà Bắc, chúng đánh phá ác liệt vùng Kép, Cầu Lường, Kè Sơn. Với lòng căm thù giặc, lại được chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, dân quân Quang Thịnh đã phối hợp nổ súng cùng bộ đội cao xạ, lập nên chiến công đầu tiên của tỉnh Hà Bắc, chỉ trong 5 phút, đã hạ 3 máy bay giặc Mỹ.
Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, đêm 24/12/1972, máy bay B52 đánh nhiều nơi trên địa bàn tỉnh ta. Tại Quang Thịnh, chúng đánh vào khu vực Thanh Lương làm hư hại một số diện tích rau màu và diện tích mạ mới gieo. Quân dân xã Quang Thịnh luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, giúp dân san lấp hố bom trên đường quốc lộ, giúp dân thu dọn tài sản.
Trong hoàn cảnh chiến tranh, ngoài việc vừa sản xuất, vừa chiến đấu, Đảng bộ và nhân dân Quang Thịnh luôn hoàn thành các nghĩa vụ với Nhà nước. Riêng tuyển quân đạt 10,66% dân số đứng đầu huyện Lạng Giang. Địa phương bỏ ra hơn 3.000 ngày công giúp bộ đội làm lán trại; mang vác hàng tấn vũ khí, đạn dược; làm cầu phao, đường ngầm qua sông Thương; đi sửa gấp sân bay; ủng hộ bộ đội hơn 1.000 chiếc bánh chưng, hàng tấn lương thực và thực phẩm, 2.500 cây tre gỗ, vá hàng trăm bộ quần áo rách của bộ đội…
Qua các giai đoạn cách mạng, Đảng bộ Quang Thịnh luôn phát huy vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện, cùng với nhân dân trong xã lập nhiều thành tích xuất sắc và đã được Đảng, Nhà nước khen thưởng 1 Huân chương Lao động hạng ba, 1 Huân chương Kháng chiến hạng ba, 4 Huân chương Chiến công cho tập thể và cá nhân, cùng hàng trăm bằng khen, giấy khen, cờ thưởng khác. Trong các cuộc kháng chiến và ngày nay bảo vệ Tổ quốc, Quang Thịnh đã có hơn 1.200 thanh niên vào quân đội, hơn 200 người vào thanh niên xung phong, đi dân công phục vụ hỏa tuyến. Nhiều người được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua, dũng sỹ trên các mặt trận. 117 người được công nhận là liệt sỹ và 67 người là thương binh, 37 người là bệnh binh. Hai bà mẹ được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt nam anh hùng”. Nhiều cá nhân được thưởng Huân, Huy hương kháng chiến các loại và 142 gia đình được khen thưởng vì đã có thành tích giúp đỡ kháng chiến trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, giai đoạn 1965-1972.
Trong tiến trình thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện của Đảng, thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, việc ghi nhận và phổ biến những giá trị truyền thống yêu nước, cách mạng làm một nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng. Những bài học truyền thống quý báu sẽ góp phần bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân. Từ đó kế thừa và phát huy những thành tích vẻ vang của thế hệ cha anh, thế hệ trẻ ngày nay không ngừng vươn lên đóng góp trí tuệ sáng tạo, tài năng, công sức xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Ngày 28 tháng 5 năm 2010, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Quang Thịnh (Lạng Giang) được Chủ tịch nước ký Quyết định số 738/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.