Huyện Lục Ngạn: đơn vị anh hùng lự lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước
Ngày đăng:13-08-2020
Lục Ngạn là một huyện miền núi, nằm về phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang, có diện tích tự nhiên 1.032,53 km2. Huyện có 28 xã và 01 thị trấn, được chia thành 02 vùng: vùng cao có 12 xã, vùng thấp có 16 xã và 01 thị trấn. Phía bắc giáp với huyện Chi Lăng và Hữu Lũng (Lạng Sơn), phía đông giáp huyện Sơn Động (Bắc Giang) và huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), phía nam và phía tây giáp huyện Lục Nam (Bắc Giang). Dân số (31/12/2019) có 227.253 người, mật độ dân số là 204 người/km2. Lục Ngạn có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống như: Kinh, Nùng, Tày, Cao Lan, Sán Dìu, Hoa, Dao... Trong đó dân tộc Kinh chiếm 51% dân số. Lục Ngạn là điểm hội tụ của nhiều tuyến giao thông đường bộ quan trọng như Quốc lộ 31, 279; tỉnh lộ 285, 289, 290. Quốc lộ 31 (trước đây là quốc lộ 13B) khởi đầu từ thành phố Bắc Giang qua Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, đây là con đường huyết mạch của cả vùng Đông Bắc nối Bắc Giang với hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Cùng với tiến trình lịch sử của dân tộc, với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, tự lực tự cường, dũng cảm, bất khuất trước mọi thử thách của thiên nhiên và sự hung bạo của kẻ thù, quân và dân Lục Ngạn cùng nhân dân cả nước đã viết lên những trang sử hào hùng trong quá trình dựng nước và giữ nước, nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo, truyền thống yêu nước của quân và dân Lục Ngạn ngày càng được phát huy mạnh mẽ. Đó vừa là cơ sở, vừa là yếu tố tinh thần để nhân dân Lục Ngạn tiếp tục phát huy trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa ngày nay.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, có nhiều thanh niên Lục Ngạn tham gia khởi nghĩa Bắc Sơn về địa phương vận động, tuyên truyền nhân dân phá kho thóc của Nhật, ở khu vực Đồng Cốc và Bến Bò, thuộc tổng Mỹ Nương, tịch thu hàng trăm tấn thóc chia cho dân nghèo, vận động nhân dân không nộp sưu thuế cho Nhật. Lợi dụng lúc Nhật đảo chính Pháp, nhiều toán phỉ nổi lên, xưng hùng, xưng bá, quấy rối Cấm Sơn, Chũ, Hồng Giang, Kim Sơn, Giáp Sơn, Phì Điền, Đồng Cốc, Tân Hoa, Biển Động, Phượng Sơn, Trù Hựu,... Thổ phỉ và các đảng phái phản động đã cấu kết với nhau gây ra những vụ thảm sát đẫm máu đối với nhân dân trên địa bàn Lục Ngạn. Dưới sự lãnh đạo của cán bộ Cách mạng, nhân dân Lục Ngạn đã đoàn kết, dũng cảm chiến đấu bảo vệ làng bản, chống lại các toán phỉ, diệt hơn 200 tên, làm bị thương nhiều tên khác, thu nhiều vũ khí.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân Lục Ngạn phải hứng chịu 146 cuộc càn quét lớn, nhỏ của địch. Lực lượng địch có quân số đông và vũ khí hiện đại, có trận lên tới hàng trăm tên với máy bay, xe tăng, đại bác từ Đồi Ngô, Cầu Lồ yểm trợ bắn dữ dội vào các làng trong huyện, phá hủy nhiều nhà cửa, hàng trăm dân thường và du kích bị giết hại. Song quân và dân Lục Ngạn vẫn kiên cường bám đất, bám làng bản, với vũ khí thô sơ dựa vào làng chiến đấu, công sự vững chắc bám trụ, phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương dũng cảm chiến đấu hơn 200 trận lớn nhỏ, bảo vệ vùng tự do và các căn cứ kháng chiến, chặn đứng ý đồ đánh chiếm Lục Ngạn để làm bàn đạp tấn công sang Chi Lăng - Lạng Sơn, Sơn Động - Bắc Giang và Quảng Ninh. Qua các trận chiến đấu, quân và dân Lục Ngạn đã tiêu diệt và làm bị thương 2.572 tên địch, thu phục, cảm hóa 320 tên phỉ trở về làm ăn lương thiện với gia đình, phá hủy 01 xe tăng và 13 xe ô tô, thu hơn 700 khẩu súng các loại và nhiều đồ dùng quân sự. Nhân dân các dân tộc Lục Ngạn đã đùm bọc, nuôi giấu, bảo vệ an toàn cho các đoàn cán bộ của tỉnh, của Liên khu về hoạt động; bảo vệ an toàn các đoàn dân công vận chuyển lương thực cho chiến dịch Biên giới và chiến dịch Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó, Nhân dân Lục Ngạn còn ủng hộ kháng chiến 456 tấn lương thực, gần 300 tấn lợn hơi; hàng trăm thanh niên tham gia các đội du kích tập trung và bộ đội địa phương của huyện, huy động trên 3.000 người tham gia phục vụ tiền tuyến. Với thành tích đặc biệt này, Nhân dân và lực lượng vũ trang 03 xã: Kiên Lao, Nam Dương, Cấm Sơn của huyện đã được Đảng, Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; Lục Ngạn đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp về thăm và tặng cờ luân lưu. Đảng bộ, chính quyền các cấp được xây dựng và củng cố vững chắc, đã lãnh đạo Nhân dân và lực lượng vũ trang giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nhân dân Lục Ngạn vừa xây dựng lực lượng, vừa chiến đấu, sản xuất, toàn huyện đã phát động nhiều phong trào thi đua, chiến dịch, tiêu biểu như: “Tết công trường mừng xuân thắng Mỹ” xây dựng hoàn thành các công trình đập và hệ thống thủy lợi Đá Mài, Trại Muối, Đập Bầu Lầy, Đồng Cốc, đập Đèo Váng, hồ Hố Hùm, hồ làng Thum, Khuôn Thần,... những công trình trên đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Động viên 12.480 thanh niên lên đường nhập ngũ, chiếm 18,2% dân số; 1.537 thanh niên xung phong vào chiến trường phục vụ chiến đấu; đóng góp 6.500 tấn lương thực, trên 2.100 tấn lợn, gà và 1.950 tấn đậu, lạc, vừng cho Nhà nước. Đặc biệt từ năm 1965 đến tháng 12 năm 1972, quân và dân Lục Ngạn đã phối hợp với bộ đội phòng không bắn rơi nhiều máy bay và bắt sống 7 tên giặc lái Mỹ, trong đó hình ảnh tên Đại úy phi công Mỹ (GhiĐơnUynLớt) bị dân quân xã Ninh Sơn (nay là xã Sơn Hải) bắt sống được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Đảng bộ và chính quyền các cấp thường xuyên được xây dựng và củng cố vững chắc đã lãnh đạo nhân dân và các lực lượng vũ trang vừa chiến đấu, vừa sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần cùng cả nước hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng, Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 02 xã Tân Mộc và Sơn Hải; 04 cá nhân được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 01 Huân chương Quân công về thành tích huyện bắt nhiều giặc lái Mỹ và 01 Bằng khen về thành tích chi viện sức người, sức của cho tiền tuyền miền Nam.
Trong công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, kinh tế - xã hội của huyện liên tục phát triển, năm sau cao hơn năm trước. Đảng bộ huyện Lục Ngạn luôn đạt Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể huyện luôn đạt đơn vị khá trở lên. Công tác quốc phòng - quân sự địa phương hàng năm luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu. An ninh, chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn ổn định, khối đại đoàn kết các dân tộc luôn được củng cố vững chắc. Trong giai đoạn đổi mới, Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện được phong tặng Danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới; đồng chí Lý Lỏi Sáng, Chủ nhiệm hợp tác xã Tân Mộc được phong tặng Danh hiệu Anh hùng lao động.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 16 tháng 12 năm 2014, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký Quyết định số 3329/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” huyện Lục Ngạn./.