Đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị, góp phần nâng cao chất lượng công tác tư tưởng ở Đảng bộ tỉnh Bắc Giang
Ngày đăng:17-07-2020
Trong những năm qua, công tác giáo dục lý luận chính trị được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao tư tưởng chính trị, tư duy lý luận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Ảnh minh họa
Nhận thức rõ vai trò to lớn của công tác giáo dục lý luận chính trị trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã xác định: “Đẩy mạnh giáo dục lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” cho cán bộ, đảng viên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo quán triệt, học tập, nghiên cứu, triển khai thực hiện Nghị quyết số 37 - NQ/TW ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”; ban hành Kết luận số 78 - KL/TU về “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ở trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố tỉnh Bắc Giang trong tình hình mới”. Hàng năm, ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả ở Đảng bộ tỉnh.
Trên cơ sở đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn trung tâm chính trị các huyện thành phố, các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Chỉ đạo biên tập, bổ sung tài liệu và mở các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới cho các đối tượng. Từ năm 2016- 2020, trung tâm chính trị các huyện, thành phố tổ chức được 1.184 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho 155.835 lượt đảng viên, cán bộ, đoàn viên, hội viên các cấp. Năm 2017, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu tổ chức thành công Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi tỉnh Bắc Giang; tổ chức Hội thảo chuyên đề “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng ở trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố”.
Công tác xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, giảng viên kiêm chức ở các cấp được quan tâm cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ. Trường Chính trị tỉnh, trung tâm chính trị các huyện, thành phố chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, cập nhật những vấn đề lý luận, kiến thức mới, các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, địa phương để đưa vào nội dung bài giảng, gắn lý luận với thực tiễn. Học viên của các lớp học, khóa học được tham gia các chương trình nghiên cứu thực tế, viết thu hoạch. Hàng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với ngành Giáo dục chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng chính trị trong dịp hè cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các bậc học và học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.
Nhằm tăng cường công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, bổ sung các luận cứ khoa học trong việc đề ra các chủ trương, chính sách lớn của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 52 - KH/TU ngày 17/7/2018 về “Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2020”, với 5 chuyên đề ở các lĩnh vực trọng yếu của tỉnh, gồm: (1)Thực trạng hoạt động thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp gắn với mô hình tăng trưởng từ năm 1997 đến nay; (2) Phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh từ năm 1997 đến nay; những thời cơ, thách thức và định hướng phát triển trong những năm tới; (3) Các quan niệm của xã hội hiện nay về “Chân, Thiện, Mỹ”, về “Đức và Tài”; khuyến nghị các giải pháp thúc đẩy các giá trị tích cực và ngăn chặn những xu thế tiêu cực trong đời sống xã hội hiện nay; (4) Tình hình, nguyên nhân những vẫn đề bức xúc, xung đột xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua và xu thế thời gian tới; (5)Thực trạng đảng viên và công tác quản lý, phát triển đảng viên trong Đảng bộ tỉnh từ 1997 đến nay. Trong đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì tổ chức thực hiện thành công chuyên đề:Các quan niệm xã hội hiện nay về “Chân, Thiện, Mỹ”, về “Đức và Tài”, khuyến nghị các giải pháp thúc đẩy phát triển các giá trị tích cực và ngăn chặn những xu thế tiêu cực trong đời sống xã hội hiện nay ở tỉnh Bắc Giang, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các nhà khoa học và các ngành, địa phương trong tỉnh đánh giá cao. Sau tổng kết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 239 - KL/TU chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong Đảng bộ tỉnh nghiên cứu đưa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển các giá trị tích cực, ngăn chặn xu hướng tiêu cực trong việc xây dựng văn hóa, con người và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bắc Giang hướng tới “Chân, Thiện, Mỹ”, “Đức và Tài” vào văn kiện đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Hiện nay, trong bối cảnh đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025 đang diễn ra, thu hút sự quan tâm, đồng thuận cao, tập trung trí tuệ lớn của toàn đảng, toàn dân; đồng thời, để khắc phục tình trạng suy thoái về nhận thức lý luận, tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà biểu hiện khá rõ, như: coi thường lý luận, ngại học tập, nghiên cứu nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chạy theo bằng cấp, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng... đòi hỏi các cấp ủy đảng, hệ thống tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị trong Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị cấp huyện, các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Mỗi cán bộ, đảng viên chủ động, tự giác nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, coi đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách của công tác xây dựng Đảng. Thường xuyên cập nhật kiến thức mới, bồi dưỡng năng lực tổng kết thực tiễn và khái quát lý luận cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Gắn việc triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch với việc sơ kết, tổng kết, đánh giá bổ sung kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Nội dung, phương pháp giáo dục lý luận phải xuất phát từ tình hình cụ thể của đất nước, của địa phương, của từng ngành, từng lĩnh vực, phù hợp với từng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần thiết thực vào quá trình biến nghị quyết của Đảng thành thành quả cách mạng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.