Giải pháp chủ yếu tiếp tục phát triển đảng viên ở Đảng bộ tỉnh Bắc Giang hiện nay
Ngày đăng:18-06-2020
Trong thời gian qua, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên; xây dựng kế hoạch kết nạp đảng viên hằng năm, giao chỉ tiêu, cơ cấu tới từng tổ chức cơ sở đảng; qua đó đó góp phần nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ đảng viên.
Ảnh minh họa
Đội ngũ đảng viên của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang có tư tưởng chính trị vững vàng, ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức tốt, có lối sống trong sáng, lành mạnh, giải dị; có tinh thần, trách nhiệm trong công việc, phát huy được vai trò tiền phong, gương mẫu, được Nhân dân tin tưởng.
Từ năm 1997 đến hết năm 2019, Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được 53.800 đảng viên; trung bình mỗi năm kết nạp 2.400 đảng viên. Kết quả công tác phát triển đảng viên đã góp phần xây dựng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ tỉnh không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; tính đến ngày 31/12/2019, toàn Đảng bộ tỉnh có 85.659 đảng viên, tăng 97,8% so với năm 1997. Sau 20 năm, số đảng viên tăng gần gấp 02 lần.
Công tác quản lý đảng viên được các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở thực hiện nghiêm túc, góp phần ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ đảng viên, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng trong Đảng bộ tỉnh.
Tuy nhiên, công tác phát triển, quản lý đảng viên trong Đảng bộ tỉnh thời gian qua còn một số hạn chế như: Số lượng tổ chức cơ sở đảng không kết nạp được đảng viên còn nhiều; một số cấp ủy, chi bộ thực hiện kết nạp đảng viên vẫn chưa đảm bảo quy định; phát triển đảng viên ở nông thôn còn hạn chế, tỷ lệ trưởng thôn, bản, tổ dân phố là đảng viên còn thấp 70,4%; tỷ lệ kết nạp đảng viên trong công nhân lao động ở các đơn vị kinh tế tư nhân chưa tương xứng với sự phát triển của số lượng công nhân. Một số cấp ủy, chi bộ chưa nắm chắc tình hình tư tưởng, các mối quan hệ xã hội của mỗi đảng viên; việc phân công, giao nhiệm vụ cho đảng viên còn hình thức; công tác quản lý đảng viên chưa gắn chặt với việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng và giữ mối liên hệ với cấp ủy nới cư trú; việc quản lý hồ sơ đảng viên còn hạn chế, chưa bổ sung hồ sơ đầy đủ, kịp thời theo quy định.
Ảnh minh họa
Để công tác phát triển, quản lý đảng viên trong giai đoạn tới đạt kết quả; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Đối với các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy: xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án… để triển khai thực hiện công tác phát triển, quản lý đảng viên phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị và xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, lâu dài của các cấp ủy, tổ chức đảng, cụ thể: Xây dựng kế hoạch kết nạp đảng viên của từng giai đoạn và hằng năm, đưa việc kết nạp đảng viên là một trong những tiêu chí thi đua và đánh giá, xếp loại chất lượng chi, đảng bộ hằng năm; kiểm tra, đánh giá nhận thức cuối khóa học bồi dưỡng đối tượng phát triển đảng viên, bảo đảm kết quả học thực chất.
Đổi mới và nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị, học tập nghị quyết đối với đảng viên; định kỳ bồi dưỡng lý luận chính trị và cập nhật kiến thức mới cho đảng viên; nội dung bồi dưỡng lý luận chính trị, học tập nghị quyết phù hợp cho các đối tượng đảng viên.
Quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn thể hoạt động hiệu quả. Thực hiện nghiêm túc việc phân công cấp ủy viên dự sinh hoạt ở cơ sở. Tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn công tác phát triển, quản lý đảng viên ở các tổ chức đảng trực thuộc; đưa kiểm tra, giám sát công tác phát triển, quản lý đảng viên vào nội dung kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm của cấp ủy.
Về công tác quản lý đảng viên: Thường xuyên nắm chắc toàn diện về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, các mối quan hệ xã hội và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đảng viên. Thực hiện tốt việc phân công công tác cho đảng viên phù hợp với địa phương, đơn vị. Nghiêm túc thực hiện công tác tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ; công tác đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên hằng năm đảm bảo thực chất, sau đánh giá xây dựng kế hoạch khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém. Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ; phát huy trí tuệ, sức mạnh của tập thể chi bộ trong việc theo dõi, quản lý chặt chẽ đội ngũ đảng viên. Thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ việc chuyển sinh hoạt đảng, miễn công tác và sinh hoạt đảng; việc đảng viên ra nước ngoài và giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi công tác, cư trú theo quy định. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đảng viên; khai thác có hiệu quả phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đảng viên 3.0 của Trung ương.
Các tổ chức đảng có nguồn quần chúng đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào Đảng phải xây dựng kế hoạch kết nạp đảng viên hằng năm. Tập trung phát triển đảng là đoàn viên thanh niên; công nhân trong các doanh nghiệp, nhất là khu vực kinh tế tư nhân; nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; trưởng, phó thôn, bản, tổ dân phố và trưởng, phó các đoàn thể ở thôn, bản, tổ dân phố: tăng cường kết nạp công nhân lao động trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Củng cố, khắc phục hạn chế, yếu kém, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng trong doanh nghiệp để phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đảng viên, đoàn viên, hội viên trong tổ chức đoàn thể tích cực tham gia phong trào sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và làm cho doanh nghiệp thấy được vai trò, tác dụng của tổ chức đảng, đoàn thể đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; từ đó tạo điều kiện cho công nhân tham gia các tổ chức đảng, đoàn thể và tạo điệu kiện cho các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp hoạt động, qua đó phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp công nhân ưu tú vào Đảng. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương kết nạp chủ các đơn vị kinh tế tư nhân đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào Đảng.
Chú trọng phát triển đảng viên ở khu vực đông dân cư, nhất là khu vực nông thôn: Tập trung kết nạp đảng viên ở các chi bộ khu dân cư nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên hoặc có ít đảng viên. Chú trọng kết nạp đảng viên trong đội ngũ trưởng, phó thôn và trưởng, phó các đoàn thể ở khu dân cư; cơ cấu trưởng thôn tham gia cấp ủy và giữ chức phó bí thư chi bộ; sắp xếp, điều chỉnh nhiệm kỳ ứng cử bầu trưởng sát với đại hội chi bộ; lựa chọn đảng viên tiêu biểu để giới thiệu ứng cử bầu trưởng thông; thực hiện chủ trương đồng chí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, tổ dân phố ở những nơi có đủ điều kiện.
Đối với Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh: chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh với các huyện ủy, thành ủy trong công tác phát triển, quản lý đảng viên ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với các huyện, thành ủy rà soát, nắm chắc số đảng viên đang làm hợp đồng không xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhưng sinh hoạt đảng nơi cư trú để tuyên truyền, vận động chuyển sinh hoạt về tổ chức đảng trong doanh nghiệp cho phù hợp.
Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tăng cường chỉ đạo thành lập tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên trong các doanh nghiệp để tạo phong trào, thu hút đoàn viên, hội viên tham gia hoạt; từ đó giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng để bồi dưỡng phát triển đảng viên.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Trường Chính trị tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố nghiên cứu, biên soạn tài kiện bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng và đảng viên mới, nội dung cập nhật kiến thức mới cho đảng viên đảm bảo phù hợp với từng đối tượng đảng viên, nhất là đảng viên là công nhân trong các doanh nghiệp.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh hằng năm tổ chức đối thoại, gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc với các chủ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để nắm tình hình sản xuất kinh doanh và giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở địa phương phát triển bền vững để công nhân, người lao động gắn bó với doanh nghiệp; từ đó có thời gian lựa cọn được công nhân ưu tú để phát triển đảng viên./.