Xã Việt Ngọc: đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Ngày đăng:25-05-2020
Việt Ngọc là xã miền núi, nằm ở phía Tây huyện Tân Yên. Diện tích 8,666 km2; phía Bắc giáp xã Lam Cốt và xã Dương Thành (Dương Thành thuộc huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên); phía Tây và Tây Bắc giáp xã Ngọc Sơn và Hoàng Thanh (huyện Hiệp Hòa); phía Đông giáp xã Ngọc Vân và Song Vân; phía Nam giáp xã Lương Phong (huyện Hiệp Hòa). Trung tâm xã cách huyện lỵ Tân Yên 13 km.
Quang cảnh lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân xã Việt Ngọc
Xã Việt Ngọc có 5,8 km đường Tỉnh lộ 295 và 297 chạy qua, tiếp giáp với một số chiến khu căn cứ Cách mạng (Trị Cụ - Hoàng An). Bởi vậy, Việt Ngọc có vị trí chiến lược quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Từ năm 1936, phong trào cách mạng ở xã Hoàng Vân (Hiệp Hòa) đã lan sang Việt Ngọc. Một số đồng chí ở Hoàng Vân như đồng chí Ấp, đồng chí Quán được cử sang gây cơ sở ở Trị Cụ, Đồng Sắt, Ấp Bài, Đại Lâm và một số xóm ở Ngọc Cụ. Ngày 16/3/1945, một cuộc biểu tình thị uy trên 1.000 người của tự vệ và quần chúng các tổng Hoàng Vân, Ngọc Thành và khu vực ấp Ba huyện, trong đó có Việt Ngọc được tổ chức. Đoàn biểu tình đã đi qua đồn Trị Cụ và tiến thẳng vào đồn Cọ phá kho lấy thóc. Kết quả là hàng ngàn tấn thóc đã được phân phát cho dân.
Ngày 14/8/1945, theo Chỉ thị của trên, tự vệ Ngọc Cụ đã phối hợp với tự vệ Hiệp Hòa, Yên Thế lại nổ súng đánh đồn Trị Cụ, bắt sống đội Lộng, chỉ sau một thời gian ngắn đồn Trị Cụ - chỗ dựa chính của bộ máy thống trị của bọn thực dân đế quốc ở vùng này đã hoàn toàn thất thủ. Nhân dân địa phương tuyến bố bỏ chính quyền cũ và thành lập Ủy ban nhân dân lâm thời xã.
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng xâm lược trở lại nước ta. Thấm nhuần khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết”, phong trào “Ủng hộ Nam bộ kháng chiến” và phong trào “Nam tiến” đã dấy lên sôi nổi ở khắp địa phương. Với truyền thống yêu nước sẵn có, địa phương đã có hai mươi thanh niên tình nguyện ra nhập vệ quốc đoàn, nhiều người xung phong đi “Nam tiến”.
Ngày 02/10/1950, 300 lính Pháp từ Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa càn qua xã Ngọc Sơn theo đường 295 tiến sang địa bàn xã. Từ cầu Trắng Ngọc Thành địch chia thành 2 mũi, một mũi tiến thẳng theo đường 295 qua làng Ngọc Thành, làng Đồng để sang phố Dĩnh; mũi thứ hai vòng sau làng Ngọc Thành, theo bờ sông máng qua núi Lóng để hợp điểm với mũi kia. Trung đội du kích Việt Ngọc do Phạm Kình Ngư chỉ huy đã phối hợp với tiểu đoàn Thiên Đức[1] bố trí trận địa đánh địch. Trên đoạn đường dài gần 1 km từ làng Đồng đến cổng chùa Gia, ta đã bố trí nhiều ổ phục kích với hỏa lực tương đối dày đặc có cả súng cối, đại liên và mìn. Tuy thời gian rất gấp nhưng phương án tác chiến đã được nhanh chóng thông qua, các đơn vị ta sẵn sàng chia cắt đội hình địch để tiêu diệt chúng. Đúng 14 giờ 30 phút, cánh quân thứ nhất của địch do tên Quan ba Pháp chỉ huy đã lọt vào trận địa mai phục của ta. Sau phát súng lệnh của đồng chí chỉ huy, các ổ phục kích của ta đã bắt đầu nhả đạn. Mìn, lựu đạn của ta nổ xé trời cùng với các họng súng nổ ròn rã. Bọn lính Pháp hoàn toàn bất ngờ trở tay không kịp, chúng vừa bắn loạn xạ vừa tìm đường tháo thân. Trận chiến đấu diễn ra chưa đầy nửa giờ. Tại đây, hơn 30 lính Pháp đã thiệt mạng, hàng chục tên bị thương. Ta còn thu được một máy thông tin vô tuyến điện, hàng chục khẩu súng các loại cùng một số phương tiện chiến tranh của địch. Cánh quân thứ hai của địch không dám nổ súng chi viện cho đồng bọn và chúng đã tìm đường tháo thân, trận đánh chùa Gia ta đã giành thắng lợi hoàn toàn.
Trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, xã đã huy động hơn 170 dân công phục vụ chiến dịch, đóng góp hàng chục tấn gạo, hơn 1.000 kg đỗ lạc, hơn 300 kg thịt lợn. Đặc biệt địa phương đã huy động 20 chiếc xe đạp thồ phục vụ cho việc vận chuyển lương thực, vũ khí cho chiến dịch.
Ngày 7/5/1954, chiến dịch lịch sử của quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi. Trong cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp, nhân dân trong xã vô cùng tự hào vì đã góp phần củng cố vững chắc vùng tự do, xây dựng mỗi làng xã là một pháo đài chiến đấu; đồng thời trực tiếp đóng góp sức người, sức của cho mặt trận, góp phần đánh thắng quân thù. Đã huy động 152 người tham gia bộ đội (trong số này 15 người đã anh dũng hi sinh, 20 người là thương binh); nộp 150 tấn thóc công lương cho Nhà nước; bán 125 tấn thóc cho Hồ Chủ tịch khao quân; ủng hộ 1.750 kg gạo trong phong trào “Lọ gạo kháng chiến”; ủng hộ 10 khẩu súng cho lực lượng vũ trang, 159 kg đồng để Nhà nước đúc vũ khí. Đặc biệt đã huy động 1.052 lượt người đi dân công phục vụ các chiến dịch. Có những đợt đông người, Việt Ngọc đã thành lập riêng đại đội dân công của mình và cử các đồng chí đảng viên trực tiếp phục trách, trong số này có các đồng chí Nguyễn Đức Nghị, Nguyễn Duy Nhói, Nguyễn Hữu Trạc. Địa phương còn nhận đỡ đầu 10 bộ đội và đón 5 anh em thương binh có quê quán ở xa về chăm sóc, những anh em này đã xây dựng gia đình và làm ăn, sinh sống trên địa bàn xã.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ xã Việt Ngọc mặc dù mới được tách ra từ Đảng bộ xã Hồng Kiều, chính quyền xã còn non trẻ, xong đã phát huy sức mạnh đoàn kết lãnh đạo nhân dân Việt Ngọc bắt tay vào phong trào đổi công, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. 100% hộ nông dân vào hợp tác xã, trường học được xây dựng và ngày càng phát triển. Trạm y tế xã được xây dựng đủ phương tiện khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, được sự lãnh đạo của Huyện ủy Tân Yên, Đảng bộ Việt Ngọc đã kịp thời chuyển hướng lãnh đạo quân dân trong xã đi vào cuộc chiến đấu mới: vừa sản xuất, vừa chiến đấu, tay cày, tay súng, tất cả cho tiền tuyến miền Nam.
Từ vị trí chiến lược quan trọng trong quân sự nên Nhà nước và Bộ Quốc phòng đã bố trí 14 đơn vị bộ đội, kho quân khí, khí tài quân sự ở địa bàn xã Việt Ngọc. Đó là: Đơn vị phòng không không quân, đơn vị tên lửa ở khu Phú Cường; đơn vị 255 nuôi dưỡng thương binh nặng ở thôn Trại Hạ, thôn Cầu Trại, làng Chính; đơn vị Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 431 huấn luyện chiến sỹ mở thôn Việt Hùng; bệnh xá sư đoàn 431 ở chùa Thể Hội và 10 kho quân khí, khí tài quân sự ở 5 thôn: Đình Dĩnh, làng Nành, cầu Trại, Đồng Xứng; thôn Chính được chọn làm nơi sơ tán của Trường Đại học kinh tế quốc dân. Đảng bộ, chính quyền xã đã cùng nhân dân Việt Ngọc quyên góp 4.820 cây tre, 1.650 cây gỗ để bộ đội xây dựng doanh trại và kho vũ khí. Quyên góp 5,5 tấn gạo, 2 tấn khoai lang và 900 kg thịt lợn và vận chuyển đến nuôi dưỡng thương binh, chiến sỹ ở các đơn vị trên địa bàn.
Quân và dân Việt Ngọc còn nhận đỡ đầu cho 570 chiến sỹ tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sỹ 2.800 ngày công, tặng 726 xuất quà cho gia đình thương binh, liệt sỹ và thương binh ở các đơn vị quân đội trên địa bàn. Đào 750 mét hầm để trú ẩn và cất dấu tài sản, tài liệu được bố trí ở 23 thôn; 1.200 mét giao thông hào được nhân dân đào đắp để phục vụ sẵn sàng cho bộ đội triển khai phương án tác chiến khi chiến đấu trên địa bàn.
Trong cuộc chiến tranh ác liệt, Việt Ngọc vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển quân. Tiếp nối truyền thống cha anh, tuổi trẻ Việt Ngọc nối tiếp nhau lên đường cầm súng đánh giặc. Con em Việt Ngọc đã có mặt ở hầu hết các chiến trường: miền Bắc, miền Nam, Lào, Campuchia… Với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, quân và dân Việt Ngọc đã đóng góp cho tiền tuyến 450 tấn thóc, 75 tấn gạo, 31 tấn thịt lợn. Sau 32 đợt tuyển quân, nhân dân Việt Ngọc đã động viên 547 con em mình vào bộ đội. Nhiều anh em đã lập được chiến công xuất sắc. Địa phương đã nhận được hàng trăm giấy báo công, hàng trăm anh em được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt máy bay”, “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”… Điều vinh dự cho Việt Ngọc là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quốc hội và Chính phủ đã tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ba người con ưu tú của quê hương là Dương Quang Bổ, Nguyễn Thái Giám và Lê Quang Trung.
Trong số trên 500 người con Việt Ngọc lên đường diệt giặc có 120 người là liệt sĩ, 34 người là thương binh. Xã có 5 gia đình có 4 con, 37 gia đình có 3 con, 94 gia đình có 2 con cùng ở trong quân ngũ. 28 gia đình có hai bố con cùng chung một chiến hào, 9 gia đình có một người con duy nhất, đặc biệt gia đình bà Nguyễn Thị Hoàn có một người con trai độc nhất cũng tình nguyện cho đi bộ đội đánh Mỹ.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Việt Ngọc đã được Nhà nước tặng 1 Huân chương Kháng chiến hạng 3; 3 Huân chương Lao động hạng 3; gần 500 Huân, Huy chương kháng chiến cho cán bộ và nhân dân toàn xã. Với tinh thần yêu nước và cách mạng, Đảng bộ và Nhân dân Việt Ngọc đã làm tròn nghĩa vụ của hậu phương đối với tiền tuyến miền Nam anh hùng.
Phát huy những thành tích trong hai cuộc kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Việt Ngọc tiếp tục lập thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Hệ thống chính trị của xã không ngừng được tăng cường vững chắc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch và đã thu được nhiều kết quả. Sự nghiệp văn hóa - xã hội phát triển mạnh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, tỷ lệ hộ giàu tăng nhanh. An ninh - quốc phòng được giữ vững.
Với những thành tích xuất sắc ấy, đặc biệt là thành tích trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 28/5/2010, Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Việt Ngọc được Chủ tịch nước ký Quyết định số 738-QĐ/CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.