Những dấu ấn trong chặng đường phát triển của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang
Ngày đăng:31-01-2020
Trong 90 năm qua, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang một lòng theo Đảng, ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng trong từng thời gian; góp phần tích cực tô thắm truyền thống vẻ vang của Đảng quang vinh.
Ảnh minh họa
Từ khi có ánh sáng của chủ nghĩa Mác- Lênin do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá vào trong nước, cuộc đấu tranh của Nhân dân cả nước nói chung và Bắc Giang nói riêng đã chuyển sang bước ngoặt mới. Tháng 6 năm 1926, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập. Cũng ngay trong năm đó, nhóm thanh niên ưu tú của Bắc Giang gồm Nguyễn Hữu Căn (tức Phi Vân), Nguyễn Trọng Ngọc (tức Nam Hải) sang dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp truyền thụ và được kết nạp vào tổ chức Hội. Đây là nhóm thanh niên cách mạng đầu tiên của Bắc Giang sau này trở về làm hạt nhân tổ chức phong trào cách mạng. Trải qua quá trình hoạt động tích cực, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc Giang- Bắc Ninh đầu tiên thành lập ngày 04 tháng 8 năm 1929 tại núi Hồng Vân (núi Lim, Tiên Du, Bắc Ninh ngày nay) với hơn 20 hội viên tiên tiến. Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc Ninh- Bắc Giang ra đời là một bước ngoặt lịch sử quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng Bắc Giang- Bắc Ninh. Từ đây, Nhân dân Bắc Giang- Bắc Ninh bước sang một giai đoạn cách mạng mới- giai đoạn cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đến cuối năm 1938, Chi bộ Phủ Lạng Thương thành lập. Tháng 8/1940, Ban Cán sự tỉnh Bắc Giang - Tổ chức tiền thân của Tỉnh ủy Bắc Giang ra đời.
Dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang, tổ chức đảng và phong trào cách mạng ở Bắc Giang phát triển. Mặc dù chưa có Tỉnh ủy, nhưng Ban Cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang đã nỗ lực không ngừng, mưu trí, kiên cường vượt qua nhiều khó khăn, thử thách; với vai trò lãnh đạo, giác ngộ, tuyên truyền vận động Nhân dân hiểu sâu sắc nguồn gốc ách áp bức, bóc lột, đi theo ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh lãnh đạo, không ngừng phát triển cơ sở cách mạng sâu rộng làm bàn đạp cho các cuộc khởi nghĩa vũ trang từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Bắc Giang trở thành một trong bốn tỉnh đầu tiên trong cả nước khởi nghĩa giành được chính quyền cấp tỉnh (18/8/1945).
Ngay sau khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, hệ thống chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Bắc Giang được thành lập từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó có UBND cách mạng cấp tỉnh, UBND cách mạng lâm thời 09 huyện, châu, phủ, thị xã và 437 xã trong tỉnh. Ngay sau khi thành lập, tổ chức chính quyền trong tỉnh phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, phức tạp, nguy hiểm. Song dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã vượt qua khó khăn, thử thách, ra sức thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, luyện tập quân sự và bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Đảng bộ đã lãnh đạo Nhân dân thực hiện các phong trào như “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”, “Lọ gạo kháng chiến”... Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đã có hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong ra mặt trận; đóng góp hàng triệu ngày công phục vụ tiền tuyến, hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm để nuôi quân đánh giặc, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Bắc Giang có 04 trong tổng số 16 Anh hùng của cả nước trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Bắc Giang giữ vai trò quan trọng, là vành đai phía Bắc bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Do vậy, đã trở thành một trong những địa bàn bị đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy, quân và dân Hà Bắc vừa trực tiếp chiến đấu bảo vệ quê hương, vừa là hậu phương chi viện cho tiền tuyến, phát huy truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tích cực đóng góp sức người, sức của tham gia kháng chiến. Dưới làn bom đạn của quân thù, Nhân dân Hà Bắc hăng hái thực hiện tốt các khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì đồng bào miền Nam ruột thịt”. Hàng vạn lượt cán bộ, chiến sỹ đã đội bom đạn, kiên cường bảo vệ sản xuất, bảo đảm giao thông, vận chuyển hàng triệu tấn hàng hoá, vũ khí ra mặt trận. Hơn 7 vạn người con của quê hương đã lên đường vào Nam chiến đấu, 162 máy bay Mỹ bị bắn rơi, bắt sống và tiêu diệt 92 giặc lái Mỹ. Qua khói lửa chiến tranh; nhiều đồng chí, đồng bào, con em của các dân tộc Bắc Giang đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng chung của dân tộc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ Bắc Giang phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, ra sức thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng; thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế và nhiệm vụ then chốt xây dựng Đảng. Nhạy bén đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế; chuyển đổi sang cơ chế thị trường; giải phóng lực lượng sản xuất, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị; từng bước tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Kể từ khi tái lập tỉnh năm 1997 đến nay, kinh tế địa phương liên tục đạt tốc độ tăng trưởng khá. Cơ cấu chuyển dịch tích cực; tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ tăng. Thu hút đầu tư phát triển. Cơ sở hạ tầng không ngừng được củng cố, đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Xây dựng nông thôn mới thu được nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định được niềm tin của Nhân dân dành trọn cho Đảng. Sự nghiệp văn hoá, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ có nhiều tiến bộ. Đời sống Nhân dân không ngừng cải thiện. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh đều đạt thành tích quan trọng.
Năm 2019 là năm thứ hai Bắc Giang tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đạt 16,2%. Quy mô nền kinh tế tiếp tục được cải thiện, GRDP năm 2019 ước đạt trên 106.750 nghìn tỷ đồng, GRDP bình quân/người tiếp tục được rút ngắn so với cả nước. Thu ngân sách đạt gần 12 nghìn tỷ đồng. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của tỉnh đã được đầu theo theo hướng đồng bộ và từng bước hiện đại. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 ước đạt trên 230 nghìn tỷ đồng; riêng năm 2019 đạt gần 55 nghìn tỳ đồng. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 98,3%, tăng 7,4%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 89,8%, tăng 8,5%. Đời sống nhân dân, nhất là vùng nông thôn, miền núi, người dân tộc có chuyển biến rõ nét; không còn người thiếu đói, thiếu áo, di dân tự do; giải quyết việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội đạt kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 7,29% năm 2018 xuống còn 5,05%. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực; lao động trong khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản giảm còn 37%; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng lên 37% và khu vực dịch vụ tăng 2,5% lên 26%. Trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị các cấp tiếp tục được củng cố, tăng cường.
Có được những kết quả trên là do Đảng bộ luôn quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nắm chắc thực tiễn để vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương, đề ra chủ trương biện pháp lãnh đạo thực hiện phù hợp, hiệu quả.
Là bộ phận cấu thành của Đảng Cộng sản Việt Nam; trải qua đấu tranh cách mạng, Đảng bộ đã từng bước trưởng thành. Từ chỗ chỉ có 9 chi bộ với chưa đầy một trăm đảng viên năm 1945, đến nay tổ chức đảng đã phát triển ở tất cả các lĩnh vực, các địa bàn thôn bản, với trên 8,5 vạn đảng viên. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên từng bước nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các cấp uỷ từ tỉnh đến cơ sở đã nỗ lực đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc, khắc phục quan liêu, sâu sát thực tiễn, nâng cao trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, Đảng bộ vẫn luôn giữ được vai trò lãnh đạo; phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chủ động, tích cực thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị đặt ra trong mỗi giai đoạn cách mạng.
Đảng bộ tỉnh đã qua 18 lần tổ chức Đại hội, mỗi kỳ là một mốc đánh dấu sự trưởng thành trong lãnh đạo Nhân dân thực hiện nhiệm vụ. Với những đóng góp và thành tích đạt được; Nhân dân và Đảng bộ đã vinh dự 06 lần được đón Bác Hồ về thăm. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh. Có 72 tập thể, cá nhân Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 1.363 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 02 tập thể Anh hùng thời kỳ đổi mới, 07 Anh hùng lao động và hàng trăm nghìn huân, huy chương kháng chiến các loại. Đó là những phần thưởng và danh hiệu cao quý, là niềm tự hào, nguồn cổ vũ động viên to lớn đối với các thế hệ con em Bắc Giang hôm nay và mai sau./.