Nâng cao chất lượng công tác tư tưởng ở Đảng bộ tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn hiện nay
Ngày đăng:01-08-2018
Triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang có nhiều đổi mới trong công tác tư tưởng và đạt được những kết quả quan trọng đóng góp vào thành tựu chung trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng chí Đỗ Đức Hà - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân điển hình học tập và làm theo Bác năm 2018
Trong những năm gần đây, nhất là sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, trên các lĩnh vực từ phát triển kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, cho đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đều có nhiều kết quả nổi bật. Kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại. Điều kiện và môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng trở lên hấp dẫn. Hạ tầng KT-XH tiếp tục được tập trung đầu tư có trọng tâm; hệ thống giao thông, diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, khoa học - công nghệ, thông tin truyền thông,… tiếp tục phát triển toàn diện, vững chắc, không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng. Đời sống xã hội có những cải thiện quan trọng ở cả thành thị và nông thôn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường nhiều mặt, bảo đảm năng lực lãnh đạo và hiệu lực quản lý, điều hành, hoạt động theo yêu cầu nhiệm vụ.
Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và những tác động từ quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đang phải đối mặt với nhiều yếu tố chi phối đến nhận thức, tư tưởng. Mặt trái của cơ chế thị trường, những thông tin xấu độc trên mạng xã hội ngày càng phức tạp, chưa được kiểm duyệt đã có những tác động tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hoạt động“diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa theo hình thức phi truyền thống có những tác động đến chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng.
Đảng bộ tỉnh hiện có 15 đảng bộ trực thuộc, 737 chi, đảng bộ cơ sở, trong đó có 230 đảng bộ, xã, phường, thị trấn; có 4.628 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với 81.999 đảng viên. Xác định công tác tư tưởng có vai trò hết sức quan trọng, Đảng bộ tỉnh đã luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Nội dung công tác tư tưởng bám sát nhiệm vụ xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương, cơ sở, góp phần tích cực nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII ban hành Nghị quyết số 114- NQ/TU ngày 25/7/2016 về "tăng cường công tác tư tưởng ở Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2016- 2020”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 02- ĐA/TU ngày 21/9/2016 về “Tăng cường công tác điều tra, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016- 2020”. Sau 02 năm triển khai thực hiện, công tác tư tưởng ở Đảng bộ tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập, triển khai nghị quyết của Đảng được đổi mới. Nhiều nội dung quan trọng được tổ chức trực tuyến thông suốt từ tỉnh đến 230/230 xã, phường, thị trấn. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, đã đăng tải 8.618 tin, bài trên báo chí Trung ương; 70.783 tin, bài trên đài truyền thanh các huyện, thành phố; 35.668 tin, bài trên trang thông tin điện tử, bản tin các huyện, thành phố; 351.216 tin, bài trên đài truyền thanh cơ sở; 3.541 cụm pa nô; 51.003 băng zôn, khẩu hiệu; 35.459 chương trình văn hóa, văn nghệ. Ban tuyên giáo các cấp đã chủ động phối hợp với UBND cùng cấp xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền các dự án trọng tâm phát triển kinh tế- xã hội theo tinh thần Quyết định 221- QĐ/TW ngày 27/4/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kết quả phát triển kinh tế- xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân. Hiệu quả trong công tác tuyên truyền đã góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm 2018, lần đầu tiên kinh tế tỉnh đạt mức tăng trưởng 13,31% - cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và cao nhất trong 14 tỉnh Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; công nghiệp tăng trưởng 24%, xếp thứ 5 cả nước; quy mô giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ 14 cả nước, góp phần nâng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 51,1% cơ cấu kinh tế.
Công tác giáo dục lý luận chính trị cho đảng viên, cán bộ được coi trọng, kiến thức mới được cập nhật thường xuyên, kịp thời; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ được nâng lên. Kết luận số 78- KL/TU ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ở trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố tỉnh Bắc Giang trong tình hình mới” được quan tâm thực hiện khá toàn diện; đội ngũ giảng viên, giảng viên kiêm chức thường xuyên được kiện toàn, chất lượng được nâng lên. Đã cử đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị 254 đồng chí, trung cấp lý luận chính trị 1.480 đồng chí, bồi dưỡng cán bộ quản lý các cấp 2.300 đồng chí, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ 4.910 lượt cán bộ ở tất cả các cấp. Công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn được coi trọng.Đã chỉ đạo tổ chức sơ kết, tổng kết 13 chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác tư tưởng, lý luận chính trị; tổ chức 46 cuộc hội thảo, tọa đàm; có 36 đề tài khoa học cấp tỉnh, 62 đề tài khoa học cấp cơ sở và hàng chục nghìn sáng kiến kinh nghiệm được triển khai thực hiện.
Công tác điều tra, nắm bắt, định hướng DLXH của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở có nhiều đổi mới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hànhĐề án số 02- ĐA/TU ngày 21/9/2016 về “Tăng cường công tác điều tra, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016- 2020”. Thực hiện Đề án, đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội được thành lập ở cấp tỉnh và cấp huyện. Cấp tỉnh có 32 đồng chí; 15/15 huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy duy trì hiệu quả tổ dư DLXH cùng cấp. Công tác điều tra dư luận xã hội được tăng cường với hàng chục cuộc điều tra mỗi năm, tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức thiết mới phát sinh mà cán bộ, đảng viên, Nhân dân quan tâm.Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy duy trì nghiêm túc tổ chức 02 hội nghị giao ban với cộng tác viên DLXH, báo cáo phản ánh dư luận xã hội với Thường trực Tỉnh ủy 02 lần/tháng, trong đó, nhiều nội dung dư luận phản ảnh được Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo xác minh làm rõ, giải quyết và định hướng dư luận kịp thời.
Đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân không ngừng được nâng cao. Các giá trị văn hóa tốt đẹp được gìn giữ, bảo tồn và phát huy trong điều kiện mới. Năm 2017, có 90,9% hộ gia đình đăng ký và đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Nhiều thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở các cấp. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ chào mừng các ngày lễ kỷ niệm, các sự kiện chính trị, văn hóa và phong trào thể thao quần chúng được tổ chức rộng khắp, nội dung, hình thức phong phú, lành mạnh phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân.
Chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng ở các cấp ngày càng được nâng lên cả về bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ (cán bộ tuyên giáo, cộng tác viên DLXH, báo cáo viên, văn nghệ sỹ, phóng viên...), đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Toàn tỉnh hiện có 1.716 đồng chí cán bộ làm công tác tuyên giáo (cấp tỉnh: 30 đồng chí, cấp huyện: 69 đồng chí, cấp xã: 1617 đồng chí); đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh có 174 người; trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. 100% đảng bộ xã, phường, thị trấn thành lập ban tuyên giáo đảng uỷ. Hằng năm, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp nhằm đáp ứng tốt trong tình hình mới.
Việc triển khai Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng được các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh đón nhận, triển khai một cách chủ động với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, gắn với nhiệm vụ cụ thể của các địa phương, cơ quan, đơn vị. Những việc khó, những vấn đề bức xúc nổi cộm được lựa chọn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tỷ lệ việc đăng ký hàng năm của tập thể và cá nhân được giải quyết đạt trên 90%, tạo niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; đồng thời tạo động lực để các bộ, đảng viên thi đua hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên đi cơ sở nắm tình hình, trực tiếp chỉ đạo giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở như: Ô nhiễm môi trường; giao thông nông thôn; vấn đề thiếu lớp học, thiếu giáo viên mầm non; tranh chấp đất rừng... Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trong từng năm, các chính sách an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên, công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền trực quan, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị ở một số địa phương còn hạn chế. Một số lĩnh vực trong công tác khoa giáo chưa được quan tâm đúng mức, nhất là bảo vệ môi trường, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, một số hiện tượng tiêu cực trong giáo dục. Giáo dục lý luận chính trị chậm được đổi mới về phương pháp, cập nhật kiến thức mới chưa chủ động, thường xuyên. Việc nắm tư tưởng, định hướng dư luận xã hội ở một số lĩnh vực chưa kịp thời. Công tác đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa còn nhiều khó khăn, phức tạp. Việc xây dựng, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở một số địa phương, đơn vị còn hạn chế, chưa tạo được sức lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ trong đời sống xã hội.
Trước yêu cầu nhiệm vụ và bối cảnh mới, để nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, thời gian tới Đảng bộ tỉnh tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Chú trọng nâng cao công tác tư tưởng trong Đảng bộ tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 114- NQ/TU ngày 25/7/2016 của Tỉnh ủy “Về tăng cường công tác tư tưởng ở Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2016- 2020”. Đẩy mạnh tuyên truyền các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gắn với các ngày kỷ niệm lớn của tỉnh, đất nước.
Hai là, tiếp tục tham mưu đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình hành động số 22- CTr/TU ngày 22/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; phát hiện, xây dựng, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong đảng viên, cán bộ và các tầng lớp Nhân dân.
Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên các cấp. Duy trì tổ chức các hội nghị thông tin cán bộ chủ chốt, hội nghị thông tin cho đội ngũ báo cáo viên. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Đề án số 02- ĐA/TU ngày 21/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác điều tra, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016- 2020”. Tăng cường công tác điều tra DLXH; chủ động, kịp thời nắm tư tưởng, dư luận xã hội, những vấn đề phức tạp nảy sinh để định hướng, tham mưu, đề xuất các giải pháp hiệu quả, tạo sự ổn định và đồng thuận xã hội.
Bốn là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, giảng viên kiêm chức các cấp. Tăng cường mở các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên ở cơ sở. Quan tâm nâng cao chất lượng thẩm định, biên soạn, xuất bản sách lịch sử Đảng ở các địa phương, đơn vị. Chú trọng đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ, lịch sử địa phương, truyền thống văn hóa cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên.
Năm là, tích cực tham mưu chỉ đạo sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và thường xuyên tổ chức các hội thảo, tọa đàm, đề tài nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực khoa giáo. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 43- KL/TU ngày 11/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn; vấn đề thiếu lớp học, thiếu giáo viên ở bậc học mầm non; vấn đề giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Sáu là, chỉ đạo các hoạt động văn hoá, văn nghệ, báo chí, xuất bản trên địa bàn đảm bảo đúng định hướng tư tưởng, chính trị. Tiếp tục tham mưu thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 75- CTr/TU ngày 20/04/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 33- NQ/TW ngày 09/6/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 94; chú trọng xây dựng lực lượng và tổ chức viết tin, bài đấu tranh phản bác thông tin, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa./.